1Matrix ra đời thông qua sự hợp tác giữa One Mount, Techcombank cùng các đối tác. One Mount là một trong những doanh nghiệp nhận nhiệm vụ làm chủ công nghệ, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm, tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam giữa tháng 1. Khi đó, Tổng giám đốc One Mount Nguyễn Thị Dịu cho biết công ty dự kiến đầu tư 200-500 triệu USD để xây hạ tầng chuỗi khối Make in Viet Nam. Mạng blockchain layer 1 này được thiết kế với cơ chế vận hành khai thác, tương tác và liên thông giữa các loại hình mạng chuỗi khối tại Việt Nam nhằm phục vụ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghệ số trên mọi lĩnh vực.
"Nhiều mạng blockchain quốc tế thuê lập trình viên, tổ chức sự kiện tại Việt Nam và phát token cho chính người Việt. Vậy sao chưa có mạng blockchain do người Việt tự thiết kế, vận hành và đưa vào ứng dụng thực tế?", ông Phan Đức Trung, Chủ tịch 1Matrix, đặt vấn đề trong buổi ra mắt công ty ngày 6/5.

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam sẽ nắm giữ vai trò chủ tịch 1Matrix. Ảnh: VBA
Lý giải sự cần thiết của mạng blockchain Việt, ông Trung cho rằng điều này xuất phát từ nhu cầu của thị trường, khi Việt Nam là quốc gia có chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa hàng đầu thế giới.
Theo số liệu của hai công ty thống kê Chainalysis và Triple-A, Việt Nam nằm trong top ba toàn cầu về chỉ số chấp nhận tài sản mã hóa, với hơn 17 triệu người sở hữu năm 2024. Trong ba năm, từ 2022 đến 2024, mỗi năm hơn 100 tỷ USD dòng vốn từ tài sản mã hóa chảy vào Việt Nam.
Nhắc đến blockchain, theo ông Trung, "Việt Nam có khoảng trống về chủ quyền công nghệ rất lớn". Ông lý giải, các dịch vụ công, dịch vụ tài chính, xác thực, truy xuất nguồn gốc, văn bản... đều có thể ứng dụng blockchain, nhưng chưa thể thực hiện vì các mạng blockchain gốc chủ yếu từ nước ngoài, phụ thuộc vào hạ tầng đám mây ở những nơi khác.
Trong bối cảnh đó, "việc làm chủ công nghệ không chỉ giúp Việt Nam chủ động phát triển kinh tế số, xã hội số, mà còn củng cố chủ quyền quốc gia về dữ liệu, an ninh thông tin, nâng tầm vị thế trên trường quốc tế", Chủ tịch 1Matrix nhấn mạnh.
Theo ông, Việt Nam từng có một số mạng blockchain layer 1, nhưng chưa phát triển như kỳ vọng. Do vậy, 1Matrix mong muốn xây dựng mạng blockchain Make in Viet Nam hoàn toàn mới, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.
Trên vai trò kiến trúc sư trưởng, ông Trung cho biết mạng blockchain này sẽ là hạ tầng số phi tập trung cho dữ liệu công, dịch vụ công, tài chính số và các ứng dụng sổ cái phân tán cho Việt Nam. "Tên chính thức của mạng sẽ do chính cộng đồng đặt", ông nói.
Theo chuyên gia công nghệ Nguyễn Thành Nam, một trong những nhà sáng lập FPT, sự xuất hiện của công nghệ blockchain là cầu nối hiện thực hóa hai mong muốn: vừa tập trung để quản lý hiệu quả, vừa phân tán để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro.
Ủng hộ tham vọng phát triển mạng blockchain Make in Viet Nam, ông cho rằng chỉ có những dự án lớn mới tập hợp được tài năng. "Phải có nhà máy thủy điện Hòa Bình sau đó mới có đội ngũ xây dựng nhà máy thủy điện ở khắp nơi. Phải có cầu Thăng Long sau đó mới có những cây cầu khác", ông nói. "Chúng ta đang thiếu những dự án lớn trong ngành công nghệ thông tin. Đây là cơ hội để các bạn trẻ thể hiện tài năng".
Trọng Đạt
- CEO Bybit: Sàn tiền số là cơ hội để nhân lực blockchain Việt tỏa sáng
- Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt đang phát triển thế nào?
- Kỹ sư Việt tham vọng tiến ra toàn cầu với pin cát