VNE-Hole-6239-1716369613.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Uc4xe-0GF5DJJwJ3OjEDvw

Bản đồ cánh đồng vệt lõm Sur ở đáy biển. Ảnh: MBARI

Ở ngoài khơi vùng Big Sur, California, bên dưới mặt biển là vô số miệng hố lớn nhỏ trên lớp đất sét, bùn sình và cát. Nhiều thập kỷ sau khi phát hiện những miệng hố, các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu thủy cung vịnh Monterey (MBARI) và Đại học Stanford cho rằng họ đã tìm ra nguyên nhân hình thành hàng loạt vòng tròn gây tò mò dưới đáy biển.

Theo giả thuyết phổ biến, vết lõm ở đáy biển là sản phẩm của khí methane hoặc thậm chí chất lưu nóng, chảy từ trong lòng Trái Đất hướng lên trên làm một phần trầm tích mịn bị trôi đi, để lại miệng hố. Tuy điều này có thể đúng với miệng hố dưới nước ở nơi khác trên thế giới, trường hợp ở đáy biển California lại khác, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Geophysical Research Earth Surface.

Cánh đồng vệt lõm Sur ở ngoài khơi California thuộc hàng lớn nhất Bắc Mỹ. Khu vực này có kích thước bằng Los Angeles và chứa hơn 5.200 miệng hố với kích thước trung bình rộng 175 m và sâu 5 m. Dự kiến nơi đây sẽ là một trang trại điện gió ngoài khơi tiềm năng, nhưng có nhiều lo ngại sự tồn tại của khí methane sẽ ảnh hưởng tới độ ổn định của cơ sở hạ tầng.

Trong chuyến thám hiểm gần đây tới Cánh đồng vệt lõm Sur nằm ở độ sâu 500 - 1500 m, một robot dưới nước do nhóm nghiên cứu MBARI điều khiển hầu như không tìm thấy bằng chứng về mạch khí methane hoặc dòng chất lưu khác. Thay vào đó, họ cho rằng vết lõm có thể hình thành do tác động của trọng lực. Những miệng hố lớn nằm ở sườn lục địa và mẫu vật đáy biển do robot thu thập hé lộ trầm tích trượt từng đợt xuống sườn dốc này trong ít nhất 280.000 năm qua. Lần trượt gần nhất xảy ra 14.000 năm trước, có thể do động đất hoặc sạt lở.

Các nhà nghiên cứu ở MBARI cho rằng sự kiện như vậy có thể dẫn tới xói mòn ở trung tâm mỗi vệt lõm. Khi một phần trầm tích đủ lớn trôi đi, quá trình xói mòn khiến vệt lõm mở rộng hơn. Đây có thể là nguyên nhân vệt lõm xuất hiện theo chuỗi.

"Chúng tôi thu thập một lượng lớn dữ liệu, giúp tìm ra mối liên hệ bất ngờ giữa vệt lõm và trầm tích trôi đi do trọng lực", kỹ thuật viên Eve Lundsten ở MBARI, cho biết. "Chúng tôi không thể xác định ban đầu những vệt lõm này hình thành như thế nào, nhưng với công nghệ tiên tiến của MBARI, chúng tôi đã thu được nhiều hiểu biết mới về lý do chúng tồn tại trên đáy biển suốt hàng trăm nghìn năm". Cánh đồng vệt lõm Sur là một trong những vùng đáy biển được nghiên cứu kỹ nhất ở phía tây Bắc Mỹ.

An Khang (Theo Science Alert)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022