Trước khi được đề cử vào hạng mục Phim tài liệu ấn tượng của VTV Awards 2023, vào tháng 9 vừa qua, bộ phim "Đường đến hòa bình" đã mang về cho đạo diễn Đoàn Hồng Lê một Cánh diều vàng tại hạng mục Đạo diễn Phim tài liệu xuất sắc trong lễ trao giải Cánh diều vàng 2023. Đạo diễn Đoàn Hồng Lê vói về giải thưởng của mình vào thời điểm ấy: "Đây là sự ủng hộ của những người làm phim Việt Nam đối với cô Thanh và những người bạn Hàn Quốc trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới".
Bộ phim "Đường đến hoà bình" của đạo diễn Đoàn Hồng Lê được phát sóng vào tháng 12/2022. Đây là bộ phim ghi lại hành trình vụ kiện đặc biệt của bà Nguyễn Thị Thanh - 1 trong số ít nạn nhân sống sót sau cuộc thảm sát của quân đội Đại Hàn ở làng Phong Nhị. "Đường đến hoà bình" được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2022. Với bộ phim này, đạo diễn Đoàn Hồng Lê đã cho người xem được thấy một phần của hành trình vụ thảm sát làng Phong Nhị đến với toà án của Hàn Quốc như thế nào.
Sau khi bộ phim phát sóng 2 tháng, vào ngày 7/2 năm nay, Tòa án Trung Seoul (Hàn Quốc) đã yêu cầu Chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thanh - nguyên đơn trong vụ kiện về vụ thảm sát thường dân trong chiến tranh Việt Nam tại làng Phong Nhị, phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào năm 1968.
Một cảnh quay trong phim "Đường đến hòa bình".
Trong một chia sẻ của mình, nói về quyết định làm phim này cũng như những vấn đề xung quanh quá trình thực hiện phim "Đường đến hòa bình", đạo diễn Đoàn Hồng Lê cho biết: "Tôi không nhớ có được học về sự tham gia của quân đội đại Hàn trong cuộc chiến Việt Nam ở nhà trường. Những gì tôi biết về điều này là qua câu chuyện của cha tôi, một phóng viên chiến trường đã làm việc nhiều năm ở Quảng Nam, nơi quân đội Hàn Quốc đóng quân trong chiến tranh Việt Nam. Những người dân ở các vùng nông thôn tôi đến làm việc cũng có câu: "Ác như Đại Hàn", kể cả những người đã làm việc cho Việt Nam Cộng hoà - mà quân đội Đại Hàn là đồng minh - cũng nói vậy, tôi xin lỗi phải kể sự thật không dễ chịu này, có lẽ họ còn giữ những ký ức đau buồn của thời chiến".
"Khi biết được rằng những thế hệ sau này ở Hàn Quốc bắt đầu phong trào Thành thật xin lỗi Việt Nam kéo dài đến nay là 20 năm, tôi tự hỏi điều gì khiến cho người Hàn Quốc, vốn là một dân tộc mang đặc trưng Á Đông coi trọng thể diện, lại có cách nhìn nhận và hành động mạnh mẽ đối với một sai lầm của quá khứ như vậy? Chắc chắn phong trào này lúc ra đời cũng không phải dễ dàng" - đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói tiếp - "Tôi cũng rất tò mò: Điều gì đã và đang xảy ra trong xã hội Hàn Quốc? Đến khi biết câu chuyện của cô Thanh, tôi mới nghĩ rằng theo đuổi quá trình pháp lý này có thể trả lời cho câu hỏi của mình".
"Câu chuyện của cô Thanh và hành trình theo đuổi pháp lý của cô có thể trả lời cho câu hỏi của tôi" - đạo diễn Đoàn Hồng Lê tiếp tục - "Từ câu chuyện của cô Thanh, tôi đã quan sát và ghi chép được một phần những chuyển động xảy ra trong xã hội Hàn Quốc ngày nay, những xung đột giữa quá khứ và hiện tại, cấp tiến và bảo thủ, lý và tình… Đó là một soi chiếu cần thiết cho xã hội Việt Nam khi đối mặt với lịch sử của chính mình".
Ảnh chụp một buổi ghi hình cho phim "Đường đến hòa bình" của đạo diễn Đoàn Hồng Lê và ê-kíp.
"Với "Đường đến hòa bình", tôi đã hết lòng yêu mến vẻ đẹp của các nhân vật của mình, khán giả Việt Nam cũng yêu mến họ, vậy là tôi thấy vui" - đạo diễn Đoàn Hồng Lê nói tiếp - "Tôi mong muốn lịch sử trở nên gần gũi với đời sống, chứ không chỉ là những con số hay luận đề trong sách giáo khoa. Cần đưa "lịch sử của thường dân" vào chương trình học, nghĩa là những câu chuyện về trải nghiệm chiến tranh của các nhân chứng, từ đó học sinh có được sự đồng cảm với con người, hiểu rõ vì sao mọi chuyện xảy ra như thế ở góc độ con người. Tôi tin điều đó giúp học sinh nhận thức được vai trò của mình trong việc kiến tạo nên một lịch sử của tương lai".
'Đường đến hòa bình' và việc 'cần phải hiểu chính xác những gì đã xảy ra trong quá khứ'
Những bức ảnh đầy ám ảnh về cuộc thảm sát tại làng Phong Nhị.... (Ảnh chụp màn hình)
Vụ thảm sát Phong Nhị là một trong hàng chục vụ thảm sát do lính Nam Triều Tiên gây ra ở miền trung trong chiến tranh Việt Nam nhưng là vụ thảm sát duy nhất được ghi lại bằng hình ảnh bởi một người lính Mỹ trong đơn vị cứu thương đã đến làng Phong Nhị ngay sau đó - hạ sĩ J. Vaughn.
Trong bộ phim tài liệu "Đường đến hòa bình", nhà báo Koh Kyoung-Tae - Cựu tổng biên tập Báo Hankyoreh 21 - đã nói: "Hàn Quốc có một nền kinh tế tăng trưởng rất nhanh, một nền kinh tế đáng ngưỡng mộ về tốc độ tăng trưởng. Đó là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới. Nhưng cần phải hiểu chính xác những gì đã xảy ra trong quá khứ".
Và "những gì xảy ra trong quá khứ" ở đây mà nhà báo Koh nói đến chính là cuộc chiến của quân đội Hàn Quốc tại chiến trường Việt Nam.
"Người Hàn Quốc sang đó đã làm rất nhiều việc, đã kiếm được nhiều tiền, đã nhận được nhiều đặc quyền và những món lợi lớn từ Hoa Kỳ. Và với nền kinh tế của Hàn Quốc ở giai đoạn đầu đó điều này đóng vai trò quan trọng giúp kinh tế tăng trưởng nhanh chóng".
"Mọi người chỉ biết chiến tranh Việt Nam ở khía cạnh đó nhưng không biết rằng 320.000 quân đã được gửi đi trong 8 năm" - nhà báo Koh Kyoung-Tae nói tiếp - "Một quân số rất lớn. Và thực sự trong chiến tranh có bao nhiêu việc đã xảy ra nhưng người ta không biết, thậm chí không muốn quan tâm".
Trong khi đó, Tiến sĩ Ju Su Jeong - Cựu Phó Chủ tịch Quỹ Hoà bình Hàn - Việt đồng thời là người phát hiện ra những vụ thảm sát mà lính Hàn gây ra ở Việt Nam và đưa ra công luận ở Hàn quốc, thức tỉnh những người cấp tiến ở Hàn Quốc đòi minh bạch sự thật lịch sử này - đã nói về việc vô tình phát hiện tập tài liệu: "Năm 97 ở Hà Nội, tôi kiếm được một hồ sơ có tựa đề là Tội ác của quân đội Nam Triều Tiên tại miền Nam Việt Nam. Lần đầu tiên tôi biết cái vụ thảm sát này. Hồi đó tôi nửa tin nửa nghi thôi. Và nội dung này khiến tôi rất sợ, cho nên tôi vứt bỏ một chỗ. Sau đó tôi không dám nhìn lại, không dám lục lại".
"Mãi đến năm sau 98 thì Thuyền Hoà Bình của Nhật Bản đưa một nhóm nhà văn Hàn Quốc tới Đà Nẵng - những nơi xảy ra thảm sát. Lúc đó những nhà văn Hàn Quốc này cũng nói họ rất sốc vì lần đầu tiên biết đến vấn đề đó... Lúc đó tôi đưa họ xem hồ sơ và nói có khả năng cái này là sự thật".
"Đến cuối năm 98 thì chúng tôi quyết tâm là chúng tôi phải đi tìm" - Tiến sĩ Ju nói tiếp - "Tôi rất tò mò những người đã ngã xuống trong hình ảnh này là ai? Người đó là người như thế nào? Tên họ thế nào? Người này có thể là con của ai? Hoặc là chị của ai? Hay là mẹ của ai?".
Tiến sĩ Ju Su Jeong và hành trình tìm lại sự thật của lịch sử. (Ảnh tư liệu trong phim)
Năm 1999, Tiến sĩ Ju Su Jeong là một trong những người sáng lập phong trào "Thành thật xin lỗi Việt Nam" đưa giới trẻ Hàn đến Việt Nam học về các vụ thảm sát.
Nhà báo Koh nói sau khi ông được xem những bức ảnh lịch sử ông đã quyết định đến địa danh nơi những bức ảnh được ghi lại.
"Tháng 3 năm 2001 tôi đã đến làng Phong Nhất và Phong Nhị. Tôi tập hợp dân làng lại và đưa những hình ảnh đó cho họ xem và tôi đã lắng nghe những câu chuyện họ kể. Trong đó cô Nguyễn Thị Thanh là nạn nhân trực tiếp duy nhất còn sống sót".
Nhà báo Koh Kyoung-Tae - Cựu tổng biên tập Báo Hankyoreh 21 - đã đến làng Phong Nhất và Phong Nhị. (Ảnh chụp màn hình)
Và bà Nguyễn Thị Thanh - nạn nhân duy nhất còn sống - đã trải qua những năm tháng của cuộc đời với nỗi ám ảnh không thể phai nhạt: "Lúc đó dì tôi sợ quá bảo anh em tôi lên, thì anh em tôi lên tới đâu là bị lính bắn tới đó... Tội chạy đi ra ruộng thì họ đã lùa mẹ tôi lên đó và họ đã giết rồi... Thực sự những hình ảnh đó không bao giờ tôi quên được".
"Tôi là người mang vết thương trong lòng...".
Có 2 cách bình chọn cho bộ phim mà bạn yêu thích tại VTV Awards 2023:
- Bình chọn trên VTVgo (được tính 1 điểm/view)
Bước 1: Cài đặt ứng dụng VTVgo (tải ứng dụng từ App Store hoặc CH Play) về điện thoại
Bước 2: Truy cập vào playlist Chào năm mới 2024 - VTV Awards. Xem video clip đề cử mà bạn yêu thích.
- Bình chọn qua SMS (được tính 1 điểm/sms, 1 số điện thoại có thể tham gia bình chọn nhiều lần)
Bước 1: Khán giả bình chọn theo cú pháp: VTV<dấu cách><Mã số bình chọn> gửi 8069ã>ấu>ã>ấu>ã>ấu>
Bước 2: Nhà mạng sẽ phản hồi về một tin nhắn ghi nhận thông tin bình chọn hợp lệ hoặc chưa hợp lệ.
Thứ tự đề cử xếp theo bảng chữ cái alphabet.
Phim tài liệu: Đường đến hòa bình
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!