Nhiều lần trễ hẹn
Trong công văn gửi đến UBND TP.Hà Nội hôm qua 30.6, Viettel IDC thông tin trong 4 năm qua, Tập đoàn Viettel và Viettel IDC đã rất nỗ lực duy trì dịch vụ, nhiều lần trì hoãn việc ngừng cung cấp dịch vụ để TP.Hà Nội có thời gian giải quyết tồn đọng, phòng chống dịch bệnh.
Trước đó, sau nhiều lần thúc giục thanh toán công nợ, UBND TP.Hà Nội cũng đã cam kết sẽ hoàn tất thủ tục đấu thầu để thanh toán công nợ cho Viettel IDC trước ngày 30.6 tại Công văn số 1711/UBND-KGVX ngày 8.5.
Tuy nhiên, cuộc họp chiều 29.6 giữa Viettel IDC và lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội không có tiến triển trong việc thực hiện thủ tục đấu thầu. Dù đã đến hạn thanh toán 30.6, song phía Hà Nội chưa đưa ra bất kỳ kết quả nào về việc thực hiện thủ tục thanh toán công nợ.
Viettel IDC cho hay sẽ buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ cho UBND TP.Hà Nội từ 0 giờ ngày 4.7. Dịch vụ sẽ được cung cấp trở lại khi Viettel IDC nhận được thanh toán công nợ đang tồn đọng.

TP và Sở mong muốn Viettel IDC tiếp tục phối hợp với TP, tháo gỡ khó khăn và không cắt dịch vụ, gián đoạn ảnh hưởng đến người dân khi sử dụng dịch vụ công

Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.Hà Nội

Trong thời gian từ 30.6 đến hết ngày 3.7, công ty này cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện sao lưu dữ liệu trước khi ngừng dịch vụ. Sau ngày 3.7, đơn vị này sẽ không chịu trách nhiệm về dữ liệu của TP tại Trung tâm dữ liệu Hòa Lạc khi ngừng dịch vụ.
Được biết, đã có hơn 40 cuộc họp giữa Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, lãnh đạo các sở ngành và đại diện Viettel cùng hàng chục văn bản trao đổi giữa 2 bên. Lãnh đạo TP.Hà Nội cũng nhiều lần cam kết sẽ yêu cầu Sở TT-TT và các bên liên quan hoàn tất thủ tục trong 1 tháng để thanh toán, tuy nhiên, mốc thanh toán đã bị trễ nhiều lần.
Đây không phải lần đầu tiên Viettel IDC đưa ra “tối hậu thư” cho Hà Nội vì bị chậm thanh toán. Trước đó vào tháng 4, Viettel cũng đã có công văn hỏa tốc gửi đến các cơ quan quản lý TP.Hà Nội về kế hoạch tạm ngừng cung cấp dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cho thành phố vào ngày 1.5.

Nợ nhà cung cấp hơn 200 tỉ đồng

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Viettel IDC cho biết đơn vị này cung cấp Trung tâm dữ liệu chính cho TP.Hà Nội (data center - đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc) để triển khai các dịch vụ hành chính công, giáo dục, y tế trực tuyến cho TP.

Công nghệ thông tin của Hà Nội liên tục gặp hạn

Việc Công ty TNHH Viettel - CHT ra tối hậu thư cho Hà Nội về việc ngừng cấp dịch vụ từ ngày 4.7 tới đây có nguyên nhân cơ bản là do... thanh toán công nợ. Tuy nhiên từ cuối năm 2017, HĐND TP.Hà Nội đã ban hành Nghị quyết chi 3.000 tỉ đồng để thực hiện các chương trình mục tiêu về ứng dụng CNTT của Hà Nội trong giai đoạn 2016 - 2020. Với khoản ngân sách khổng lồ nhưng TP để nợ tiền cước kéo dài từ năm 2018 đến nay với khoản tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng đặt ra vấn đề liệu có vấn đề gì bất thường đằng sau.
Trước đó, hồi tháng 5.2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường). Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 12 bị can về các tội: buôn lậu; vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; rửa tiền; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, có ông Nguyễn Văn Tứ, nguyên Chánh văn phòng Thành ủy Hà Nội; bà Phạm Thị Thu Hường, nguyên Chánh văn phòng Sở KH-ĐT Hà Nội; ông Nguyễn Tiến Học, nguyên Phó giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội...
Đáng chú ý, Công ty Nhật Cường là đơn vị tham gia nhiều hoạt động liên quan đến CNTT của Hà Nội và trúng hàng loạt gói thầu mua sắm trang thiết bị về CNTT cho TP. Doanh nghiệp này cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho UBND TP.Hà Nội và 14 sở, ngành khác nhau với hàng triệu người...
Trả lời báo chí gần đây, các lãnh đạo TP.Hà Nội đều cho rằng việc Công ty Nhật Cường vi phạm pháp luật không ảnh hưởng đến các dịch vụ công của TP.
Thái Sơn
Theo hợp đồng ban đầu, Viettel IDC sẽ triển khai 2 giai đoạn: giai đoạn 1 bắt đầu từ tháng 6.2016 đến nay, tuy nhiên Hà Nội mới thanh toán chi phí đến hết năm 2018 và từ đầu năm 2019 đến nay vẫn chưa thanh toán các chi phí thuê.
Giai đoạn 2 bắt đầu triển khai từ tháng 10.2017 với chi phí thuê mỗi năm khoảng 60 tỉ đồng/tháng nhưng Viettel IDC cũng chưa được thanh toán.
Tính tổng 2 giai đoạn, nợ của Hà Nội với Viettel IDC đến nay đã lên tới hơn 200 tỉ đồng. “Chúng tôi đã xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về việc cắt dịch vụ nếu không được thanh toán. Các khoản nợ này rất lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, ngay cả đề nghị Hà Nội tạm ứng để tiếp tục hoạt động nhưng đến nay Hà Nội vẫn chưa thanh toán cũng như chưa hoàn tất được thủ tục”, đại diện Viettel IDC nói.
Về phía Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó giám đốc Sở TT-TT, cho rằng Viettel IDC đã rất tạo điều kiện hỗ trợ TP, gia hạn thời gian thanh toán và tiếp tục cung cấp dịch vụ cho Hà Nội trong giai đoạn dịch Covid-19. “Sở TT-TT và các ban ngành liên quan của TP sẽ làm việc với Viettel để tìm hướng giải quyết. TP và Sở mong muốn Viettel IDC tiếp tục phối hợp với TP, tháo gỡ khó khăn và không cắt dịch vụ, gián đoạn ảnh hưởng đến người dân khi sử dụng dịch vụ công”, bà Hương cho hay.
Thông tin với Thanh Niên, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cũng cho biết Hà Nội và Viettel đang phối hợp giải quyết vấn đề này.
giaodiencongdichvucongttructuyenhanoi_hmaq.png
ubnd-quan-hoan-kiem-anh-pham-hung-2_lznr.jpg

Hàng ngàn dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội sẽ bị cắt do trễ hẹn thanh toán công nợ với nhà cung cấp Viettel - IDC

Vì sao chậm thanh toán?

Trước đó, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội hôm 22.4, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhắc nhở lãnh đạo Sở TT-TT về việc chậm trễ trong đấu thầu, thanh toán khoản nợ cho Viettel. Ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở TT-TT, lý giải do cơ quan này đang xác định các đơn vị cần thuê server cũng như ý kiến của Sở Tài chính về phân bổ kinh phí cho các hoạt động CNTT để báo cáo TP, song phần trả lời này bị người đứng đầu TP cho rằng “đùn đẩy trách nhiệm, vòng vo”.

2.180 thủ tục làm trực tuyến

Thông tin công bố trên Cổng dịch vụ công trực tuyến cho thấy Hà Nội hiện có 2.180 thủ tục hành chính trực tuyến từ phường xã, quận huyện đến sở ngành, trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 1.689 thủ tục hành chính cấp sở ngành, 331 cấp huyện xã và 179 thủ tục cấp phường xã.
Nhiều dịch vụ quan trọng được Hà Nội áp dụng trực tuyến như khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn đến cấp đổi giấy phép lái xe, đăng ký tuyển sinh đầu cấp, hệ thống y tế... Trong 6 tháng đầu năm 2020, đã có hơn 1,1 triệu hồ sơ được giải quyết trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Nếu bị ngừng cung cấp dịch vụ, toàn bộ hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Hà Nội sẽ phải ngừng hoạt động, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều sở ngành, quận huyện mà còn với hàng trăm nghìn người dân.
Đáng chú ý, ngày 18.6, ông Nguyễn Ngọc Kỳ đã được điều chuyển từ vị trí Giám đốc Sở TT-TT sang làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội. Hiện Sở TT-TT Hà Nội đang khuyết vị trí giám đốc.
Vấn đề vì sao hợp đồng triển khai giữa Viettel IDC và Hà Nội đã kéo dài nhiều năm, song đến nay Hà Nội vẫn chưa hoàn tất được thủ tục để thanh toán, dù từ tháng 1.2020, UBND TP.Hà Nội đã giao Sở TT-TT lập hồ sơ để thực hiện đấu thầu thuê server? Theo quy định, việc đấu thầu thuê server chỉ mất khoảng 30 - 45 ngày thực hiện dựa trên giá đã công bố và tính toán công suất sử dụng. Trả lời câu hỏi vì sao chậm thủ tục dẫn đến không thanh toán được, Phó giám đốc Sở TT-TT Nguyễn Thị Mai Hương không cung cấp lý do cụ thể, nhưng cho biết nguyên nhân vướng mắc kéo dài có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan, thay đổi nhân sự... 

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022