Người cha luôn đòi hỏi sự hoàn hảo

Tôi là kiểu đàn ông cầu toàn. Từ công việc đến gia đình, tôi luôn muốn mọi thứ phải đạt đến mức độ hoàn hảo tuyệt đối. Tôi có thể thức trắng nhiều đêm để hoàn thành dự án tốt nhất, để không ai tìm thấy khuyết điểm của nó. Ra ngoài, tôi luôn chỉn chu từ đôi giày sáng bóng, quần áo thẳng tinh tươm và thơm tho. Với vợ, tôi yêu cầu cô ấy dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ đến mức sàn nhà có thể soi gương và bếp ăn không được có một hạt bụi. Sự cầu toàn quá mức ấy trở thành nguyên nhân cãi vã giữa vợ chồng tôi rất nhiều lần.

Với con trai, tôi luôn đòi hỏi ở con điểm số gần như tuyệt đối. Con phải là người nổi bật nhất trường. Chỉ cần con có những con điểm dưới 9, con sẽ bị tôi mắng mỏ, thậm chí đánh đòn roi. Con nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi cấp Tỉnh và đạt giải Nhì. Thay vì vui mừng, tôi miệt thị con bằng những lời lẽ khó nghe. Bởi chỉ cần con cố gắng một chút thôi, con đã có thể đạt giải Nhất.

Cũng từ đây, con trai tỏ thái độ bất mãn, cãi lời bố. Vợ tôi xót con, bênh con cũng bị tôi mắng luôn. Tuần trước, 2 mẹ con dọn quần áo, bỏ về nhà ngoại ở. Vợ còn khẳng định tôi là một kẻ lập dị, chỉ nên sống một mình thôi.

dd-1024x512-1739866504166507236788.jpg

Bộ phim "Sex Education" và câu nói thức tỉnh lương tâm

Vợ con bỏ đi, tôi ở một mình, cảm giác trống vắng đến lạ thường. Chán chường, tôi lướt mạng mỗi tối để giải trí. Tình cờ xem được một phân đoạn trong phim "Sex Education", tôi bị cuốn hút vào bộ phim ấy vì những tình tiết thú vị nên quyết định dành thời gian xem lại toàn bộ phim.

3 ngày trước, một câu thoại của phim khiến tôi trăn trở mãi. "Tôi là một mớ hỗn độn nhưng tôi nghĩ thiếu niên nào cũng như vậy". Câu nói của nhân vật chính Otis. Otis đã giúp những học sinh tuổi dậy thì gỡ rối tâm lý nhờ vào sự nhẹ nhàng, thấu hiểu, biết lắng nghe của mình. 

Tôi chợt nhớ đến câu nói của con trai lúc bị tôi mắng vì đạt giải Nhì: "Bố chỉ biết đến bản thân bố thôi. Bố đã hoàn hảo chưa mà ép con phải hoàn hảo". Rồi câu nói của vợ: "Chừng nào anh tốt đẹp hết đã, rồi hãy được quyền phán xét người khác".

Tôi vẫn còn những khuyết điểm, bản thân tôi vẫn còn phạm sai lầm. Nhưng tôi lại dùng sự độc đoán và gia trưởng để ép buộc những người bên cạnh phải hoàn hảo.

Ngày hôm sau, tôi đã đến nhà vợ. Vợ tôi vẫn giữ sự lạnh nhạt, còn bảo sẽ ly hôn. Tôi xin lỗi vợ, hứa hẹn sẽ thay đổi nhưng cũng khẳng định sẽ tôn trọng mọi quyết định của cô ấy.

Tôi vào phòng con trai, đắn đo mãi mới dám thừa nhận một ĐIỀU KHÓ NÓI: "Bố xin lỗi vì đã ép buộc con phải hoàn hảo. Ngay bản thân bố cũng còn thiếu sót và chưa phải là một người bố tốt. Bố đã sai khi phủ nhận nỗ lực, cố gắng của con".

Việc thừa nhận bản thân chưa đủ tốt thật sự rất khó khăn. Nó còn ảnh hưởng đến sĩ diện đàn ông của tôi. Nhưng tôi đã vượt qua được, đã dũng cảm nói được những lời mình ấp ủ mãi trong đầu. 

Con trai kinh ngạc nhìn tôi. Tôi về nhà, trong lòng nhẹ nhõm như trút bỏ được một gánh nặng lớn.

Chiều hôm qua, vợ con tôi đã về nhà. Ngôi nhà lại ấm cúng hơn. Bữa cơm dù còn ngượng ngùng nhưng vẫn đủ khiến tôi lâng lâng hạnh phúc. Tôi sẽ thay đổi, chấp nhận điểm chưa hoàn hảo của mình thay vì chối bỏ nó. Tôi tin rằng, khi tôi làm được điều này, cuộc sống của mình sẽ dễ dàng, hạnh phúc hơn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022