Tác phẩm xoay quanh Lê Ánh Phong - nam thanh niên sinh ở Quảng Ngãi, lên Hà Nội học và trở thành họa sĩ ở nhà hát múa rối. Từ nhỏ, Phong luôn tin mình là một người phụ nữ mắc kẹt trong cơ thể đàn ông, bị dằn vặt với khát khao thầm kín. Nhờ một người bạn Mỹ giúp đỡ, Phong sang Thái Lan phẫu thuật. Trên hành trình, chị đối mặt những vấn đề về gia đình, xã hội và sức khỏe bản thân.
Trailer phim.
Từ đầu phim, nhân vật chính đã nhận thức rõ về bản thân, thể hiện qua phần độc thoại và cảnh đứng trước gương nhìn ngắm cơ thể. Sau đó, câu chuyện được khai triển dần theo hành trình chuyển giới của Phong. Từng giai đoạn được minh họa sinh động như lúc dùng hormone nữ, khám phá về tình dục, chuyến đi Thái rồi đến cao trào là cuộc phẫu thuật.
Finding Phong tránh được lối mòn bi lụy, kể khổ của một số tác phẩm cùng chủ đề. Tổng thể phim tràn đầy lạc quan và thậm chí hài hước ở nhiều đoạn. Phần giữa tác phẩm, Phong và các bạn bàn về giới tính, tán tỉnh đối phương theo cách chân thực, thoải mái.
Lê Ánh Phong chia sẻ tâm sự về hành trình chuyển giới.
Tác phẩm không sa vào kiểu câu nước mắt mà để nhân vật bộc lộ nỗi niềm tự nhiên. Đó là sự lo lắng của Phong khi xem hình ảnh về phẫu thuật, những giằng xé về nội tâm hay trăn trở cho tương lai. Xuyên suốt phim, một tâm sự được nhắc lại nhiều lần là về những rào cản sinh học chưa thể vượt qua, tiêu biểu như khi một người chuyển giới khẳng định dù thay đổi thế nào, họ vẫn không phải phụ nữ thật.
Các tương tác của nhân vật Phong với nhiều những người xung quanh tạo tính đa chiều và khía cạnh xã hội của tác phẩm. Bạn bè, đàn chị tiếp xúc với Phong và bộc lộ quan điểm của họ, không chỉ về chuyển giới mà cả chuyện tình dục, yêu đương. Sau hàng chục phút phim, bố mẹ nhân vật mới lộ diện rõ trong câu chuyện. Phong may mắn có gia đình hỗ trợ và yêu thương chị trên hành trình. Tuy nhiên, mẹ Phong có khoảnh khắc bộc bạch nỗi lòng dễ gây xúc động cho khán giả. Người anh của Phong - vốn ít nói trước đó - có chia sẻ chân thực và gây suy ngẫm ở cuối phim.
Đạo diễn Phương Thảo (trái) và Lê Ánh Phong ở buổi ra mắt phim. |
Ngoài các thước phim do ê-kíp quay, tác phẩm có nhiều cảnh do Phong tự ghi hình. Đạo diễn trao máy quay cho nhân vật và sau mỗi tuần sẽ xem lại các đoạn phim và trao đổi với chị. Với cá tính sôi nổi, Phong mạnh dạn kể lại nỗi niềm và trải nghiệm theo cách phóng khoáng. Chị không ngại thu hình khoảnh khắc nặng tính cá nhân. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhận xét phim thành công do nhân vật chủ động thể hiện mình trước máy quay, thậm chí tận dụng nó như một "đồng minh" để nói lên những điều khó nói ngoài đời.
Trong hơn 92 phút phim, lối kể bộc trực của Phong cuốn khán giả theo cảm xúc của chị, từ sự khát khao yêu thương, hồn nhiên đến hạnh phúc khi thật sự sống đúng với bản thân. Cách dựng của đạo diễn cân bằng tốt giữa hình ảnh và thoại nên không tạo cảm giác nặng nề về ngôn từ.
Lê Ánh Phong (trái) sinh năm 1988 trong gia đình có cuộc sống khó khăn ở Quảng Ngãi. |
Tác phẩm được phát hành theo con đường độc lập giống Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, không quảng bá rầm rộ. Ở buổi chiếu ngày 2/10 tại TP HCM, khán phòng đầy ắp với hơn 200 khán giả, trong đó có nhiều nghệ sĩ như diễn viên Hữu Châu, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đến xem. Họ nhiều lần vỗ tay, bật cười theo các tình tiết và tiếp tục dành sự tán thưởng cho êkíp sau khi phim kết thúc. Hơn nửa số người xem ở lại để dự buổi giao lưu sau đó. Hồng Ánh - nữ diễn viên hỗ trợ truyền thông phim - vui mừng vì tác phẩm tài liệu được khán giả đón nhận. Chị xúc động với hành trình của Phong và hy vọng những thước phim chân thực về người chuyển giới có thêm cơ hội đến với nhiều người xem. Trước mắt, tác phẩm vẫn được chiếu từng buổi riêng lẻ trước khi tìm được nhà phát hành ở rạp.
Finding Phong được hoàn thành từ năm 2014 và giành một số thành tích ở các liên hoan phim, trong đó có giải Grand Prix tại Liên hoan phim Quốc tế Jean Rouch 2015 tại Paris (Pháp), giải khán giả ở Viet Film Fest 2016 tại Los Angeles (Mỹ) và giải "Phim xuất sắc" ở Liên hoan phim LGBT Quốc tế 2016 ở Hy Lạp.
Ân Nguyễn