Chiều cuối tháng 3, dưới mái hiên nhìn ra hồ Gươm, Bảo Nam chăm chú trên tờ giấy trắng. Cây cầu Long Biên quen thuộc dần hiện lên qua từng nét vẽ của cậu bé. Dòng người ngoài kia vội vã lướt qua, Nam vẫn chìm đắm trong thế giới của cọ vẽ, màu sắc và những nhịp cầu.
Bên cạnh, mẹ em, chị Bùi Thị Loan cầm bảng màu cho con chấm, đôi mắt không giấu nổi tự hào.

Bảo Nam đang vẽ cây cầu Long Biên tại trụ sở báo Nhân Dân, phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm chiều 28/3. Ảnh: Phan Dương
Như mọi cha mẹ, chị Loan từng ước mơ có những đứa con thông minh, tài giỏi. Nhưng kỳ vọng ấy tắt từ khi Bảo Nam còn chập chững. "Lúc 17 tháng tuổi Nam lúc nào cũng chạy quanh không ngừng, phải hai người mới ngăn được", chị Loan, 41 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội nhớ lại.
Linh cảm có bất ổn, chị Loan đưa Nam và anh trai song sinh đến Bệnh viện Nhi trung ương khám. Bác sĩ xác nhận Nam mắc rối loạn phổ tự kỷ, còn anh trai bị chậm nói.
Nếu như chậm nói chỉ cần can thiệp một thời gian sẽ cải thiện, tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD) là một dạng rối loạn thần kinh tồn tại suốt đời. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng một triệu trẻ tự kỷ. Thống kê cuối 2024 của Bệnh viện Nhi Trung ương cho thấy mỗi năm có xấp xỉ 10.000 lượt trẻ đến khám.
Tự kỷ là một phổ rộng, có các mức độ từ rất nặng đến rất nhẹ. "Trong nỗi bất hạnh, tôi tự an ủi chí ít Nam vẫn còn biết tự ăn uống, sinh hoạt được", người mẹ nói.
Hơn 10 năm trước, thông tin về hội chứng này còn hạn chế, nhưng chị Loan không ngừng tìm kiếm trung tâm tốt và giáo viên giỏi cho con. Chị cũng đi học các lớp dành cho phụ huynh để hỗ trợ con.
Những nỗ lực không ngừng của mẹ chỉ đổi lại được những thay đổi nhỏ và chậm của con. Cột mốc đáng chú ý nhất là khi 4 tuổi Nam biết nói. Song những rối loạn hành vi vẫn là cuộc chiến mỗi ngày. Chị Loan nhiều lần thót tim vì con tuột khỏi tay mẹ chạy băng qua đường, hay có lần khóc hết nước mắt vì con mất tích ở trường, sau mới biết con tự đi bộ về nhà.
"Ngày nào tôi cũng bị giáo viên than phiền vì con không ngồi yên, bỏ lớp lên nhà bóng chơi khiến thầy cô phải đi tìm", chị nhớ lại.
Sau nhiều lần bị phản ánh, chị đành xin chuyển cho con sang trường khác, với điều kiện phải thuê giáo viên đi kèm lên lớp.

Chị Loan và con trai Bảo Nam tại Tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?" do báo Nhân Dân tổ chức hôm 28/3. Ảnh: Phan Dương
Biến cố gia đình ập đến khi Nam bốn tuổi, bố mẹ ly hôn. Chị Loan đưa con ra ngoài thuê nhà, chật vật với cuộc sống mới. Lúc ấy, chị làm ngày làm đêm để kiếm tiền cho con tham gia các lớp học. "Nhưng sức tôi không gồng nổi", chị nói.
Chi phí học của Nam dao động từ 10 đến 20 triệu đồng mỗi tháng nên đôi khi phải gián đoạn vì mẹ không đủ tiền. Giai đoạn dịch Covid, công việc của chị Loan bị ảnh hưởng, đành gửi Nam về quê với ông bà.
Trẻ tự kỷ nếu không được dạy dỗ mỗi ngày, các rối loạn hành vi sẽ nặng hơn. Dịch qua, Nam được đón lên với mẹ với nhiều hành vi xấu như cứ thấy ai có điện thoại là cướp lấy hoặc lúc phấn khích sẽ vỗ tay liên hồi. Chị Loan tìm được cho con một trung tâm nội trú ở quận Long Biên. Sau một thời gian học, con có nhiều dấu hiệu tiến bộ, biết nói nhiều hơn về những nhu cầu của mình.
Do hàng tuần mẹ đều đưa đón con qua cầu Long Biên, Bảo Nam bỗng có ấn tượng với nó. Trong một hoạt động ở trường, cậu bé đã vẽ bức tranh về cây cầu, không ngờ đấu giá được hai triệu đồng.
"Lúc đó trung tâm gợi ý thuê thêm thầy dạy vẽ, tôi cũng muốn lắm mà lực bất tòng tâm", người mẹ chia sẻ.
Hè 2024, chị Loan một lần nữa buộc phải cho con nghỉ học vì không kham được học phí khoảng 12 triệu đồng. Ban đầu ở nhà Nam rất ngoan, đã biết nhặt rau, quét nhà và nhiều việc khác. Đến tháng 8, mẹ phát hiện tính cách em thay đổi, hay cáu nhiều hơn. Mỗi lúc tức giận, còn cấu nát hai cánh tay mẹ. "Đỉnh điểm là con tự làm mình đau, hai tay chằng chịt vết cắn", chị kể.
Đoán con đã bước vào giai đoạn dậy thì, chị Loan biết cần phải tìm một môi trường phù hợp, thừa nhận bản thân không đủ kiến thức. Ở Việt Nam, các chuyên gia đánh giá trẻ tự kỷ được can thiệp rất tích cực trong giai đoạn còn nhỏ, nhưng từ dậy thì đến trưởng thành có ít các trung tâm hỗ trợ hơn, phụ huynh cũng không đủ kiến thức để dạy.
Được giới thiệu một trung tâm ở Bắc Giang, cách Hà Nội gần 70 km, người mẹ vẫn quyết định thử. Sau một tháng lên thăm, chị thấy con gầy hơn do vận động nhiều để xả năng lượng, nhưng cũng nề nếp hơn.
"Điều tôi thấy kỳ diệu là chỉ sau một thời gian ngắn thầy cô đã tìm được cho con niềm đam mê hội họa", chị Loan kể và khoe ngày nào cũng nhận được một bức tranh con vẽ.
Thầy Vũ Văn Chức, giám đốc trung tâm cho biết ngày đầu tiên đến, Nam cáu và có các hành vi bùng nổ đến độ mẹ không thể ngồi nói chuyện được. Qua tìm hiểu biết con thích vẽ, thầy đã cho xem một số bức tranh. Ban đầu Nam vẽ chưa đẹp, nhưng ít nhất có một việc con thích nên thầy cô đã tạo điều kiện.
"Một lần đi qua cầu Vĩnh Tuy, bạn cứ nhắc từ 'cầu' nên tôi đã mở hình ảnh cây cầu này ra cho bạn vẽ", thầy kể về phát hiện Nam thích vẽ cầu.
Hai thầy trò tự mày mò, chủ yếu học qua YouTube. Có những ngày Nam hào hứng vẽ liền 3-5 bức, trong số này là cầu Thê Húc, Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy ở Hà Nội, chùa Cầu Hội An, cầu Vàng ở Đà Nẵng. Có lần thầy thử bịt mắt, cậu bé vẫn vẽ được cầu Long Biên một cách dễ dàng.
"Mặc dù con không có đôi tay nghệ thuật, khả năng hình dung và tư duy không gian tổng thể rất tốt", thầy Chức nói thêm.
Trong ba tháng, Bảo Nam đã vẽ 115 bức tranh về những cây cầu. Thầy Chức cùng với mẹ Loan đã đăng ký lên tổ chức Kỷ lục Việt Nam. Mới đây, cậu bé đã được Guinness Việt Nam xác lập kỷ lục học đường "Cậu bé tự kỷ thực hiện bộ tranh vẽ chủ đề về các cây cầu của Việt Nam có số lượng nhiều nhất - 115 bức".
Tranh của Bảo Nam và câu chuyện của mẹ con em được lan tỏa trong tọa đàm "Tương lai nào cho trẻ tự kỷ?", được báo Nhân Dân tổ chức hôm 28/3. Tại đây 8 bức tranh của em đã được đặt mua.

Bảo Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là cậu bé tự kỷ vẽ nhiều cây cầu Việt Nam nhất với 115 bức. Ảnh: Phan Dương
Thầy Chức cho biết trung tâm đang định hướng để Bảo Nam trở thành huấn luyện viên hội họa cho trẻ tự kỷ. Nam cũng sẽ tiếp tục vẽ các cây cầu khác để thời gian tới đăng ký kỷ lục Guinness thế giới, nhằm lan tỏa nghị lực sống và thay đổi nhận thức của xã hội về trẻ tự kỷ.
Riêng với chị Loan, cột mốc này của Bảo Nam cho chị sự tự hào và dám kỳ vọng. "Ít nhất bây giờ con cũng có đam mê và một con đường để theo đuổi, như bao đứa trẻ khác", người mẹ nói.
Phan Dương