"Nhìn các con tôi thấy cả hình bóng của mình và vợ", Mark chia sẻ.
Mark Tang Yee và chị Thùy Trang gặp nhau lần đầu năm 2007 ở Singapore. Hai năm sau, họ về chung một nhà.
Sau kết hôn, chị Trang làm việc tại công ty của chồng, chuyên nhập khẩu vải và nội thất cao cấp cho khách sạn quốc tế. 5 năm trước, anh Mark phải nghỉ hưu do bệnh tiểu đường.

Vợ chồng anh Mark, chị Trang với bác sĩ nam khoa Trương Văn Phi, Bệnh viện đa khoa Hà Nội năm 2024. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Đến với nhau vì yêu, song hôn nhân của họ cũng nhiều sóng gió. Cặp vợ chồng đã cố gắng rất nhiều để vượt qua khác biệt văn hóa, ngôn ngữ và khoảng cách 20 tuổi.
"Nhưng thử thách nhất là hành trình tìm con", anh Mark nói.
Suốt nhiều năm cố gắng thụ thai tự nhiên nhưng không thành, họ tìm đến phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại Bệnh viện Đa khoa Singapore. Họ đã tốn 30.000 SGD (khoảng 570 triệu đồng) nhưng thất bại. "Chúng tôi vô cùng thất vọng và đau buồn", anh Mark nói.
Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong hôn nhân. Chị Trang khóc không ngừng, có khi giữa đêm khuya, có lúc đang dùng bữa hay xem TV. Sự suy sụp khiến chị không còn muốn nhắc đến chuyện IVF, thậm chí gạt đi mọi lời động viên.
Nhưng trong thâm tâm, anh Mark không từ bỏ hy vọng. Anh cảm thấy "phương pháp IVF chưa được thực hiện đầy đủ và tối ưu". Bác sĩ gợi ý họ nên nhận con nuôi hoặc thử sang Việt Nam làm IVF.
Vài năm sau, họ tìm đến một trung tâm đông y nổi tiếng ở Singapore.Việc điều trị kéo dài mệt mỏi suốt hơn một năm. Nhưng phép màu vẫn không xuất hiện. "Ngày đó chúng tôi tin Singapore có hệ thống y tế tốt nhất thế giới nên không nghĩ đến việc điều trị ở nơi khác", Mark nói.
Năm 2022, Mark Tang Yee Wai thuyết phục vợ rời Singapore chuyển đến Đà Nẵng sinh sống. Anh lên kế hoạch thử lại IVF. Ngay khi về thành phố biển cuối năm đó, họ thực hiện xét nghiệm tại một số bệnh viện sản ở Huế và Đà Nẵng. Nhưng họ chỉ nhận về những cái lắc đầu rằng "cơ hội thành công dưới 5%".
Cặp vợ chồng quyết định ra thử ở Bệnh viện đa khoa Hà Nội bởi thấy tại đây có trung tâm nam khoa chuyên sâu. Một hành trình gian nan khác bắt đầu với những chuyến di chuyển liên tục hơn 700 km. Chị gồng mình trước hàng loạt mũi tiêm kích trứng, những đêm dài mất ngủ vì tác dụng phụ. Cả vợ và chồng đều phải uống rất nhiều loại thuốc.
Vì đã thất bại quá nhiều, anh Mark không còn dám hy vọng. Ngay cả khi bác sĩ báo tin kết quả mổ tìm tinh trùng khá tốt, anh vẫn không có cảm xúc. Nhưng chị Trang lại cảm nhận được hy vọng lớn lên từng ngày.
Sau khi chuyển phôi vào đầu hè 2024, cặp vợ chồng trở về Đà Nẵng. Hai tuần chờ đợi dài như cả thế kỷ. Đến ngày hẹn, chị Trang nắm chặt tay chồng, tim đập dồn dập khi bác sĩ chậm rãi mở kết quả xét nghiệm. Một giây, hai giây... cả phòng im phăng phắc. Rồi người bác sĩ ngẩng lên nở nụ cười: "Xin chúc mừng!".
Cả thế giới trước mắt họ bỗng như pháo hoa đêm giao thừa. Họ quay sang nhìn nhau. Giây phút ấy, tất cả những đêm mất ngủ, những mũi tiêm nhức nhói và những thất vọng chồng chất suốt 15 năm như vỡ òa.
Người vợ bật khóc trong ngực người chồng. Mark cũng khóc theo. "Chúng ta làm được rồi, em à", giọng anh nghẹn lại.
Điều kỳ diệu chưa dừng lại. "Chúng tôi chưa bao giờ dám mơ xa, nhưng vợ tôi không chỉ mang thai, còn là một cặp song thai, một trai, một gái", anh tự hào khoe.
Hành trình 9 tháng không dễ dàng với người phụ nữ 46 tuổi. Những tháng đầu, chị nơm nớp nỗi lo an toàn của con. Đến giữa thai kỳ, chị mới dần tin con đang khỏe mạnh lớn lên trong mình. Nhưng lúc này niềm vui cũng không thể che lấp những cơn đau mỏi. Đêm đến, chị trằn trọc vì lưng đau, chân sưng, hơi thở và nói năng rất khó khăn. Anh Mark gác lại mọi việc, đặt ưu tiên chăm sóc vợ con.
"Tôi biết ơn bác sĩ Nguyễn Thị Thu đã luôn cho giải pháp và động viên chúng tôi trước mọi vấn đề xảy ra trong thai kỳ", chị Trang chia sẻ.
Những ngày cận Tết Ất Tỵ, ước mơ của họ thành hiện thực. Cặp song sinh cất tiếng khóc chào đời trong một bệnh viện ở Đà Nẵng. Suốt quá trình sinh nở, chị Trang luôn tỉnh táo, bởi bên cạnh có người chồng nắm tay vợ không rời.

Chị Trang với hai con tại một bệnh viện quốc tế ở Đà Nẵng tháng 1/2025. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bác sĩ Trương Văn Phi, Bệnh viện đa khoa Hà Nội, thành viên trong ekip điều trị, nhận định anh Mark - chị Trang là trường hợp hiếm muộn đặc biệt. Ngay lần đầu tiên họ đến bệnh viện, đội ngũ y bác sĩ không khỏi bất ngờ khi thấy một cặp vợ chồng lớn tuổi từ tận Singapore tìm về Việt Nam tìm con. Kết quả thăm khám không khả quan.
"Không chỉ có rào cản về y học, chúng tôi còn phải vượt qua rào cản ngôn ngữ. Các bác sĩ đã rất nỗ lực để giải thích chuyên môn, tham vấn tâm lý nhằm giúp vợ chồng anh Mark tin tưởng vào phác đồ điều trị", bác sĩ Phi chia sẻ.
Sau bốn tháng điều trị nội tiết, anh Mark được chỉ định thực hiện kỹ thuật micro-TESE - một phương pháp vi phẫu hiện đại giúp tìm kiếm tinh trùng ở "từng ngóc ngách" của tinh hoàn. Kỹ thuật hiện đại này đang mở ra hy vọng mới cho nam giới bị vô sinh do tinh hoàn bị tổn thương, không sản sinh tinh trùng, giúp họ có cơ hội được làm cha.
"Họ đã kiên cường trải qua một hành trình rất dài, nhất là khi còn phụ thuộc vào việc nuôi trứng của người vợ", bác sĩ Phi nói.

Vợ chồng anh Mark, chị Trang với bác sĩ nam khoa Trương Văn Phi, Bệnh viện đa khoa Hà Nội năm 2024. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Những ngày qua, cặp vợ chồng dồn toàn bộ sự chú ý vào hai thiên thần nhỏ. Dù hạnh phúc trọn vẹn, anh Mark không giấu nổi lo lắng về tương lai. Việc nuôi dạy một cặp song sinh là hành trình đầy thử thách về thời gian, công sức và cả bài toán tài chính kéo dài ít nhất 20 năm. Ông bố cũng trăn trở về cách chăm sóc, giáo dục để các con phát triển tốt nhất.
Nhưng trước mắt, anh cho biết đã mua một căn chung cư ở Đà Nẵng, chỉ cách bờ biển vài phút đi bộ.
"Hai con sẽ mang quốc tịch Việt Nam và cả Singapore nếu muốn", người cha 66 tuổi, chia sẻ. "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để cả thế giới rộng mở trước các con".
Phan Dương