Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN 2024) khai mạc chiều 23/8 có sự tham dự của Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cùng các đại sứ, tham tán và lãnh đạo các bộ ngành, các tập đoàn lớn, nhà khoa học cùng cộng đồng quan tâm tới công nghệ AI. Trước khi bước vào phiên chính, lãnh đạo Chính phủ cùng các khách mời đã tham quan hơn 20 gian trưng bày các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại AI Expo.

z5759108709218-283c41e457d619c-5037-3619-1724419337.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SHQbY9DOuRNcmLp9kElWJA

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang (giữa), Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy (bìa trái) tham quan gian hàng tại AI Expo. Ảnh: Giang Huy

AI Summit bắt đầu lúc 14h. Hội trường 500 chỗ ngồi tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội chật kín. Phần phát biểu khai mạc của Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh sự quan tâm của AI có trách nhiệm. Ông cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều văn bản hướng dẫn phát triển AI có trách nhiệm, khuyến nghị các đơn vị, tổ chức cá nhân tham khảo trong quá trình nghiên cứu AI.

Khẳng định AI4VN 2024 là sự kiện quan trọng, đánh dấu cột mốc mới sau 7 năm tổ chức nhằm thúc đẩy hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo, Thứ trưởng Bùi Thế Duy kỳ vọng các doanh nghiệp tại Việt Nam tìm kiếm được giải pháp áp dụng vào thực tế, có thể kết nối với các tổ chức quốc tế. "Ngày hội có thể góp phần phát triển hệ sinh thái AI bền vững, đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển AI tại khu vực và trên thế giới", ông nói.

z5759270816063-64233bfbffb94e0-8746-9127-1724419337.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Iq7IOkfrBDFDtq5WIRuz1g

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu khai mạc. Ảnh: Giang Huy

Sau phát biểu khai mạc, các đại sứ các nước từ Australia, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, UNESCO tại Việt Nam đã phát biểu chào mừng. Trong đó các ý kiến đều ghi nhận Việt Nam có những bước tiến trong xây dựng hệ sinh thái AI.

Ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, cho rằng những thành quả có thể nhìn thấy qua sự phát triển của các công ty, tập đoàn cũng như khả năng ứng dụng vào đa dạng các ngành nghề như tài chính, y tế, giáo dục.

Ông Marc Evans Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam gửi lời cảm ơn Bộ Khoa học và Công nghệ vì đã tổ chức một sự kiện khoa học ý nghĩa và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác để phát triển và ứng dụng AI có trách nhiệm.

Sau chào mừng của các đại diện quốc tế, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang có bài phát biểu. Ông nhìn nhận AI đang được thúc đẩy phát triển rất mạnh mẽ tại nhiều quốc gia với tiềm năng ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Ngày càng nhiều lĩnh vực kinh tế được hưởng lợi từ AI.

z5759257816578-eb42bfaf5fcb5ce-6751-7334-1724419338.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=U5ZqTuiI6PsbhRox5qYQyQ

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Giang Huy

Phó thủ tướng thông tin, Việt Nam đã xây dựng nhiều chính sách thúc đẩy, trong đó việc triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 sau ba năm đã đạt một số kết quả bước đầu đáng được khích lệ. Công nghệ trí tuệ nhân tạo đang góp phần nâng cao rõ rệt năng suất lao động và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người.

Lãnh đạo Chính phủ nhìn nhận sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo cũng đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, quản trị không chỉ tại Việt Nam mà tất cả quốc gia trên thế giới. Song ông khẳng định "Việt Nam phát triển và ứng dụng AI phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, người dân làm trung tâm, không được lạm dụng công nghệ để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp này".

Những lợi ích không thể phủ nhận từ công nghệ AI

Phần hai của AI4VN được tiếp nối với những tham luận chuyên sâu đến từ các tập đoàn công nghệ, chuyên gia quốc tế.

Trong tham luận với chủ đề "Cơ hội từ trí tuệ nhân tạo", ông Marc Woo - Giám đốc điều hành, phụ trách Việt Nam, Google châu Á - Thái Bình Dương, Google tin vào tiềm năng to lớn của Việt Nam. Trong một thập kỷ, đơn vị nhận thấy GenAI mang lại cho nhiều cơ hội chuyển đổi số, và Việt Nam nắm bắt rất tốt điều này.

Ông cũng đưa ra nhiều minh chứng cho thấy GenAI giúp con người dễ dàng khám phá sản phẩm, giúp trải nghiệm này thoải mái hơn thông qua các đề xuất cụ thể. AI tác động đến sự hiện đại hóa các quy trình vận hành doanh nghiệp.

z5759297071189-0750dd49fa17997-5526-5732-1724419338.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E2UjttMrTa1Gkva4MMzUtQ

Ông Marc Woo trình bày tham luận tại AI4VN. Ảnh: Giang Huy

Cũng khẳng định lợi ích AI mang lại, bà Kim Hee-Eun, Giám đốc phụ trách Chính sách Cạnh tranh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta đang tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội. Năm 2023, thị trường AI toàn cầu đạt 196 tỷ USD; tăng trưởng hàng năm 37,3%. Dự báo tăng trưởng của trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2023-2030 khoảng 20 lần. Với tốc dự báo tăng trưởng theo cấp số nhân như vậy, trí tuệ nhân tạo đã tác động đến mọi mặt của xã hội. "AI đã giúp khai phá đổi mới sự sáng tạo và đẩy mạnh tiềm năng tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực", bà nói.

Tiếp đến, hai diễn giả từ RMIT nói về việc "Trí tuệ nhân tạo đã vượt ra ngoài màn hình máy tính". RMIT cũng đang thiết kế nhiều thiết bị AI phục vụ cuộc sống. Đơn cử, thiết bị cho người khiếm thị, giúp họ có thể "nhìn thấy". "Thực tế họ không thể thấy được nhưng qua thiết bị có thể cảm nhận không gian ảo giúp họ thực hiện được các kế hoạch hàng ngày như nấu ăn, tìm đồ một cách dễ dàng", GS Fabio Zambetta chia sẻ.

RMIT cũng có những ứng dụng phức tạp hơn, như thiết bị kết nối giữa máy tính và não để có thể đọc được cảm xúc. Cụ thể, khi hai người đang làm việc với nhau, họ có thể chia sẻ cảm xúc một cách trực quan. "AI giúp chúng ta vượt khỏi màn hình, khỏi máy tính truyền thống để đắm chìm hơn trong không gian thực, mang lại siêu năng lực, giúp không gian làm việc hiệu quả hơn", GS Fabio Zambetta nói.

Việt Nam cần tự chủ và bứt phá từ trí tuệ nhân tạo tạo sinh

Sau phần thông tin quốc tế, hội trường sôi động hơn khi chứng kiến tiết mục nghệ thuật kết hợp AI. Sau đó đại diện các tập đoàn công nghệ lớn trong nước cũng chia sẻ quan điểm trong việc phát triển và ứng dụng GenAI.

GS Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata, cho biết ứng dụng AI tạo sinh trở thành xu hướng tất yếu. Nhìn nhận được tiềm năng vượt trội của AI tạo sinh, các doanh nghiệp đã rất mạnh tay đầu tư để phát triển và ứng dụng công nghệ này. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng số tiền các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào AI tạo sinh lên tới 25,23 tỷ đô la, tăng gần 9 lần so với trước đó một năm. Giám đốc Khoa học VinBigdata dẫn chứng AI tạo sinh đã mang lại những lợi ích đa ngành. "Khi được ứng dụng đúng cách, AI tạo sinh có thể mang đến nhiều lợi ích trong đa lĩnh vực cho cả thế giới và Việt Nam".

z5759553993733-bfc46dd04b72367-7371-6646-1724419338.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZrmyN_j8pjwJEu5R_LoCfQ

GS Vũ Hà Văn cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá từ công nghệ AI. Ảnh: Giang Huy

Ông cho rằng để đón đầu làn sóng AI tạo sinh, Việt Nam cần chú trọng phát triển 3 trụ cột AI, đó là con người, tài nguyên và công cụ, từ đó phát triển các giải pháp do người Việt làm chủ. "Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá lớn, không nên là người dùng cuối của công nghệ nước ngoài mà nên tự tạo công nghệ cho chúng ta, công nghệ Việt cho người Việt', GS Vũ Hà Văn nói.

Tạo AI cho riêng mình là khuyến nghị từ ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud, Thành viên Tập đoàn FPT. Theo ông, Việt Nam có cơ hội bắt kịp trí tuệ nhân tạo toàn cầu và tạo ra nền công nghiệp AI mới. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cạnh tranh bằng hai thứ: thứ nhất là nhân công giá rẻ và thứ hai là năng suất lao động. Tuy nhiên, trong tương lai, chỉ hai điều đó là không đủ, chúng ta còn cần phải cạnh tranh bằng con người, tự động hóa, công nghệ... để tạo ra năng suất cao hơn nữa. "Chúng ta cần năng lực AI nội tại dành riêng cho Việt Nam. Điều này không chỉ tạo ra sự cạnh tranh trong cùng một quốc gia mà còn bảo vệ sự cạnh tranh, khác biệt cho Việt Nam", ông nhấn mạnh.

z5759625699296-449e31abaef251e-9118-3953-1724419339.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=tUB1fE2mIlWz2LZDu8tLFQ

Ông Lê Hồng Việt nêu khuyến nghị Việt Nam cần tự chủ AI. Ảnh: Giang Huy

Ông gợi ý 5 điều cần làm, trong đó đầu tiên là đủ năng lực để tạo ra ứng dụng AI mà người Việt có thể sử dụng. Hai là phải tập hợp được dữ liệu từ chính phủ, người dân Việt Nam để làm chủ dữ liệu của chính mình. Ba là hạ tầng công nghệ, xây dựng nền tảng để AI đi vào doanh nghiệp trơn tru hơn. Bốn là là tạo ra nguồn lực dồi dào, thu hút những người nghiên cứu và phát triển công nghệ trên toàn cầu. Cuối cùng là khơi thông thị trường AI tại Việt Nam, giúp doanh nghiệp hiểu được trí tuệ nhân tạo đem lại những giá trị gì, tạo ra sự tăng trưởng về năng suất, tối ưu chi phí ra sao.

TS Lê Anh Văn, Giám đốc Nền tảng VNPT Generative AI, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nhìn ở góc độ phát triển nguồn nhân lực AI. Theo đó, Việt Nam hiện đứng thứ 59 toàn cầu về chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu, nhưng vẫn có thách thức trong phát triển nguồn nhân lực AI. Ông cho rằng khi có nhân sự AI chất lượng thì sẽ có cơ hội hoàn thiện sản phẩm, tạo sản phẩm tốt hơn nữa.

Ngày hội khép lại với lễ trao giải Bình chọn sản phẩm Ứng dụng trí tuệ nhân tạo Việt Nam - AI Awards 2024. Có 5 sản phẩm, giải pháp, nền tảng ứng dụng AI xuất sắc được vinh danh với giải thưởng là gói quyền lợi truyền thông trị giá 100 triệu đồng trên báo VnExpress.

AI4VN là sự kiện thường niên do Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo, Báo VnExpress, Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT (FPT Online) tổ chức với sự phối hợp của Câu lạc bộ Các Khoa - Viện - Trường Công nghệ thông tin -Truyền thông (FISU), bắt đầu từ năm 2018.

Như Quỳnh

Logo-tin-bai-5062-1724299167-6581-1724419339.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xDlbjytc7kco3-IXLC7DLA
Xem diễn biến chính

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022