hue-da-1743858432-1570-1743858715.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=mbdE7L_uRlmTugMkPq_-lw

Huệ đá nhiều hoa - Peliosanthes multiflora. Ảnh: M.S. Nuraliev

Trong chuyến khảo sát sinh thái và đa dạng sinh học tại Rừng phòng hộ Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, đoàn nghiên cứu Việt - Nga đã phát hiện một loài thực vật mới thuộc chi Huệ đá (Peliosanthes), họ Măng tây (Asparagaceae). Nhóm nghiên cứu đặt tên là Huệ đá nhiều hoa (Peliosanthes multiflora) và công bố trên tạp chí Phytotaxa.

Theo các nhà khoa học, loài mới được xác định dựa trên phân tích, so sánh dữ liệu hình thái và đặc điểm sinh học. Huệ đá nhiều hoa là loài thực vật một lá mầm, thân thảo thường xanh, sống lâu năm trên cạn. Cụm hoa chùm dài tới 42 cm, mỗi đợt ra khoảng 100 hoa. Hoa có màu tím nâu với vài điểm xanh lục, các thùy bao hoa khi mở ra uốn cong hoàn toàn về phía sau. Quả chín có màu xanh coban, chứa 1-5 hạt.

Đến nay, các nhà khoa học chỉ ghi nhận hơn 10 cá thể Huệ đá nhiều hoa trong khu vực rừng lá rộng thường xanh thuộc Rừng phòng hộ Sông Hinh, ở độ cao 250 m so với mực nước biển.

Những phát hiện về loài thực vật mới tại Phú Yên đã củng cố thêm tầm quan trọng của khu vực rừng nhiệt đới vùng duyên hải Nam Trung Bộ, góp phần nâng cao giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam - một trong 16 trung tâm đa dạng sinh học cao trên thế giới. Các nhà khoa học đề xuất cần có giải pháp đồng bộ để bảo vệ các hệ sinh thái, cảnh quan và đa dạng sinh học cho khu vực này.

Rừng phòng hộ Sông Hinh là một phần kết nối với Khu văn hóa, lịch sử, môi trường Đèo Cả, với diện tích tự nhiên hàng chục nghìn hecta, có đặc trưng của khối núi đâm ngang ra biển, tạo nên bức tường án ngữ phía nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa. Đặc điểm địa hình đã tạo nên những giá trị độc đáo và nổi bật của hệ sinh thái và tài nguyên đa dạng sinh học, tài nguyên rừng cho khu vực này.

Nhật Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022