Bộ phim “Quỳnh búp bê” đang đi dần đến những tập cuối. Càng về cuối, bộ phim càng dấy lên nhiều tranh cãi bởi bi kịch cuộc đời của Lan, Cảnh và Quỳnh sau khi rời khỏi động Thiên Thai khiến người xem không thể cầm lòng.
Mới đây, chia sẻ trên “VTV kết nối online” biên kịch Kim Ngân, người chấp bút kịch bản phim “ Quỳnh búp bê ” đã tiết lộ những diễn biến tiếp theo trong phim kèm theo lời khẳng định bộ phim mang tính nhân văn dù cái kết không có hậu.
“Nhiều khán giả hỏi rằng liệu biên kịch có quá tay không khi dồn Lan tới đường cùng hay để Cảnh chết. Nhưng tôi nghĩ có lẽ đời thực của những nhân vật khi vào phim vẫn chưa được lột tả hết. Nếu được lột tả hết thì khủng khiếp hơn rất nhiều”, biên kịch Kim Ngân chia sẻ.
“Khán giả có tượng tượng được điều gì sẽ xảy ra tiếp với Lan không khi cô ấy muốn có con và đi xin con từ một người đàn ông giấu mặt. Tuy nhiên, đứa trẻ lại chịu hậu quả nặng nề của chuỗi thời gian Lan hành nghề gái làng chơi. Em bé không kịp cất tiếng khóc chào đời. Lan lại một lần nữa điên dại. Chỉ với ví dụ đó thôi cũng đủ để hiểu ngoài đời, các nhân vật họ còn phải chịu cuộc sống bi đát gấp nhiều lần”, nữ biên kịch nói.
Biên kịch Kim Ngân cho biết thêm rằng, nhân vật khiến chị cảm thấy day dứt nhất khi đặt bút viết kịch bản “ Quỳnh búp bê ” chính là Lan. Với chị, Quỳnh khổ sở, bầm dập, đau thương… ở một khía cạnh khác còn Lan hứng chịu tất cả những bi kịch của cuộc đời một cô gái làng chơi. Những đau đớn Lan phải chịu đựng ở độ khủng khiếp không gì diễn tả được.
“Tôi nghĩ số phận đã dồn Lan tới đường cùng. Dù day dứt nhưng tôi vẫn phải đặt bút để viết sự thật. Cảnh đã chết, Lan bị dồn đến đường cùng. Khán giả đặt ra câu hỏi liệu Lan hay Quỳnh có thay đổi được số phận của mình? Tôi chỉ xin chia sẻ rằng đây là một bộ phim mang tính nhân văn nhưng kết thúc không có hậu”, biên kịch Kim Ngân tiết lộ về kết phim.
Trong phim, nhân vật Lan được xây dựng là cô gái xuất thân từ một gia đình nghèo khổ, thuần nông… Để có tiền giúp đỡ bố mẹ và cho em gái theo đuổi giấc mơ đại học mà Lan đã phải đưa chân vào động Thiên Thai làm gái làng chơi, chịu nhiều đắng cay, tủi nhục, đau đớn…
Trong thời gian ở đây, chính Lan là người đã cưu mang và giúp đỡ Quỳnh. Cô nhiều phen ngăn cản Quỳnh bỏ đi đứa con mới sinh và chăm lo cho Quỳnh trong những ngày cô khó khăn nhất. Sống giữa xóm trọ toàn những thành phen ganh ghét nhau, Lan xem Quỳnh như em gái và bảo bọc Quỳnh cho đến khi “giải nghệ”.
Tuy nhiên, không ai có thể ngờ, khi thoát được chốn bùn nhơ, trở về quê nhà, Lan lại sa chân vào một bi kịch khác. Cô muốn lấy chồng để chôn vùi quá khứ và sống một cuộc đời bình thường như bao người phụ nữ khác nhưng cô đã bị gia đình nhà chồng tung hê hết quá khứ nhem nhuốc trước quan viên hai họ và dân làng ngay trong ngày cưới. Bố mẹ, anh trai, em gái… cũng vì thế mà kỳ thị, khinh khi, xa lánh… khiến cô chới với không còn chỗ bấu víu.
Năm lần bày lượt muốn rời đi, để làm lại cuộc đời nhưng bi kịch lại cứ ập xuống đầu Lan, ngày càng đau đớn hơn. Lan bị chính người chồng hụt gài bẫy hãm hại, xúi đám đàn ông trong làng cưỡng hiếp tập thể rồi cho các bà vợ rêu rao khắp làng. Không chịu được lời gièm pha, bố Lan cũng qua đời.
Không còn cách nào khác, Lan đành lòng rời xa làng quê lên phố thị với Quỳnh để tìm một khoảng đời mới nhưng khi đang đứng bắt xe thì cô lại bị một chiếc xe máy tông vào người dẫn đến liệt toàn thân. Những chuỗi bi kịch liên tiếp diễn ra khiến Lan trở thành nỗi thương tâm của nhiều khán giả xem phim.
Thanh Hương chia sẻ, mặc dù chỉ đóng vai Lan trong phim nhưng cô lại vô cùng thương nhân vật của mình ở ngoài đời bởi cô biết ngoài đời nhân vật Lan còn có số phận khủng khiếp hơn nhiều. Có những cảnh phim sau khi xem lại cô vẫn không kìm được nước mắt. Cô ngồi khóc rất lâu vì quá thương cho số phận và cuộc đời đầy khổ đau của Lan và thương cho những cô gái đã trót sa chân vào chốn nhơ nhớp khi trở lại cuộc sống đời thường đã không thể bình thường được.
Họ bị bố mẹ và những người thân yêu trong gia đình ruồng rẫy, xa lánh, từ mặt… Làng xóm dị nghị, bạn bè khinh rẻ, người đời dè bỉu… Dòng đời đẩy đưa họ đến tận cùng nỗi khổ và dường như không muốn cho họ trở lại làm người lương thiện.
Khi diễn những cảnh Lan giằng xé nội tâm, đau đớn đỉnh điểm… Thanh Hương phải thật sự đặt mình vào nhân vật mới diễn ra được chứ không thể dùng kỹ thuật để diễn. Bởi lẽ đó, những giọt nước mắt rồi cả sự đau đớn trong các thước phim từ tập 18 trở về sau đều gần như là thật.
Nói về việc vai Lan được chính “mẹ đẻ” của phim yêu thích, Thanh Hương chia sẻ: “Đương nhiên là tô rất hạnh phúc khi được nghe những lời động viên từ chị Kim Ngân. Bởi biên kịch là “mẹ đẻ” ra “đứa con tinh thần” ấy còn chúng tôi chỉ là những người chuyển tải “đứa con tinh thần” đó đến với khán giả thôi. Cảm ơn chị Ngân đã chấp bút và cùng chị Khánh Hà, chị Minh Châu xây dựng nên kịch bản “Quỳnh búp bê” vừa gai góc, vừa hấp dẫn... và cho chúng tôi có được những trải nghiệm để đời với vai diễn.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng, sự thành công của một vai diễn, một mình tôi không thể đảm đương được mà là sự kết hợp của cả một ê-kíp. Tôi rất cảm ơn những người đã hỗ trợ chúng tôi để vai diễn lên phim tốt nhất, trong đó có đạo diễn, quay phim và cả người dựng nữa. Đôi khi không phải lúc nào chúng tôi cũng diễn được như mong muốn của mình và của đạo diễn. Nhưng nhờ khâu xử lý hậu kỳ cộng với hiệu ứng của nhiều kỹ thuật khác mà giúp cho vai diễn đầy đặn cảm xúc hơn”.
Chia sẻ với phóng viên, đạo diễn Mai Hồng Phong cũng cho rằng, anh cảm thấy rất hạnh phúc vì phim “Quỳnh búp bê” đã được khán giả đón nhận, thậm chí còn chia làm nhiều luồng dư luận.
"Chúng tôi cảm thấy tự hào vì đã tạo nên một tác phẩm, có những đóng góp cho xã hội. Tôi tin thông qua bộ phim sẽ có những khán giả quan niệm, chứng kiến những số phận ở trong phim để rút ra điều gì đó, cũng như sẽ có cái nhìn vị tha hơn, bao dung hơn, bớt căm phẫn để cùng chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp", đạo diễn Mai Hồng Phong nói.
Hà Tùng Long