Cô gái 22 tuổi ở TP Thủ Đức, TP HCM kể bốn năm trước từng mang thai với chàng trai quê An Giang, hơn cô hai tuổi. Oanh nghỉ học để cưới và sinh con. Nhưng đứa trẻ chưa kịp chào đời, cô phát hiện chồng ngoại tình. Không giải thích, người chồng bỏ nhà theo nhân tình, bỏ mặc vợ bị trầm cảm.

Oanh sinh ra trong gia đình khá giả nên khi biết cô yêu chàng trai là thợ bốc vác ở chợ đầu mối, bố mẹ cô quyết liệt cấm cản với lý do "khác biệt về gia cảnh, trình độ học vấn". Hai người trẻ cố tình có thai để được cưới nhưng sau đó nhận lại cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Khi con trai gần một tuổi, cô đi bước nữa. Chồng mới là đồng nghiệp cùng công ty. Oanh kể đối phương chăm sóc hai mẹ con chu đáo, khiến người từng đổ vỡ trong hôn nhân như cô động lòng. Nhưng về chung nhà được ba tháng, mỗi lúc mâu thuẫn anh lại lấy đứa con riêng ra xúc phạm, cho rằng vợ may mắn mới cưới được mình.

Nhiều lần bị bạo lực tinh thần, tình trạng kéo dài khiến cô đâm đơn ly hôn, mẹ con lại về nhà ngoại.

IMG-3484-JPG-9755-1718896164.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=0rzPAv57R9Zn1gewEddjRw

Kiều Oanh, 22 tuổi, ở TP Thủ Đức, TP HCM ám ảnh yêu đương sau hai lần hôn nhân đổ vỡ, hiện đang là mẹ đơn thân. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Oanh nằm trong số 60% trường hợp người trẻ ly hôn sau 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày mà giới chuyên môn gọi là "ly hôn xanh", theo thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới. Đơn cử như ở TP HCM, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn (chiếm hơn 35%). Độ tuổi ly hôn dưới 35 chiếm 30%. Trung bình mỗi tháng, TP HCM có từ 80-100 vụ ly hôn tại mỗi quận, huyện.

Tòa án nhân dân tối cao thống kê riêng năm 2022 cả nước có trên 500.000 vụ ly hôn, 70% thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, xuất phát từ những mâu thuẫn do lối sống, xung đột và bất đồng quan điểm.

Thời gian gần đây trên mạng xã hội liên tục chia sẻ các câu chuyện ly hôn sau thời gian ngắn kết hôn thu hút hàng trăm nghìn lượt quan tâm, bình luận. Dư luận chia hai luồng ý kiến, một là ủng hộ ly hôn nếu không hạnh phúc, số còn lại chỉ trích việc người trẻ "yêu nhanh, cưới vội, sớm ra tòa".

Lý giải việc ngày càng nhiều người trẻ ly hôn nhanh, tiến sĩ tâm lý Nguyễn Thị Minh, giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng những người này bị tổn thương tâm lý, mất niềm tin vào hôn nhân khi từng sống trong gia đình không hạnh phúc. Họ không được dạy kỹ năng xây dựng gia đình, chỉ biết chọn giải pháp ly hôn khi biến cố xảy ra.

Ngày nay, nhiều người trẻ được bố mẹ cưng chiều, ủng hộ việc ly hôn nếu thấy con cái không hạnh phúc. Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội khiến nhiều người coi việc ly hôn như xu hướng mới.

"Tất nhiên không thể quên nguyên nhân "truyền thống" là nhiều người không tìm hiểu rõ đối tượng kết hôn, thích là cưới, không lường trước các rủi ro", chuyên gia nói.

Minh Nguyệt, 24 tuổi, ở Hà Nội chưa từng nghĩ vợ chồng phải đưa nhau ra tòa sau khi cưới một năm bởi có cuộc tình đẹp như mơ, bao người ngưỡng mộ. Cô nhớ lại ngày đám cưới dưới sự chứng kiến của hàng trăm người, chồng cô đã tự sáng tác nhạc, mời ca sĩ biểu diễn quy mô lớn, toàn bộ rạp cưới phủ kín hoa hồng, loài hoa cô thích nhất.

"Anh ấy còn khóc trên sân khấu, quỳ xuống nắm lấy tay tôi trao nhẫn, hứa mãi yêu mình tôi", Nguyệt kể.

Kết hôn được 5 tháng nhưng chưa mang thai, Nguyệt bị gia đình chồng dè bỉu, hắt hủi khiến mỗi bữa cơm cùng nhà chồng trở thành sự đày đọa về tinh thần. Thay vì động viên người chồng lại nhiều lần dở thói vũ phu chỉ vì vợ gào khóc trước mặt mẹ, nói việc sinh đẻ không thể ép buộc.

"Trước khi cưới, chồng và nhà chồng đối xử rất tốt với tôi nhưng sống chung mới nảy sinh nhiều vấn đề", cô nói. Thay vì chịu đựng Nguyệt chọn ly hôn, tập trung làm giàu và phụng dưỡng bố mẹ.

IMG-3485-JPG-7920-1718896164.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=lvQ8eFKSRMSgi09_Y6UYug

Minh Nguyệt, 24 tuổi, ở Hà Nội từng cùng chồng tự làm hoa cưới lưu giữ kỷ niệm, nhưng ly hôn chưa đầy một năm về chung nhà, năm 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới chỉ ra nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến khủng hoảng hôn nhân. 27,7% là mâu thuẫn về lối sống, 25,9% đến từ ngoại tình, yếu tố kinh tế chiếm 13%, bạo lực gia đình chiếm 6,7%, sức khỏe chiếm 2,2% và sống xa nhau nhiều ngày chiếm 1,3%. Tất cả những khủng hoảng kể trên đều dẫn đến kết cục ly hôn khi không thể tìm được hướng giải quyết.

Không đơn thuần là "không hợp thì chia tay", chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng ly hôn tồn tại nhiều rủi ro. Như bản thân người trong cuộc dễ gặp trở ngại về tâm lý, gặp điều tiếng hoặc ảnh hưởng đến công việc. Hai bên gia đình cũng buồn phiền vì con cái không hạnh phúc, chịu lời đàm tiếu từ những người xung quanh. Còn nếu cả hai có con chung, để đứa trẻ sống trong gia đình không hoàn chỉnh, thiếu thốn tình cảm dễ trở thành người ngỗ nghịch.

Từng cạo đầu sau ly hôn ở tuổi 23, Quỳnh Trâm nói hối hận vì yêu nhanh, cưới vội. Cô gái ở TP HCM kể lấy chồng bằng tuổi, nghiện game, sống nhu nhược lại không chịu làm ăn vì gia đình có điều kiện. Chưa kể bố mẹ chồng hay soi mói con dâu, chê bai thông gia nghèo khiến bản thân quyết định ly hôn sau 5 tháng cưới. Trâm nói đây là quyết định đúng đắn bởi chưa có con, vợ chồng không có tài sản chung.

Biết tin Trâm ly hôn, bố mẹ yêu cầu cô giấu kín, tránh bị họ hàng chê cười, nói gia đình không biết dạy con. Thậm chí cái Tết đầu tiên sau ly hôn cô gái trẻ phải đi du lịch thay vì về nhà, tránh bị hỏi.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh cho rằng người trẻ không nên coi nhẹ các giá trị của hôn nhân. Trước khi kết hôn họ cần chuẩn bị kỹ càng về kỹ năng làm cha, mẹ, học các khóa tham vấn tiền hôn nhân. Vợ chồng nên thỏa thuận trước những nguyên tắc ứng xử, quan điểm sống, tránh mâu thuẫn khi sống chung.

"Tốt nhất các bạn trẻ nên tham vấn những người có hôn nhân hạnh phúc trên 15 năm thay vì nhóm cùng tuổi chưa nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt, nữ giới nên kết hôn ở tuổi 24-29, nam 28-33 tuổi khi đã đủ trưởng thành, chín chắn, có công việc ổn định", chuyên gia nói.

Còn với Kiều Oanh, hy sinh việc học để lập gia đình, sinh con nhưng vẫn trải qua hai lần đổ vỡ, cô nói kết hôn khi còn quá trẻ là quyết định sai lầm nhất, khiến cuộc đời trượt dài.

"Cuộc sống hôn nhân không màu hồng như những gì tôi nghĩ, nhất là khi cả hai chưa đủ chín chắn để sẵn sàng làm vợ, làm chồng", Oanh nói.

Thanh Nga - Quỳnh Nguyễn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022