Thông điệp được Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề cập tại buổi thăm và làm việc tại Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chiều 23/4, tại Hà Nội.
Tại buổi làm việc ông đánh giá cao vai trò và tầm quan trọng của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ. Ông ghi nhận VUSTA thực hiện tốt vai trò cầu nối, giữa các hội thành viên với các cơ quan Đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động, tập hợp trí thức khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Trải qua hơn 40 năm, VUSTA đã thu hút đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ với khoảng 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu hội viên trí thức, chiếm gần 1/3 số trí thức cả nước.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc chiều 23/4. Ảnh: Thu Phương
Tuy nhiên, ông thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số vấn đề như chưa tập hợp thu hút nhiều đội ngũ trí thức trẻ, các trí thức là người Việt nam ở nước ngoài tham gia hoạt động các hội. Thiếu cơ chế trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Phong trào hoạt động tham gia đổi mới kỹ thuật sáng tạo vẫn còn khó khăn.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh sự phát triển của các loại hình công nghệ mới, công nghệ số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... đòi hỏi ngày càng cao đối với đội ngũ trí thức. Ông đề nghị VUSTA quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó có các nghị quyết, chỉ thị về xây dựng đội ngũ trí thức, phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Ông đề nghị các Bộ ban ngành, trong đó có Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp ban hành Chiến lược quốc gia về đội ngũ trí thức nhằm khơi thông điểm nghẽn và hoàn thiện cơ chế chính sách, nghiên cứu phù hợp hướng cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết về phát triển đội ngũ trí thức.
Theo ông, môi trường đội ngũ trí thức nhiều thế hệ, người trẻ đang trở về cống hiến trong bối cảnh đa phương hóa và nền kinh tế thị trường sẽ có khó khăn. Do đó cần chú trọng tập hợp, gắn bó các thành phần đội ngũ trí thức.
Ông cũng nhấn mạnh cần hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện đội ngũ trí thức phát triển, "đặc biệt chú trọng vai trò hội nhập quốc tế, đi tắt đón đầu thành tựu từ các nước tiên tiến, tiệm cận lĩnh vực tiên tiến, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ".
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA báo cáo hoạt động của Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Thu Phương
Báo cáo trước đó, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam nêu 9 kết quả nổi bật. Trong đó các tổ chức thuộc VUSTA đổi mới mạnh mẽ hoạt động khoa học công nghệ, thu hút hàng trăm triệu USD từ tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong triển khai hàng nghìn dự án, đóng góp phát triển kinh tế xã hội địa phương, nhất là vùng sâu, xa. Ngoài ra, việc tôn vinh trí thức thông qua các giải thưởng, hội thi với hàng nghìn công trình, giải pháp kỹ thuật sáng tạo được ứng dụng hiệu quả trong đời sống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.
Tại buổi làm việc các nhà khoa học, chuyên gia cũng nêu những vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn trong hồ sơ tài chính hay việc tồn tại biên chế khối ngoài công lập. Trước vấn đề này, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho hay định hướng lớn của Đảng đối với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và xây dựng đội ngũ trí thức có ý nghĩa căn cốt đối với ngành.
Ông cho rằng với cơ chế mô hình hiện nay các Viện nghiên cứu công lập cũng gặp khó khăn, không hình thành được nhóm nghiên cứu mạnh. Do đó ông mong muốn VUSTA cùng thảo luận đặt hàng nhóm nghiên cứu, khoán sản phẩm, đề xuất giải pháp chuyển đổi nhằm tháo gỡ khó về tài chính, kết nối hệ sinh thái khoa học công nghệ.
Dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 được Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì nghiên cứu xây dựng từ năm 2022.
Dự thảo Chiến lược đã được xây dựng và lấy ý kiến các bộ, ngành. Chiến lược được kỳ vọng sẽ đề xuất nhiệm vụ và giải pháp đột phá nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, đồng thời tận dụng những cơ hội và điều kiện thuận lợi sẵn có, chủ động đối mặt với những thách thức đặt ra đối với đội ngũ trí thức Việt Nam. Qua đó, phát huy sức mạnh của đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030.
Như Quỳnh