Mô phỏng thành phố Woven City sẽ có nhiều không gian ngoài trời. Ảnh: Woven by Toyota
Được thiết kế bởi Toyota, thành phố Woven City chỉ cách núi Phú Sỹ, Nhật Bản, vài kilomet và được xây dựng từ năm 2021, theo Sun. Thành phố tương lai này đóng vai trò như "phòng thí nghiệm sống" cho công ty để thử nghiệm các loại xe tự lái tiết kiệm năng lượng có biệt danh "E-palettes". 2.000 cư dân đầu tiên sẽ chuyển vào thành phố cuối năm nay trong nghiên cứu trị giá gần 10 tỷ USD nhằm tìm hiểu mô hình trong hành vi của lái xe và người đi bộ.
Khi ở trong thành phố thông minh, cư dân sẽ sống bên trong những ngôi nhà hoạt động gần như hoàn toàn bằng hydro, khiến đô thị này thân thiện với môi trường hết mức có thể. Mỗi nhà ở đều có pin mặt trời trên mái cùng công nghệ AI theo dõi sức khỏe bên trong nhà. Mọi phương tiện và nhà cửa đều được kết nối thông qua dữ liệu và cảm biến, theo giám đốc Toyota là Akio Toyoda. Các ngôi nhà chủ yếu xây từ gỗ sẽ bao gồm nhiều robot hỗ trợ đời sống thường ngày, giúp cư dân độc lập hơn. Theo Toyoda, xây dựng một thành phố hoàn chỉnh dù ở quy mô nhỏ như vậy là cơ hội độc đáo để phát triển công nghệ mới.
Đường phố sẽ được chia thành 3 loại gồm khu chỉ dành cho người đi bộ, đường cho xe cộ chạy nhanh và đường dành cho các phương tiện tốc độ thấp. Thành phố chỉ cho phép chạy phương tiện không khí thải, phương tiện đặc biệt dành cho người già và hỗ trợ người sử dụng xe lăn. Hình thiết kế hé lộ hình dạng giống mạng lưới của thành phố thử nghiệm với nhiều không gian ngoài trời để thúc đẩy giao lưu.
Toyota giao khâu thiết kế thành phố cho kiến trúc sư Đan Mạch Bjarke Ingels, người từng thực hiện nhiều dự án như trung tâm thương mại Two World, Nhà Lego ở Đan Mạch và trụ sở Mountain View của Google. "Công nghệ bắt đầu thay đổi nhanh chóng cách chúng ta sinh sống và đi lại trong thành phố. Những giải pháp kết nối, tự động, không khí thải và xe công cộng sẽ cung cấp nhiều cơ hội cho kiểu đời sống đô thị mới", Ingels chia sẻ.
Những cư dân chuyển đến Woven City bao gồm các gia đình, đôi vợ chồng về hưu, người bán lẻ tới nhà khoa học. Thành phố thử nghiệm nằm gần chân núi Phú Sỹ, núi lửa hoạt động lần cuối cách đây 300 năm. "Ba thế kỷ đã trôi qua từ sau vụ phun trào Hoei, có thể magma đang tích tụ. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi ngọn núi có thể phun trào bất cứ lúc nào", Toshitsugu Fujii, giáo sư về hưu ở Đại học Tokyo, bày tỏ lo ngại về một vụ phun trào có thể trở lại và ảnh hưởng đến cư dân tại thành phố thử nghiệm này.
An Khang (Theo Sun)