Ba chị gái và một em gái của anh Gong, chủ một tiệm bánh ở Trùng Khánh, có 16 người con. Từ năm 2020 đến nay, mỗi dịp hè và Tết, các cháu đều về nhà cậu tụ họp. "Ban đầu, việc đưa các cháu về chủ yếu vì cha mẹ chúng bận rộn, nhưng giờ trở thành truyền thống gia đình", Gong nói.

Anh Gong phải đi chợ mỗi ngày bằng quang gánh để mua thực phẩm nấu ăn cho các cháu. Ảnh: Worldjournal
Áp lực nhất khi đón đàn cháu là vấn đề ăn uống. Ngay ngày đầu tiên, anh Gong đã phải đi chợ mua cả nửa con lợn, rau củ và đủ thứ thực phẩm khác và gánh về như thể mình vừa "mua hết cả chợ". Tính cả vợ chồng Gong và hai con, mỗi ngày gia đình tốn 700 -1.000 tệ tiền thực phẩm, chưa kể ăn khuya hết 500-700 tệ nữa.
"Nhà tôi như một bếp ăn trường học. Ngày ba bữa cơm, mỗi bữa bốn mâm, mất vài tiếng nấu nướng", Gong kể. Đến bữa ăn, anh phải điểm danh để chắc chắn không sót cháu nào.
Tổng chi phí cho mỗi kỳ nghỉ hè gần hai tháng khoảng 60.000 tệ, chưa kể tiền quà cáp, 5 điều hòa bật suốt ngày đêm và các khoản sinh hoạt phát sinh.
Kỳ nghỉ đông ngắn hơn tốn 20.000-30.000 tệ.

Các cháu của Wang tuổi từ mẫu giáo đến 18 tuổi. Ảnh: Worldjournal
Dù tốn kém và vất vả, anh Gong không bận tâm nhiều bởi mong muốn thế hệ con cháu mình gần gũi và thân thiết nhau. Cháu lớn nhất đã 20 tuổi, cháu nhỏ mới vào mẫu giáo. Khoảng cách tuổi giữa Gong và cháu lớn chỉ 12 tuổi, khiến mối quan hệ đôi khi như người bạn.
Anh tổ chức thời gian biểu bài bản. Sáng cho các cháu chạy bộ, ban ngày làm bài tập hè, tối cùng đi chợ đêm ăn uống. Cả nhà còn có trò chơi, thi nấu ăn, chia nhóm làm việc nhà. Dưới sự hướng dẫn của cậu mợ, các cháu anh đã tự học cách nấu nướng, gấp chăn, lau dọn nhà cửa, bát đũa.
Lật giở album ảnh và video, anh thấy các cháu mình lớn lên theo thời gian. Năm 2021, một cháu gái rụt rè mang đến mẻ bánh quy đầu tiên tự làm. Năm 2023, mấy cháu trai bí mật góp tiền tổ chức sinh nhật cho cậu.
"Tôi lưu những hình ảnh đó thành 'Album trưởng thành' của đại gia đình", anh cho hay.
Theo giáo sư Wang Fang, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mô hình "trại hè họ hàng" mà Gong đang duy trì là biểu hiện sống động của tình thân - điều đang mai một trong xã hội đô thị hiện đại.
"Tỷ lệ con một tại Trung Quốc sau năm 2000 lên đến 75%. Thiếu anh chị em khiến trẻ em thiếu môi trường rèn luyện kỹ năng xã hội, học cách chia sẻ và xử lý xung đột", Wang nói.
Giáo sư Li Ming, Đại học Sư phạm Hoa Đông gọi đây là "mô hình giáo dục tự nhiên". Trẻ học được nguyên tắc, kỹ năng và sự sáng tạo từ tình huống đời thực, điều mà trường lớp không thể dạy.

Các cháu chen chúc ở phòng khách mỗi đêm. Ảnh: Worldjournal
Gong thừa nhận, khi lũ trẻ trưởng thành có thể gia đình không còn tụ họp đông đủ như hiện tại nên anh càng trân quý từng mùa hè bên nhau. "Mỗi năm chúng đều cao hơn, hiểu chuyện hơn. Cảm giác hạnh phúc này tiền không mua được", anh nói.
Mỗi lần chia tay, đám cháu nhỏ lại hét to: "Chúng cháu sẽ quay lại!".
Người chú buồn nhưng mỉm cười vì biết "hết hè, tôi lại tiếp tục kiếm tiền vì lũ cháu chắc chắn sẽ còn quay lại".
Bảo Nhiên (Theo Worldjournal/163)