Tối 14/10 chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam 2018 và Tôn vinh, trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc được tổ chức tại Hà Nội.

Năm nay có 63 nông dân xuất sắc được vinh danh thuộc 4 nhóm lĩnh vực gồm: lĩnh vực trồng trọt chiếm số lượng cao nhất (21 người), chăn nuôi, trang trại tổng hợp (13 người); nuôi trồng thủy hải sản (10 người); sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp (10 người); phát minh, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật (9 người).

Chương trình khởi xướng từ năm 2013 và trở thành sự kiện thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương tổ chức.

Nông dân được lựa chọn dựa trên các tiêu chí: đạt thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp; có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới; có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, chủ quyền quốc gia; có sáng kiến, phát minh mang tính khoa học đã được ứng dụng và đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

nhom-phat-minh-sang-che-3046-1539532236.jpg

Ban tổ chức trao chứng nhận cho 9 nông dân xuất sắc nhóm phát minh, sáng chế. Ảnh: AT.

Những sáng chế thu tiền tỉ

Ở lĩnh vực phát minh, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật có thể kể đến chiếc máy ruôi (thái/nạo) sắn của ông Hà Kim Tới ở Phú Thọ đã giúp bà con nông dân tiết kiệm được thời gian trong việc bóc vỏ, nạo sắn. Với phương pháp thủ công, một tấn sắn phải mất vài ngày mới nạo xong thì chiếc máy này chỉ cần một giờ và không cần thêm người bóc vỏ sắn.

tac-gia-may-thai-san-lot-danh-sach-nong-dan-viet-nam-xuat-sa-1539398671_500x300.jpg
Tác giả máy thái sắn lọt danh sách nông dân Việt Nam xuất sắc

Ông Hà Kim Tới chế tạo máy ruôi sắn. Video: VTC.

Còn ông Vương Hùng Nam ở Cao Bằng đã chế tạo máy bóc lạc có tay quay và cải tiến máy thái thức ăn gia súc bằng gỗ có mô tơ. 

Ông Chương Văn Thủy đến từ Bắc Kạn cải tiến máy xẻ gỗ chạy bằng mô tơ điện với nhiều ưu điểm: không tốn nhiều chi phí, giảm sức lao động đồng thời tăng năng suất và có thể điều chỉnh linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh lao động. 

Đến từ Trà Vinh, ông Nghiêm Đại Thuận được vinh danh vì đã tạo ra máy se chỉ tơ xơ dừa, đã được Sở khoa học và Công nghệ Trà Vinh cấp chứng nhận. Ông đã bán 200 máy tại đồng bằng sông Cửu Long với giá bình quân 60 triệu đồng/cái.

Ông Nguyễn Văn Dũng (An Giang) thì chế tạo thiết bị đánh rãnh thoát nước; Máy phun thuốc bảo vệ thực vật hai trong một cải tiến giúp bà con nông dân bảo vệ sức khỏe, hiệu quả phun thuốc trừ sâu cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Nhân (Thừa Thiên - Huế) đã sáng chế ra máy ấp trứng gia cầm các loại. Hàng năm có tới 100-120 máy ấp trứng gia cầm các loại được ông sản xuất và bán ra thị trường. Doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng, lợi nhuận từ 200-240 triệu đồng. 

Còn ông Phan Văn Hòa (Nghệ An) đã nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất, chế biến trà gạo thảo dược Vĩnh Hòa. Hiện ông được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp 3 bằng bảo hộ giống cây trồng; Cục Sở hữu trí tuệ công nhận 5 tài sản sở hữu trí tuệ, một đề tài thử nghiệm sản xuất và chế biến thực phẩm chức năng từ lúa gạo (cấp quốc gia).

Phát biểu khai mạc tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018, ông Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận đóng góp của 63 nông dân tiêu biểu. Ông cũng mong muốn tinh thần này được lan tỏa tới nông dân cả nước, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022