Liu Wei làm dịch vụ này sau khi được người bạn cho mượn nhà máy và máy móc. Các thiết bị này trước đây dùng để tiêu hủy tài liệu, phụ tùng ôtô, thực phẩm hết hạn cho khách hàng doanh nghiệp. "Cắt nhỏ ảnh cưới là dịch vụ chiếm 80% doanh thu của công ty", anh nói.

Liu cho hay, những ảnh cưới lớn rất khó mang ra ngoài và cho vào thùng rác khu phố. Ở một thị trấn nhỏ như quê anh, nhiều người sẽ nhìn thấy và buôn chuyện. Hơn nữa, người dân nơi đây thường nhặt đồ người khác vứt đi để tái sử dụng. Ảnh cưới chắc chắn như vậy rất dễ được dùng làm hàng rào. Nếu không cẩn thận, hai nhân vật chính trong ảnh cưới vứt đi ấy có thể bị dán vào tường nhà hoặc chuồng lợn của người khác. Đó là lý do Liu mở dịch vụ này.

Trước đây, hầu hết các buổi sáng, sàn nhà máy rải đầy các bức ảnh các cặp vợ chồng tươi cười trong ngày cưới hoặc một dịp lãng mạn nào đó. Nhân viên sẽ phun sơn đen che mặt nhân vật chính trong album và ảnh cưới trước khi nghiền để đảm bảo tính riêng tư.

Hiện tại, nhân viên công ty sắp xếp các bức ảnh thành từng chồng. Mỗi chồng được lên lịch tiêu hủy riêng. Nơi đây cũng có những cuốn album dày như từ điển, một chiếc hộp sắt đỏ chứa đầy những bức ảnh bị xét nát, tấm pano khắc tên cô dâu chú rể cùng hình vẽ trái tim và dòng chữ "Chào mừng đến với lễ cưới của chúng tôi".

Hầu hết các bức ảnh đều có kích thước lớn, thường được treo trên tường bằng khung kim loại hoặc gỗ. Một số có chiều cao bằng người bình thường. Có vài bức ảnh trông như chụp đã lâu, nhưng hầu như còn mới. Đó có thể là ảnh chụp các đôi nắm tay trên cầu thang xoắn ốc trong lâu đài kiểu châu Âu, ngồi trên ghế thêu họa tiết phượng, rồng hay đứng dưới gốc dừa nơi bãi biển. Các album ghi lại các giai đoạn khác nhau của hạnh phúc hôn nhân: đám cưới, mang thai, sinh con, những năm con chập chững bước.

Quá trình băm nhỏ của chiếc máy không lồ đương nhiên đóng vai trò như một hình thức xoa dịu những khách hàng đang vật lộn với những cảm xúc mạnh mẽ hậu ly hôn. Nhiều bức ảnh gửi đến nhà máy cho thấy dấu hiệu rõ ràng về những nỗ lực tiêu hủy chúng trước đó: Trong một số bức ảnh, khuôn mặt của người đàn ông đã bị bôi đen, trầy xước nhiều lần hoặc viết nguệch ngoạc bằng hình vẽ con rùa.

429813638-1145244969824433-678-9289-2373-1710638905.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=gwf5cgEbO4LSxtXFkUG7ag

Một ảnh cưới được cho vào máy nghiền sau khi bôi đen. Ảnh: sixthtone

Nhiều ảnh cưới được làm từ chất liệu cực kỳ bền là acrylic, không bắt lửa, không thể cắt trực tiếp bằng dao và không vỡ dù ai đó dẫm lên. Có ảnh còn được bao phủ bởi những tấm kính lớn, không thể cho vào máy hủy tài liệu vì có thể tạo ra những mảnh kính nguy hiểm. Nhân viên nhà máy phải đặt chúng vào những hộp bìa cứng và dùng búa tạ đập vỡ.

Liu, hơn 40 tuổi, làm trong ngành dược phẩm. Anh bắt đầu quảng cáo dịch vụ trên mạng xã hội vào tháng 3 năm ngoái. Trong vòng một tháng, anh nhận được những đơn hàng đầu tiên. Giai đoạn đầu chỉ 10 đơn mỗi tháng, nhưng sau 6 tháng, nhu cầu tăng vọt. Đến nay, hơn 6.000 người đã liên hệ với Liu và anh đã tiêu hủy hơn 700 lô ảnh cưới.

Liu ước tính khoảng 70% người liên hệ với anh là nữ, nhiều người dùng tài khoản ẩn danh hoặc che giấu giới tính thật. Đại đa số họ hỏi về giá cả và sau đó gửi hàng qua chuyển phát nhanh.

Thỉnh thoảng, khách cũng chia sẻ câu chuyện của họ, nhưng thường không quá ba câu. Liu không hỏi thêm và đưa ra phán xét nào. Nhưng cũng có 3 trường hợp Liu phải gửi lại ảnh cưới nguyên vẹn vì người gửi không còn muốn hủy. Có người làm hòa với bạn đời, người đổi ý không rõ lý do còn trường hợp khác thì vô tình gửi nhầm ảnh cưới của bố mẹ mà không phải mình.

aaa-2820-1710638905.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BrpAjd3vfq8sM39p23Ki9w

Váy cưới vốn là kỷ vật giờ cũng được gửi đến dịch vụ của Liu để tiêu hủy: Ảnh: Sixthtone

Vài ngày trước, một người đàn ông 40 tuổi gửi đến ảnh của vợ đã khuất. Sau đó, anh gọi hỏi xem có thể tiêu hủy thêm quần áo, túi xách của vợ không. Khi Liu gọi điện thoại yêu cầu liệt kê từng món đồ, người đàn ông lưỡng lự rồi òa khóc. Thi thoảng, dịch vụ của Liu cũng nhận được yêu cầu tương tự của những người phụ nữ mất chồng. Cũng có khách gửi đồ chơi và những món lưu niệm về thú cưng đã mất. "Dù kết thúc một mối quan hệ theo hoàn cảnh nào cũng mang lại những cảm xúc giống nhau", Liu nói.

Khi mới bắt đầu công việc, những người làm dịch vụ luôn xúc động khi nhìn sàn nhà phù đầy ảnh cưới, sợ "những người yêu nhau nhìn thấy sẽ không còn muốn kết hôn". Nhưng theo thời gian, họ thờ ơ với tất cả.

Tuy nhiên, nhận được ảnh trẻ nhỏ và phun sơn lên khuôn mặt chúng vẫn khiến những người làm công việc tiêu hủy thấy khó chịu. "Tôi cũng có con", Zhang, một nhân viên, nói.

Sau cùng, ông chủ Liu thấy công việc của mình có ý nghĩa khi giúp mọi người quên đi quá khứ. Trong các video đăng trên mạng xã hội, anh quay cả cảnh băm nhỏ ảnh cưới. Gần đây, Liu giới thiệu thêm nhiều dịch vụ được cá nhân hóa hơn. Khách có thể viết hoặc ghi âm tin nhắn chia tay để đọc to và phát khi ảnh cưới được đưa vào máy nghiền.

Anh cũng tổ chức các buổi riêng, trong đó khách hàng có thể đặt địa điểm trong hai giờ và treo tất cả ảnh của họ trong nhà máy để chào tạm biệt, với một người dẫn chương trình và một vài người làm nhân chứng. Nhưng hiện tại, chưa có khách hàng nó thực hiện dịch vụ này.

Khi các mảnh vụn từ ảnh cưới tích lũy đạt đến trọng lượng nhất định, Liu sẽ chuyển nó đến một nhà máy điện nhiên liệu sinh học gần đó. Chúng được đổ vào hố chứa 100.000 tấn, cùng với rác thải sinh hoạt khác.

Nhật Minh (theo sixthtone)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022