Phim Việt lép vế trên nền tảng trực tuyến

Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng loạt các rạp chiếu phim phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng khiến kế hoạch ra rạp của nhiều siêu phẩm điện ảnh bị đảo lộn. Khán giả thay vì rời khỏi nhà và thưởng thức điện ảnh trên các hàng ghế trước màn ảnh rộng đã buộc phải từ bỏ thói quen đi xem rạp và chọn hình thức xem phim tại nhà. Chính sự thay đổi đột ngột xu hướng hưởng thụ điện ảnh này khiến nhiều nhà sản xuất lớn không còn cách nào khác là phải tìm tới các nền tảng phát hành và phổ biến phim trực tuyến như một cứu cánh cho đầu ra của các bộ phim, trong đó bao gồm cả những phim “bom tấn” - hình thức mà trước đây trong điều kiện bình thường họ không mấy mặn mà.

netflix.jpg

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cùng với sự trợ giúp nổi bật của công nghệ 4.0 trên các nền tảng trực tuyến, các tác phẩm điện ảnh được phủ sóng rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách, đồng thời cũng thích ứng các quy định về giãn cách xã hội; khán giả có thể lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm với hàng trăm, hàng nghìn sự lựa chọn phong phú trong các kho phim có sẵn. Chỉ trong một cú nhấp chuột đã có thể đưa cả rạp chiếu phim về nhà hay tới bất cứ đâu với chi phí thấp hơn nhiều so với việc ra rạp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà chỉ ra thực trạng, trên những ứng dụng xem phim trực tuyến hiện nay, có thể thấy danh sách phim Việt còn khiêm tốn so với phim Mỹ, phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Di sản hình ảnh động quốc gia/ những tác phẩm điện ảnh Việt Nam sau khi kết thúc vòng đời tại rạp chiếu, hầu hết được “nằm lạnh” trong kho lưu trữ dưới hình thức những cuốn phim nhựa, cơ hội quay trở lại với khán giả rất hạn chế khi các thiết bị chiếu phim nhựa đã bị khai tử tại hệ thống rạp chiếu. Chỉ có một số những bộ phim mới sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật 4.0 mới có thể hiện diện được trên các nền tảng cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến cho người dùng sau khi đã khai thác hết mức có thể tại rạp; tuy nhiên cũng chưa đủ tạo thành một nền tảng số phim Việt cuốn hút và có tầm vóc, ý nghĩa sâu sắc với người xem Việt Nam.

“Để kho phim Việt phát huy giá trị, có thể khẳng định hình thức phát hành, phổ biến phim trực tuyến là một trong những cơ hội để Điện ảnh Việt Nam thực hiện được những mục tiêu với nhiều ý nghĩa: Thông qua hoạt động quảng bá những tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, có giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật sống mãi với thời gian, Nhà nước khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng sự phát triển của điện ảnh trong bối cảnh bùng nổ của các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân, thể hiện sự phát triển và xu thế xã hội hóa mạnh mẽ trong điện ảnh; về lâu dài có thể gia tăng nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất, phục vụ đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”, bà Nguyễn Thị Thu Hà phân tích..

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, các bộ phim cần được sống, sống với thời gian, sống với đất nước, sống trong lòng khán giả. Một đời sống có ý nghĩa của mỗi bộ phim sẽ góp phần bảo vệ và phát huy giá trị của nền điện ảnh dân tộc, đặc biệt là những thước phim đồng hành cùng lịch sử đất nước; khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trên môi trường mạng, hòa nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời góp phần ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa trong một thế giới phẳng.

4855154_cover-netflix.jpg
Phim Việt trên Netflix.

Số hóa phim nhựa

Từ các vấn đề đặt ra ở trên, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, việc xây dựng đề án Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến từ tháng 10/2021 có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa đến khán giả những tác phẩm điện ảnh Việt Nam có giá trị nội dung và nghệ thuật bằng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu thưởng thức điện ảnh trên nền tảng trực tuyến ngày càng phổ biến trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển. Đề án mang tầm vóc đặc biệt quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia hiện nay, đáp ứng những tác động tích cực từ Luật Điện ảnh 2022 mới được Quốc hội ban hành.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, hiện nay, kho phim của Viện Phim Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam… có tới hàng nghìn bộ phim tương đương với nhiều nghìn giờ phim nhưng đa phần được lưu giữ ở dạng phim nhựa cất trong kho, người dân không có cơ hội được tiếp cận, thế hệ người trẻ gần như không biết đến di sản hình ảnh động quốc gia là các bộ phim của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam đang được bảo tồn. Trong khi đó số lượng phim được chuyển đổi sang định dạng số hóa đang khá chậm chạp, các phim đã chuyển đổi số lại tiếp tục được lưu kho và thế hệ người trẻ vẫn chưa được tiếp cận nếu không có một đơn vị phát hành trực tuyến là Trung tâm của Nhà nước.

netflix-vietnam-1-year-copyd209c1dc8c10e089.jpg

ThS Phạm Minh Trường, Trưởng phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam (Bộ VHTT&DL) cho biết, Viện Phim Việt Nam là cơ quan lưu trữ hình ảnh động quốc gia. Hiện nay kho phim của Viện ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại.

“Nhu cầu nghiên cứu, thưởng thức các tác phẩm điện ảnh của công chúng ngày càng cao, cách tiếp cận các tác phẩm điện ảnh đa dạng không chỉ là đến rạp để xem mà công chúng có thể ngồi nhà thông qua các thiết bị công nghệ vẫn có thể thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm điện ảnh có chất lượng hình ảnh, âm thanh tốt. Do vậy việc số hóa phim đang lưu trữ trong kho tại Viện Phim Việt Nam là hết sức cấp thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay”, ThS Phạm Minh Trường phân tích.

Cũng theo ThS Phạm Minh Trường, việc số hóa phim không chỉ làm giảm sự hao mòn hữu hình của phim (phim nhựa bị xuống cấp, hỏng) mà còn khắc phục được sự hao mòn vô hình khi phim đã số hóa giúp cho việc hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh của công chúng dễ dàng, thuận tiện hơn đối với phim nhựa.

Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, từ nhiều năm nay, Viện phim Việt Nam đã và đang cố gắng hệ thống hóa các thông tin về các tác phẩm điện ảnh và tư liệu hình ảnh động từ trước đến nay, đa phần chúng đều đang được lưu trữ bằng bản kỹ thuật gốc. Chúng được in chuyển thành bản sao qua băng từ hay số hóa qua đĩa mỗi khi có nhu cầu in trích cho các đơn vị khác. Điều đáng mừng là ngày càng nhiều người nhận ra sự cần thiết của việc số hóa và đang từng bước thực hiện công việc này.

Để công tác chuyển số hóa tác phẩm điện ảnh và tư liệu hình ảnh động được hiệu quả, theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, cần thực hiện nghiêm Luật Điện ảnh và đưa vào thực hiện nghiêm túc công tác nộp lưu chiểu phim, cần chế tài luật này trước hết với các đơn vị sản xuất phim nhà nước và tư nhân; lập phông dữ liệu và số hóa càng nhanh càng tốt các tác phẩm điện ảnh và hình ảnh tư liệu mới; thực hiện dần việc số hóa các tác phẩm điện ảnh và hình ảnh tư liệu cũ sau khi đã chọn lọc; có chính sách rõ ràng về việc thu thập hình ảnh tư liệu của sở hữu cá nhân hay các đơn vị thông tin (hình thức mua lại, sang nhượng hoặc chia xẻ bản quyền sử dụng, hình thức chế tài, trao đổi…).

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, để kho phim Việt phát huy giá trị, có thể khẳng định hình thức phát hành, phổ biến phim trực tuyến là một trong những cơ hội để Điện ảnh Việt Nam thực hiện được những mục tiêu với nhiều ý nghĩa: Thông qua hoạt động quảng bá những tác phẩm về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, có giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật sống mãi với thời gian, Nhà nước khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng sự phát triển của điện ảnh trong bối cảnh bùng nổ của các doanh nghiệp điện ảnh tư nhân, thể hiện sự phát triển và xu thế xã hội hóa mạnh mẽ trong điện ảnh; về lâu dài có thể gia tăng nguồn tài chính để tái đầu tư sản xuất, phục vụ đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao./.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022