Ngày Tết trẻ thường có kỳ nghỉ dài, có nơi khoảng nửa tháng. Nhiều trẻ em chệch khỏi quỹ đạo ngày thường, bắt đầu chểnh mảng, chưa kể nhiều em sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều.
Dưới đây là một số lưu ý của chuyên gia này trong việc dạy con học mà chơi ngày Tết.
Để trẻ không "cắm đầu" vào thiết bị điện tử
Thay vì để trẻ em "vật vờ" hoặc "cắm đầu" vào điện thoại hay máy tính, gia đình hãy cho con tham gia vào các công việc sửa soạn Tết Nguyên đán để có những bài học thú vị.
Thứ nhất, cùng con sửa sang nhà cửa. Rất nhiều gia đình mua sắm thêm đồ đạc, sơn sửa lại nhà cửa đón Tết. Nếu công việc không quá nặng nhọc, cha mẹ có thể rủ con cùng làm.
Ví dụ, con có thể sơn nhà cùng bố. Cha mẹ chỉ cần mặc cho con một bộ quần áo cũ, hướng dẫn con sơn thì chúng ta sẽ có thêm một tay thợ sơn rất nhiệt tình. Những khe nho nhỏ của tường nhà, những chỗ góc nhà sẽ là nhiệm vụ của con và chiếc chổi sơn nhỏ.
Cha mẹ có thể rủ con làm việc nhà ngày Tết nếu công việc không quá nặng nhọc (Ảnh minh họa: Ngọc Linh).
Với các bạn từ lớp 4 trở lên, bố mẹ có thể tâm sự việc dọn nhà, cho con cùng chọn màu sơn tường, màu sơn cửa sổ, cho trẻ tự thiết kế màu sơn trong phòng của bé.
Con sẽ là người dọn dẹp thật trống căn nhà (hoặc ít nhất là phòng riêng của mình) để sơn không dây bẩn.
Sau đó, con sẽ là người dùng giấy lộn để dán vào các phào, đồ dùng trong nhà để sau này bóc đi, gia đình đỡ phải dọn vệ sinh các vết sơn. Sau khi sơn xong, con sẽ góp phần dọn dẹp vệ sinh để nhà cửa trở nên đẹp hơn.
Nếu gia đình không có ý định sơn toàn bộ nhà cửa, bố mẹ có thể cho con quyền đổi màu sơn phòng ngủ của mình, để con tham gia vào quá trình dọn dẹp trước/sau khi sơn hoặc tự thay đổi giấy dán phòng. Nếu gia đình có nhiều con, các bạn cùng làm với nhau sẽ rất vui và khá nhanh.
Khi gia đình nấu cỗ, bố mẹ nên phân công mỗi người phụ trách một món. Bố luộc gà, nấu miến. Mẹ đồ xôi, chuẩn bị đồ gói bánh chưng. Con có thể gói nem. Em bé có thể lo rau sống....
Bữa ăn nào trong ngày Tết, mọi người đều việc ai nấy làm. Cỗ bàn đỡ trở thành gánh nặng của người lớn và ai cũng đóng góp công sức, rất vui.
Bữa ăn là lúc hỏi thăm nhau. Bố mẹ có thể yêu cầu mỗi bạn nhỏ kể một câu chuyện góp vui. Thấy người lớn lắng nghe, các con sẽ rất hào hứng nói chuyện. Để con không bối rối, bố mẹ nhớ nhắn con chuẩn bị trước Tết cho các nội dung con sẽ chia sẻ.
Dù bận mấy thì bận, người lớn thu xếp thời gian, tranh thủ chơi với các con, chơi tú lơ khơ, cá ngựa, tam cúc, ô ăn quan rất vui. Các con sẽ thấy ngày Tết không tẻ nhạt và cả nhà có thêm nhiều kỉ niệm vui.
Trẻ nấu ăn ngày Tết cũng là cách học tập (Ảnh minh họa: M. Hà).
Học tập từ làm việc nhà ngày Tết
Ngoài sơn sửa nhà cửa, gia đình để con cùng bố mẹ sắm sửa ngày Tết, cùng chuẩn bị gói bánh chưng…, là những trải nghiệm giúp trẻ tham gia thực sự với Tết Việt.
Cả nhà có thể họp gia đình, bàn bạc nhau xem trong Tết này, chúng ta sẽ mua sắm thứ gì. Nếu con đã biết chữ, cha mẹ có thể nhờ con làm thư ký để ghi những món đồ cần mua. Điều này sẽ khiến con cảm thấy mình trưởng thành hơn.
Cùng con đi chợ Tết mua sắm. Nhiều gia đình cùng đưa con đi chợ Tết nhưng rất ít cha mẹ giao trọng trách chọn đồ để mua cho các con. Việc này các con làm rất dễ mà lại có thể tranh thủ dạy con về kĩ năng mua sắm.
Các cha mẹ có thể nhờ con chọn mặt hàng cần mua, xem ngày sản xuất, hạn sử dụng, số lượng…, của món hàng.
Các cha mẹ chắc chắn sẽ thấy con ngoan ngoãn, chỉn chu và người lớn hơn khi chung tay đi chợ cùng cả gia đình.
Cùng con chuẩn bị bánh chưng Tết. Khi lên 5 tuổi, tôi đã được bố mẹ và ông bà cho gói chiếc bánh chưng đầu tiên trong đời. Có lẽ đó là trải nghiệm tuyệt vời, rất Tết mà cả đời tôi không thể quên.
Đồng thời với trải nghiệm đó, những đêm thức cùng đun bánh chưng với bố là điểm nhấn vô giá của những cái Tết trong suốt tuổi thơ của tôi.
Các em bé sẽ làm được nếu có sự hướng dẫn tỉ mỉ của cha mẹ. Hãy cho các bé làm việc phù hợp để các bé vừa học kĩ năng sống vừa trải nghiệm Tết thật rõ nét và chân thực.