Thông tin được Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng nói tại hội nghị "Kết nối và hợp tác với các quỹ đầu tư trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo", tổ chức sáng 30/8.

Việc kêu gọi các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đồng hành cùng các chương trình hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nhằm thực hiện Nghị quyết số 20 về cơ chế chính sách hỗ trợ các dự án khởi nghiệp được HĐND TP HCM thông qua hồi tháng 11/2023. Theo đó, chính quyền TP HCM hỗ trợ không hoàn lại các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ba giai đoạn tiền ươm tạo, ươm tạo, tăng tốc với số tiền lần lượt 40 triệu, 80 triệu và 400 triệu đồng. Ngân sách hỗ trợ không chuyển trực tiếp cho startup mà thông qua các tổ chức ươm tạo cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp. Dự án khởi nghiệp dùng một phần số tiền hỗ trợ chi trả công lao động cho nhân sự, phần còn lại sử dụng dịch vụ hỗ trợ do vườn ươm cung cấp.

Hoi-nghi-hop-tac-quy-dau-tu-4195-1725000356.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Sv2U0S_aqEJOqcpXd-g0Jw

Khu vực trưng bày các sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp tại Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao TP HCM tháng 12/2023. Ảnh: SHTP-IC

Theo ông Dũng, đến nay Sở nhận được hơn 10 hồ sơ đăng ký hỗ trợ của các dự án khởi nghiệp song hầu hết không có đối ứng bên ngoài. Do đó cần thiết sự tham gia của các quỹ đầu tư cùng vườn ươm với vai trò đồng hành lựa chọn các dự án. Với vai trò đối ứng đầu tư tiền và sự chuyên nghiệp của các quỹ đầu tư sẽ có đánh giá tốt hơn các dự án khởi nghiệp. "Sự hợp tác này sẽ giúp tỷ lệ thành công cho các dự án khởi nghiệp cao hơn", ông Dũng nói và thêm rằng khi tham gia có sự đồng hành cùng nhà nước, chia sẻ nguồn lực các quỹ sẽ có cơ hội đầu tư nhiều dự án hơn.

Theo bà Phan Thị Quý Trúc, Phó phòng Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, thời gian qua đơn vị thiết kế các chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghiệp văn hóa, phát triển bền vững, công nghệ ứng dụng trong khu vực công... Dự kiến khoảng một năm tới Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM hỗ trợ 197 dự án, trong đó có 124 dự án tiền ươm tạo và ươm tạo, 73 dự án tăng tốc. "Các Quỹ hợp tác được coi là những nhà đầu tư tiếp theo của dự án sau khi nhà nước hỗ trợ", bà Trúc nói.

Ngoài đầu tư tài chính, các quỹ có thể tham gia hội đồng xét duyệt, nghiệm thu các dự án. Bà Trúc cho rằng "sự tham gia của quỹ, giúp nâng cao tính khả thi của dự án về yếu tố thương mại và mở rộng thị trường". Quỹ cũng có thể tham gia xây dựng mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, đầu tư mạo hiểm. Điều này giúp xác định lĩnh vực ưu tiên của từng nhà đầu tư và tổ chức ươm tạo với các dự án phù hợp sau khi hỗ trợ. "Với việc nhà nước hỗ trợ giai đoạn đầu sẽ giúp các quỹ mở rộng số lượng các dự án khởi nghiệp cần đầu tư. Một quỹ trước đây có thể đầu tư 10 dự án, nay có thể nâng lên 20 - 25 dự án khi hợp tác tham gia", bà Trúc nói.

Ông Vương Nhật Anh, đại diện Quỹ đầu tư DO Ventures, cho biết đơn vị hiện quản lý số vốn 50 triệu USD, hỗ trợ khoảng 30 startup công nghệ tại Việt Nam. Ông đánh giá cao các chính sách hỗ trợ nhà nước dành cho dự án khởi nghiệp và việc đặt vấn đề đối ứng từ các quỹ đầu tư là rất phù hợp.

Theo ông, các quỹ đầu tư khi đã xuống tiền phải có trách nhiệm giúp cho các startup gọi vốn thành công trong các vòng tiếp theo. Điều này giúp phía nhà nước có những kết quả tích cực sau khi hỗ trợ các dự án, làm cơ sở hỗ trợ nhiều startup khác sau này. "Quỹ sẽ cùng phối hợp các cơ quan nhà nước thực hiện thẩm định các dự án", ông nói. Các dự án chưa phải thời điểm phù hợp đầu tư, nhưng có tiềm năng, các quỹ có thể giới thiệu tham gia các chương trình hỗ trợ nhà nước, sau đó tìm thời điểm phù hợp đầu tư.

Đại diện Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Krisma, đề xuất nhà nước cần đồng hành tháo gỡ thủ tục hành chính cho các dự án khởi nghiệp. Ông nêu ví dụ, việc xin giấy phép kinh doanh thương mại điện tử mất nhiều thời gian từ 6 tháng đến một năm gây khó khăn. Do đó nhà nước cần có kênh hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về thủ tục hành chính.

Hà An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022