VNE-Chimp-2410-1716545323.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Xphv3CzUNwkNesQZ30z3dQ

Tinh tinh Natalia (trái) giữ xác con non trong lòng. Ảnh: Bioparc Valencia

Tinh tinh Natalia sinh một con non ở vườn thú Bioparc Valencia vào đầu tháng 2/2024, nhưng nó chết chỉ sau 14 ngày. Dù tỷ lệ tử vong sơ sinh cực cao ở tinh tinh, điều này có thể khiến cả đàn đau buồn bởi quan hệ xã hội và sự gắn kết trong đàn rất quan trọng với chúng. Cái chết gần đây của con non càng đáng ngại hơn bởi Natalia từng mất một đứa con khác năm 2018. Trong hơn 3 tháng kể từ sau đó, Natalia vẫn ôm xác con non đã qua đời, IFL Science hôm 23/5 đưa tin.

"Hiện nay, tình huống vẫn như vậy khi Natalia tiếp tục ôm xác con. Đây là một hành vi tự nhiên được ghi nhận ở loài này và các động vật có vú khác như cá voi hoặc voi", nhân viên truyền thông ở vườn thú chia sẻ.

Tinh tinh, họ hàng gần nhất với con người, là một trong vài loài có thể nhận thức về cái chết. Nhiều nghiên cứu chỉ ra tinh tinh phản ứng trước cái chết của thành viên trong đàn và thể hiện hành vi đau buồn. Hành vi của tinh tinh Natalia ở Bioparc Valencia cũng được bắt gặp trong tự nhiên. Khi nghiên cứu một đàn tinh tinh hoang dã ở đông nam Guinea, các nhà nghiên cứu nhận thấy hai con tinh tinh mẹ tên Jire và Vuavua mang xác của con non bên mình.

"Tinh tinh rất giống con người trong nhiều chức năng nhận thức: chúng đồng cảm với nhau, có cảm quan về tính công bằng và có thể hợp tác để đạt mục tiêu", Dora Biro, trưởng nhóm nghiên cứu kiêm nhà sinh vật học hành vi tiến hành quan sát, cho biết vào năm 2010. Theo Biro, tinh tinh nhận thức cái chết như thế nào là một câu hỏi thú vị. "Cho tới nay, rất ít dữ liệu quan tâm tới phản ứng của tinh tinh đối với cá thể thân thuộc hoặc có quan hệ họ hàng trong môi trường nuôi nhốt và ngoài tự nhiên. Quan sát của chúng tôi xác nhận có thể tồn tại sự gắn bó cực kỳ mật thiết giữa tinh tinh mẹ và con nó, kéo dài ngay cả sau cái chết của con non", Biro nói.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022