Những ngày không quên 

Đêm Valentine, chồng Tiên giấu một bó hồng đỏ rực trong cốp xe. Cô ngồi ghế trước, ôm con gái Trà Sữa đã chìm vào giấc ngủ sau chặng đường dài. Chiếc ô tô dừng trước cổng nhà, Tiên chuyển con cho chồng rồi mở cốp xe lấy đồ đạc. Cô reo lên như đứa trẻ khi thấy món quà bất ngờ chồng dành cho mình.

9905331555632-3459408504342856-3770100379146944374-n-1679180738128-1679180738250197745927.jpg

Bé Trà Sữa như liều thuốc chữa lành những tổn thương Tiên đã gánh chịu

“Đây là lần đầu tiên tôi nhận được hoa kể từ khi là vợ anh” - Tiên nói. Chồng cô - anh Swee Chong Lim - là người đàn ông kiệm lời. Anh chưa bao giờ nói yêu Tiên, chỉ âm thầm bóp chân cho cô mỗi khi trái gió trở trời, thức xuyên đêm trông con gái, khẽ lau những giọt nước mắt mỗi khi cô nhớ nhà.

Người đàn ông Malaysia ấy ngồi hàng giờ nghe cô nói tiếng Hoa “bồi” kể về Cù Lao Dung (Sóc Trăng) nơi cô sinh ra, về những bữa cơm chỉ có rau với mắm. Những lúc như thế, Tiên thầm cảm ơn số phận đã cho mình gặp đúng người.

Năm 2017, gia đình Cẩm Tiên trải qua 2 mùa làm ăn thất bát, heo rớt giá, mía cũng mất mùa. Một ngày mưa tháng Năm, Tiên xin phép mẹ sang Malaysia phụ việc cho quán ăn. Mẹ lặng im hồi lâu rồi khẽ gật đầu.

Cô tạm biệt Cù Lao Dung, thực hiện chuyến bay đầu tiên trong đời sang Thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia). Những năm tháng ở xứ người, Tiên làm việc quần quật, chẳng ngại việc nặng nhọc, bất kể mưa nắng, sớm tối. Cô chắt chiu từng đồng để gửi về cho cha mẹ ở quê nhà.

3 năm sau, biến cố bất ngờ ập đến. Trong một lần phơi đồ ở ban công, Tiên bất cẩn té từ lầu 4 xuống đất. Cô ngất xỉu, máu túa ra lênh láng. Cú va đập khiến Tiên bị chấn thương nghiêm trọng ở tay, chân và đốt sống cổ. Tiên được đưa vào cấp cứu tại một bệnh viện thuộc TP Malacca (Malaysia).

“Nằm trên giường bệnh, tôi ngập chìm trong đau đớn, đau đến tận xương tủy, nước mắt cứ vậy lăn dài. Có lúc, tôi mất lý trí, giãy giụa khiến bác sĩ phải giữ tay, chân lại. Tôi lúc nhớ, lúc quên, ký ức như bị che phủ bởi một mảng màu xám xịt” - Tiên tâm sự.

Mẹ Tiên khóc hết nước mắt, không ai trong gia đình Tiên có hộ chiếu để bay sang với cô. Số viện phí tương đương 240 triệu đồng như đè nặng lồng ngực người mẹ mỗi đêm. Bác sĩ tiên lượng tỉ lệ thành công của ca mổ chỉ khoảng 10%. Cuối cùng, gia đình đành nhờ một người cậu sinh sống tại TPHCM sang Malaysia chăm sóc Tiên.

Anh Swee Chong Lim vẫn lui tới bệnh viện với tư cách bạn bè. Anh lặng lẽ mua thuốc, mua tã, gặp bác sĩ để hỏi về bệnh tình của Tiên. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, cô đã có người yêu.

“Phép màu” đã xảy ra khi cô được cộng đồng mạng quyên góp, giúp đỡ toàn bộ viện phí. Ca phẫu thuật thành công nhưng 90 ngày nằm viện đối với Tiên dài đằng đẵng. Đôi chân Tiên teo tóp, cô chỉ nặng vỏn vẹn 30kg. Người bạn trai mà cô luôn yêu thương cũng dần nhạt nhòa tình cảm. Mối tình kết thúc khi Tiên xuất viện.

5147265421883-4376855152442135-6561921322074788431-n-1679180741087-1679180741230209145261.jpg

Dù chưa bao giờ nói lời yêu, anh Swee Chong Lim vẫn luôn tận tình chăm sóc và dành những tình cảm ấm áp nhất cho Cẩm Tiên từ những ngày cô còn nằm trên giường bệnh

Cô nói: “Suốt thời gian dài, tôi đã phải chiến đấu với nỗi cô đơn và mặc cảm. Tôi nghĩ rằng chẳng ai muốn lấy một phụ nữ ốm yếu, chân đi xiêu vẹo, trái gió trở trời là đau nhức cơ thể. Vết sẹo liền lại nhưng di chứng của nó rất kinh khủng”.

Vậy mà Swee Chong Lim vẫn ở bên cô. Anh trìu mến nhìn Tiên, âm thầm đặt vào tay cô hộp sữa, ly nước; đút cho cô từng muỗng cháo; dìu cô đi những bước đầu tiên; luôn động viên cô đừng bao giờ bỏ cuộc. Bạn bè thường nói với Tiên: “Người chân thành sẽ ở cạnh mình lúc khốn khó”. Cô lặng thầm quan sát anh mỗi ngày. Một tình yêu bắt đầu nảy nở.

Viết tiếp cuộc đời 

Tiên hay miêu tả tình cảm của mình là tình yêu “không lời”. Chồng Tiên chưa bao giờ tỏ tình. Anh thường im lặng khi cô giận, ôm Tiên những lúc cô nhớ nhà. Đó cũng là lý do cô gật đầu làm vợ anh. Ba má chồng biết con trai sắp cưới cô gái nặng vỏn vẹn 35kg, cổ còn hằn vết sẹo sau phẫu thuật nhưng vẫn đồng ý. Ông bà thấy thương cô gái Việt Nam thật thà, chất phác, một mình bươn chải nơi xứ người.

Ngày mới về làm dâu, mọi thứ đối với Tiên đều bỡ ngỡ. Tiên sắm một quyển vở, nắn nót viết những từ vựng tiếng Hoa, mỗi ngày cô học một chút. Tiên thừa nhận chồng là người duy nhất có thể hiểu bất cứ những gì cô nói dù cô phát âm sai hay nhiều lúc phải dùng ngôn ngữ cơ thể để diễn tả.

pncn10-sau-con-giong-bao741678955078-1679180743288-1679180743438903860932.jpeg

Gia đình nhỏ của Cẩm Tiên

Mỗi buổi sáng, Tiên dậy sớm để nấu ăn cho cả nhà. Cô nhớ lại: “Ban đầu, tôi quen nêm nếm theo khẩu vị miền Tây nên cho khá nhiều đường. Người Malaysia không cho nhiều gia vị vào món canh. Tuy nhiên, gia đình chồng không muốn làm tôi buồn nên vẫn ăn hết. Tôi trân trọng ba má chồng vì đã chấp nhận và yêu thương tôi. Từ lần đó, tôi cố gắng quan sát, học cách chăm chút bữa ăn cho gia đình”.

Đến nay, Tiên vẫn giữ thói quen chiên cá theo 2 kiểu: cho ba thì giòn còn cho má thì mềm.

Ngày Tiên biết mình mang thai và gọi về cho gia đình, cha cô đã giận hơn 1 tháng. Ông lo rằng cô con gái bé nhỏ vẫn chưa hồi phục sức khỏe, đôi chân yếu ớt của Tiên sẽ không chịu được sức nặng cơ thể khi mang bầu.

Dù vậy, Trà Sữa vẫn khỏe mạnh trong bụng mẹ. Ngày Tiên sinh con, Swee Chong Lim thức trắng. Anh tựa đầu lên dãy ghế của hành lang bệnh viện, cầu nguyện và chờ đợi. Cuối cùng, Trà Sữa cũng chào đời trong tình yêu thương vô bờ của mọi người.

Tiên cho rằng cô có 2 vết thương lớn, âm ỉ suốt bao năm. Một vết thương từ cuộc phẫu thuật giành lấy sự sống, nằm phía sau cổ. Một vết thương từ sự ám ảnh sau tai nạn. Thỉnh thoảng, Tiên vẫn giật mình trong đêm khi mơ thấy mình đang rớt xuống một hố sâu không đáy. Mỗi lần như thế, chồng Tiên lại ôm cô vỗ về. Trà Sữa như một liều thuốc chữa lành tất cả. Bé mau lớn và hay cười.

Có lúc, Tiên thức dậy giữa đêm, thấy chồng vẫn vác Trà Sữa trên vai, xoa lưng cho con dễ ngủ. Anh thay tã, pha sữa, chơi đùa cùng con.

“Tôi chưa bao giờ dám mơ về một mái ấm gia đình khi bản thân là một cô gái không lành lặn, tổn thương sức khỏe, lớn lên trong một gia đình khó khăn. Vậy nhưng tôi tin rằng bất kỳ ai cũng xứng đáng yêu và được yêu” - Tiên tâm sự.

8g30 sáng, tiệm sửa xe của Swee Chong Lim mở cửa. Khách đưa xe vào, anh lại tất bật thay nhớt, vặn ốc, đổi phụ kiện… Công việc bận rộn, đến khi anh ngẩng đầu lên đã quá trưa. Lúc này, Tiên trong bếp cũng hoàn thành bữa cơm theo kiểu người Hoa. Canh được hầm hơn 3 tiếng, rau xào với tỏi, thịt kho đậm đà. Cả gia đình sẽ cùng quây quần thưởng thức bữa cơm trưa.

Tiên nhận giặt đồ mướn, dọn dẹp nhà cho các hộ gia đình lân cận. Đôi tay Tiên chai sờn vì thuốc tẩy, đôi tay Swee Chong Lim lấm lem dầu nhớt nhưng cả hai vẫn luôn nắm chặt tay nhau vào mỗi buổi chiều, khi mặt trời ngả bóng. Trà Sữa được cha mẹ đặt trong nôi, cả nhà cùng dạo quanh bờ hồ.

Những lúc như thế, Tiên thường nói nhiều về Cù Lao Dung. Sóc Trăng quê cô có những thảm lúa xanh rì, có con rạch chạy thẳng về cù lao, có luống dừa, có rẫy mía bạt ngàn… Cô thèm quay quắt được cắn vào trái bần chua chát, hít hà mùi cỏ non, vùi mình trên chiếc giường đặt ở góc nhà. Nơi đó có ba, có má và nhiều người thân khác đang đợi cô trở về.

“Anh hứa sẽ đưa em về Việt Nam” - Swee Chong Lim buông lời chắc nịch và Tiên tin chồng mình biết cách để biến lời hứa ấy thành hiện thực.

Bài: Ngọc Ngân 

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022