Sau 13 năm gắn bó với bạn đời, Corey ở New York, Mỹ cho biết hôn nhân của họ đang ở trạng thái tốt đẹp nhất, dù hai năm không quan hệ tình dục.
Đại dịch Covid-19 khiến cả hai mệt mỏi, căng thẳng và không còn tâm trí để duy trì đời sống chăn gối như trước. Nhưng thay vì xa cách, họ học cách giao tiếp tốt hơn, thấu hiểu nhau hơn và dành thời gian ôm ấp, hẹn hò.
"Tình dục không phải là lý do chúng tôi ở bên nhau, nó chỉ là một phần thưởng", cô nói.
Câu chuyện của Corey không phải là cá biệt. Ngày càng nhiều cặp vợ chồng thừa nhận rằng quan hệ tình dục thường xuyên không còn là tiêu chuẩn duy nhất để đo lường hôn nhân có hạnh phúc không.
Một số người cảm thấy gần gũi hơn sau mỗi lần thân mật, những người khác lại thấy áp lực nếu coi tình dục là nghĩa vụ phải hoàn thành nhiều lần trong tuần.

Ảnh minh họa: NewYorkPost
Trong một nghiên cứu của ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), các nhà khoa học yêu cầu một nhóm vợ chồng tăng gấp đôi tần suất quan hệ trong thời gian ngắn.
Kết quả cho thấy, điều này không làm tăng mức độ hạnh phúc, ngược lại, còn khiến họ cảm thấy ít hài lòng hơn với đời sống tình dục và có tâm trạng kém tích cực hơn.
Kết quả này phản ánh một nghịch lý: trong khi tình dục được biết đến là hoạt động có thể thúc đẩy sự thân mật, giảm căng thẳng và nâng cao cảm giác thỏa mãn trong mối quan hệ, thì việc "ép buộc" hoặc "lên lịch" quá mức lại có thể làm mất đi sự tự nhiên và khoái cảm vốn có của nó.
Nghiên cứu khác được công bố trên Social Psychological and Personality Science cũng chỉ ra rằng hạnh phúc từ tình dục không tăng thêm đáng kể sau mốc một lần một tuần.
Những người quan hệ nhiều hơn không có mức độ hài lòng cao hơn so với những người duy trì tần suất đều đặn hàng tuần.
Một lý giải cho điểm "ngọt ngào" này là hiệu ứng kéo dài sau khi thân mật, trạng thái thỏa mãn và gắn bó giữa hai người có thể duy trì trong nhiều giờ, thậm chí vài ngày.
Do đó, một lần quan hệ chất lượng có thể đủ để duy trì sự kết nối tình cảm, đặc biệt khi cả hai bận rộn với công việc, con cái hoặc đang trải qua các khủng hoảng sức khỏe tinh thần.
Corey và bạn đời của cô chính là minh chứng. Dù không có tình dục suốt một thời gian dài, họ vẫn cảm thấy mối quan hệ sâu sắc và bền chặt, nhờ sự tôn trọng, thấu hiểu và thói quen duy trì các hình thức thân mật khác như ôm, hôn, cùng nhau đi dạo hay lắng nghe nhau mỗi ngày.
Theo Viện Nghiên cứu Gia đình (Mỹ), tình trạng "không tình dục" đang gia tăng trong giới trẻ. Trong nhóm 22–34 tuổi, 24% nam giới và 13% nữ giới cho biết họ không quan hệ tình dục trong suốt năm qua.
Nguyên nhân một phần đến từ việc kết hôn muộn, giảm ham muốn do stress và thay đổi trong định nghĩa về tình yêu, khi sự kết nối cảm xúc và hỗ trợ tinh thần được xem trọng hơn "chuyện chăn gối".
Theo chuyên gia tư vấn tình cảm người Mỹ Simone Jobson, áp lực từ kỳ nghỉ lễ, hóa đơn tài chính, hoặc căng thẳng gia đình có thể khiến nhiều cặp đôi giảm ham muốn. "Hầu hết mọi người chỉ cần được nghỉ ngơi và hồi phục", bà nói.
Điều quan trọng không phải là tần suất, mà là cảm giác thỏa mãn, sự đồng thuận và thấu hiểu giữa hai người. Một số cặp đôi chọn "tạm nghỉ" chuyện tình dục để tập trung chăm sóc sức khỏe, chữa lành tinh thần hoặc đơn giản là vì cả hai không còn nhu cầu như trước và họ vẫn hạnh phúc.
Áp lực duy trì tần suất tình dục theo chuẩn mực ba lần một tuần, một lần mỗi ngày, hay như giai đoạn trăng mật có thể khiến nhiều người rơi vào trạng thái mệt mỏi, thậm chí nghi ngờ về sự ổn định của mối quan hệ.
"Không có con số lý tưởng nào cho tất cả mọi người. Chỉ có điều phù hợp cho bạn và đối tác của bạn", chuyên gia tình dục học Emily Nagoski khẳng định.
Có đôi "gần gũi" mỗi ngày, cũng có người chỉ một lần mỗi tháng và cả hai đều có thể bền vững nếu được xây dựng trên nền tảng giao tiếp cởi mở và sự quan tâm thực sự.
Corey cho biết, sau hai năm tạm ngưng, cô và bạn đời đã bắt đầu quan hệ trở lại. Không phải vì cảm giác tội lỗi hay sợ mất lửa, mà bởi cả hai cảm thấy sẵn sàng, tự nhiên và mong muốn kết nối ở một tầng sâu hơn.
"Tình dục là một cách tuyệt vời để gắn bó, nhưng không nhất thiết phải là nền tảng của hôn nhân", cô nói.
Nhật Minh (Theo New York Post/Psychologytoday)