Trước khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì Covid-19 vào đầu tháng 4, khái niệm corona rikon (ly hôn vì corona) đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội. Nhiều người sử dụng hashtag #coronarikon để kể câu chuyện bất mãn của họ với bạn đời.
Hiện tại, sau hơn một tháng Tokyo khuyến khích người dân ở nhà, nhiều cặp vợ chồng cảm thấy sự thất vọng đã lên đến đỉnh điểm. Mắc kẹt với gia đình, trẻ nhỏ 24/7, họ cảm thấy mệt mỏi, dễ bực tức với người gần gủi nhất.
Phụ nữ Nhật Bản muốn ly hôn sau thời gian cách ly. Ảnh: Savvy Tokyo.
Không có thời gian cho bản thân
Với hashtag #coronarikon, tài khoản có tên "meneki wo ageru" viết về chồng mình: "Anh thức giấc, ăn trưa, chơi với con một lúc, rồi lại quay về giường. Anh thức cả đêm lướt mạng. Và sáng ra khi lũ trẻ dậy, anh ngủ bù".
Ngay trong những gia đình chưa có con nhỏ, nơi phụ nữ hy sinh sự nghiệp, phụ trách việc nhà để chồng chuyên tâm với công việc, người vợ chợt nhận ra họ mới là người bận rộn nhất nhưng chẳng được thừa nhận.
Một phụ nữ khác có tên tài khoản Twitter "hãy lắng nghe những điều ngu ngốc mà chồng tôi làm" viết: "Chồng tôi đang có thời gian nghỉ ngơi dưới danh nghĩa 'làm việc từ xa', trong khi tôi vẫn làm 6 ngày một tuần. Nhưng khi tôi về nhà, không có bữa tối, anh ấy đang uống rượu. Và giờ, anh ta ngủ rồi".
Nhiều người cảm thấy mệt mỏi vì bạn đời không phụ giúp công việc nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: New York Times. |
Giống như nhiều quốc gia khác, bạo lực gia đình tại Nhật Bản gia tăng trong giai đoạn phong tỏa, cách ly tại nhà. Một tổ chức hỗ trợ nạn nhân và chống bạo lực gia đình có trụ sở tại Tokyo, A+, đã nói với NHK rằng số vụ gia tăng từ tháng 3. Nhiều trường hợp liên quan đến nỗi lo về tài chính, căng thẳng khi làm việc ở nhà, trẻ em ồn ào.
Một phụ nữ 26 tuổi nói với chuyên trang dành cho phái nữ Lip Pop về sự căng thẳng mà cô gặp phải khi chồng work from home: "Từ trước đến nay, thời gian chồng ra khỏi nhà là thời gian tôi thoải mái chăm lo cho mình. Tôi có thể ăn, làm bất cứ việc gì tôi thích. Giờ đây khi ở nhà, anh ta không giúp đỡ tôi, và sự căng thẳng đã tăng lên, tôi bắt đầu nghĩ đến việc ly hôn".
Ngoài việc căng thẳng do không có thời gian cho chính mình, những rắc rối của người phụ nữ này dường như phản ánh vai trò truyền thống của những người vợ Nhật Bản là phục vụ mọi nhu cầu của chồng họ.
Đại dịch là chất xúc tác ly hôn
Ngày 29/4, tạp chí Lip Pop công bố kết quả của khảo sát trực tuyến về ly hôn liên quan đến corona. Trong 100 người được hỏi (82% là nữ giới), 38% cho biết họ đang cân nhắc việc ly hôn do các vấn đề liên quan đến Covid-19.
Một phụ nữ 41 tuổi nói rằng đại dịch Covid-19 là chất xúc tác giúp cô cân nhắc việc ly hôn.
"Đại dịch giúp tôi nhận ra bản chất của chồng. Dù chúng ta phải hạn chế ra ngoài vì corona, tôi vẫn thấy chồng đến tiệm game hay đi chơi với bạn bè. Chồng có thể lây bệnh cho các con. Nếu anh ta không thể nghĩ đến lợi ích của các con, thì tôi không muốn anh ấy là cha của chúng".
Theo khảo sát của tạp chí Lip Pop, 38% người được hỏi cho biết đang cân nhắc việc ly hôn do các vấn đề liên quan đến Covid-19. Ảnh: AP. |
Nước đầu tiên thực hiện lệnh phong tỏa là Trung Quốc. Tại đây, số trường hợp ly hôn đã tăng lên. Các cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn ở Thượng Hải phải chờ đến một tháng để nhận được lịch hẹn, điều mà thông thường chỉ khiến họ mất khoảng một tuần.
Tình trạng tương tự cũng đã xảy ra ở nhiều nước. Luật sư ở nhiều quốc gia cho biết nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các cặp đôi tìm cách ly hôn ngay sau khi hết lệnh phong tỏa.
Dù vậy, một chút nỗ lực có thể bảo vệ các mối quan hệ khỏi nỗi căng thẳng mang tên Covid-19. Tiến sĩ David Cates, nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, nói với Newsweek: "Để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, các cặp vợ chồng nên tìm cơ hội thể hiện sự quan tâm, đồng cảm, bày tỏ tình cảm, hướng đến thỏa thuận chung".
Tiến sĩ Cates cũng khuyến khích các cặp vợ chồng giảm căng thẳng cá nhân để cải thiện mối quan hệ, bằng cách hạn chế tin tức tiêu cực, ăn uống lành mạnh, ngủ ngon, tập thể dục.
Theo Zing