Đoạn video được chia sẻ nhiều nhất trên các diễn đàn mạng là khi cậu bé 7 tuổi ngồi làm toán, với vẻ ngoài suy tư. Sau một tháng, video thu hút 4,2 triệu lượt xem với hàng trăm nghìn lượt thích và bình luận.

Đoạn video Tiến Minh đứng trên sân khấu một mình biểu diễn hết tiết mục trong khi các bạn khác đứng khóc cũng khiến người xem thích thú, nhận 4,9 triệu lượt xem.

Chị Bùi Thị Lan, 33 tuổi, mẹ bé Tiến Minh cho biết để có những video và biểu cảm đó bản thân bé và cả gia đình đã trải qua hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ suốt 7 năm qua.

goc-khuat-cuoc-doi-cau-be-gay-sot-vi-hoc-bai-nhu-giao-su-1743790763.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nPzRjfIAZA2IduLhEE6Cdg
Góc khuất cuộc đời cậu bé gây sốt vì 'học bài như giáo sư'

Video Đậu ngồi học bài thu hút 4,2 triệu lượt xem. Nguồn: Hạt Đậu Nhỏ

Tiến Minh (tên ở nhà là Đậu) sinh vào một ngày cuối đông năm 2017, nặng 3,5 kg. Từ khi lọt lòng, cậu bé đã thường xuyên nhập viện vì nôn trớ, viêm ruột và không tăng cân. Dù được mẹ ép ăn và uống sữa, tình trạng vẫn không cải thiện. Khi Đậu 2,5 tuổi, vợ chồng chị Lan quyết định gửi mẫu gene của con sang Hàn Quốc xét nghiệm.

Kết quả Đậu mắc bệnh ruột búi do đột biến gene - một căn bệnh hiếm gặp khiến cơ thể không hấp thụ dinh dưỡng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là một dạng bệnh lý cực hiếm, tỷ lệ mắc bệnh là một trong 100.000 trẻ em. Ở Việt Nam, chưa ghi nhận trẻ mắc bệnh này trước Đậu.

Cũng vì thế, đến 5 tuổi Đậu chỉ nặng hơn 5 kg, tương đương một trẻ 4-5 tháng tuổi, cơ thể yếu ớt, đặt đâu ngồi đấy. Bé cũng không nói được nên phải dùng ký hiệu.

"Điều khiến tôi đau lòng nhất là dù thể trạng yếu, nhận thức của con vẫn bình thường. Con hiểu sự khác biệt của mình so với các bạn", chị Lan nói.

Vợ chồng chị bế con đến khắp các bệnh viện tìm cách chữa, nhưng bác sĩ đều bảo ''có chữa được đâu mà đến làm gì mất công''.

Nhưng người mẹ không chấp nhận hiện thực này, quyết tìm nơi cứu con. Tháng 8/2022, một trung tâm phục hồi chức năng ở Hà Đông đồng ý cho bé tập trị liệu để tập đứng, tập đi. Cô Lê Thị Dung, giám đốc trung tâm, soạn giáo án tập luyện riêng, mỗi ngày đều đặt mục tiêu cụ thể cho con.

"Vì nhận thức của con rất tốt nên tôi nói 'nếu con không tập sẽ phải ngồi xe lăn cả đời', bé lại cố gắng. Cơ thể chỉ 5 kg, tập luyện thực sự là thử thách lớn với con'', cô nói.

Ở trường tập hơn một giờ, về nhà chị Lan lại tập cùng con. Ban đầu mệt, Đậu khóc nhiều, không muốn hợp tác. Người mẹ cố gắng tả cho con về tương lai có thể đứng dậy bước đi để Đậu không bỏ cuộc.

Da-u-1-1743790806-3463-1743791138.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=uW4fc3gg2Ca3BeEoP_Lx1w

Hình ảnh bé Đậu ngồi học bài với vẻ mặt "đăm chiêu như giáo sư chấm bài" khiến cộng đồng mạng thích thú. Ảnh cắt từ video.

Điều kỳ diệu đã xảy ra. Sau bốn tháng, cậu bé Đậu có thể bò rồi dần biết đứng, biết đi. "Tự thấy mình tiến bộ nên con cũng vui, có ý thức tập luyện hơn", người mẹ kể. Vận động được, sức đề kháng của Đậu cũng tốt lên. Cậu bé ăn được, tăng dần từ 5 kg lên 8 kg.

Thể trạng tốt hơn, cơ thể có lực đẩy hơi nên miệng Đậu đã bật ra được âm nhanh khi được trị liệu ngôn ngữ. Vài tháng sau, bé nói được những câu dài.

Chị Lan lại chuyển sang tìm trường cho con học. Các trường gần nhà đều không nhận vì thấy Đậu quá bé, khó chăm sóc. Người mẹ phải mở rộng địa bàn tìm kiếm. Năm 2024, cậu bé 6 tuổi được một trường cách nhà 5 km nhận vào học chung với các em hai tuổi. Sau gần một năm, cậu chuyển lên lớp ba tuổi. Khoảng một tuần sau con được "lên lớp" học chung với các em lớp 5 tuổi.

Ba năm trước, vợ chồng chị Lan đón con trai thứ hai chào đời. Nhưng đó là cú sốc với Đậu. Luôn được mẹ bảo bọc nên khi phải san sẻ mẹ, cậu khóc suốt. Đêm đêm, chị Lan ngủ cùng phòng với Đậu, nhờ bà trông đứa trẻ mới sinh.

"Mỗi lần sang cho thằng em ti là thằng anh khóc gào lên. Đó là giai đoạn khủng hoảng nhất đời tôi", chị nói. Chị phải giảng giải, động viên Đậu san sẻ mẹ cho em, cậu bé mới dần đón nhận.

Em trai khỏe mạnh nên mới ba tuổi cân nặng đã hơn gấp đôi anh. Ra ngoài, Đậu hay bị nhầm là em. Thi thoảng, hàng xóm trêu, cậu bé tủi thân về mách mẹ. Thiệt thòi hơn, nhưng giờ Đậu đã hiểu chuyện, tự chơi một mình, tự xúc ăn để mẹ trông em.

Cột mốc quan trọng tiếp theo trong đời Đậu vào tháng 9 năm nay, khi có trường nhận con vào lớp 1. Chị Lan dự định thuê cô trợ giảng kèm cặp, hỗ trợ con trong các hoạt động đi lại, vận động để tránh bị các bạn xô đẩy.

Giai đoạn này, mỗi tối con đều tự giác ngồi bàn học bài và đã biết đọc, viết cơ bản.

''Tôi đã hàng nghìn lần mơ đến một ngày con có thể bước đi, có thể ngồi viết những nét chữ đầu tiên. Cuối cùng, ngày này cũng đến'', chị Lan nói.

Untitled-design-1-1743497660-2543-1743566806.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DftU8mYoR9DYE3Fld4SCEA

Bé Đậu (áo vàng) bên mẹ và em trai tại nhà riêng, ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, hôm 30/3. Ảnh: Phạm Nga

Anh Tạ Văn Linh, 33 tuổi, chồng chị Lan luôn thấy biết ơn vì sự tiến bộ không ngừng của con trai và tinh thần lạc quan của vợ. ''Nhìn lại thử thách đã đi qua, tôi luôn nói với vợ, nếu những ngày khó khăn đó, em không lạc quan, anh cũng không biết mình có trụ được vững nữa không", anh nói.

Buổi tối cuối tuần của gia đình anh bây giờ không còn là tiếng thút thít của Đậu khi ngồi một chỗ khua tay, múa chân mà bố mẹ không hiểu. Giờ đây, cậu bé có thể đi lại khắp nhà, huyên thuyên đủ thứ chuyện ở lớp.

''Trước thì ao ước con có thể nói, nay thì đau đầu với anh ấy'', chị Lan nói, nhìn con cười hạnh phúc.

goc-khuat-cuoc-doi-cau-be-gay-sot-vi-hoc-bai-nhu-giao-su-1743561801.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Rkpou5zq0akTx21Y-2wNWQ
Góc khuất cuộc đời cậu bé gây sốt vì 'học bài như giáo sư'

Hành trình trưởng thành của Minh Tiến.

Phạm Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022