Các khối đất trên Trái Đất di chuyển với tốc độ trung bình khoảng 1,5 cm mỗi năm, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Như vậy, lục địa Australia đang dẫn đầu cuộc đua về tốc độ.

Australia-di-chuyen-1743848156-7674-1743848379.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8Tn6N7mj5NmK9-nEQpAzAg

Lục địa Australia di chuyển với tốc độ khoảng 7 cm mỗi năm. Ảnh: NewScientist

Về mặt kỹ thuật, "kẻ dẫn đầu" là mảng Indo-Australia, mảng kiến tạo gồm Australia đại lục, đảo Tasmania, các phần của New Guinea, New Zealand, và bồn trũng Ấn Độ Dương. Cuối cùng, sau vài chục triệu năm nữa, mảng Indo-Australia có thể va chạm với đáy mảng Âu-Á ở gần khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, hình thành cấu trúc lục địa mới mà một số chuyên gia gọi là Austrasia.

Điều này không phải chưa từng có tiền lệ. Cho đến 200 triệu năm trước, Australia vẫn nối liền với Gondwana, siêu lục địa khổng lồ chiếm phần lớn Nam Bán cầu. Trong cấu trúc này, mảng châu Phi, mảng Nam Cực, mảng Indo-Australia và mảng Nam Mỹ kết hợp với nhau. Trong khi đó, siêu lục địa Laurasia - gồm phần lớn châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ ngày nay - nằm ở Bắc Bán cầu.

Các lục địa trên Trái Đất luôn di chuyển, dù rất chậm. Con người không cảm nhận được điều này trong cuộc sống hàng ngày trên Trái Đất, nhưng bề mặt hành tinh thực chất không cứng chắc cố định. Các mảng kiến tạo liên tục di chuyển, một số lao vào nhau, số khác trôi ra xa. Thay vì một khối cầu đá rắn chắc, có thể hình dung Trái Đất như một con đường nứt nẻ trên một băng chuyền di chuyển chậm. Một số vết nứt mở rộng, số khác bị ép nhỏ lại, và toàn bộ bề mặt đang chuyển động, chỉ là với tốc độ quá chậm để con người thấy được.

Dù chậm theo tiêu chuẩn của con người, sự dịch chuyển các mảng kiến tạo vẫn đủ nhanh để khiến thiết bị công nghệ nhầm lẫn. Các công cụ định vị địa lý - như Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS) của Mỹ, GLONASS của Nga, Galileo của Liên minh châu Âu, và Bắc Đẩu của Trung Quốc - sử dụng vệ tinh để xác định vị trí so với các điểm tham chiếu đã biết. Tuy nhiên, những vệ tinh này hoạt động dựa trên hệ thống tọa độ cố định, trong khi các khối đất lại di chuyển. Qua thời gian, sự di chuyển này khiến vị trí trên bản đồ và vị trí trên thực tế không khớp nhau.

Australia từng sử dụng các tọa độ từ năm 1994. Nhưng đến năm 2017, sau 23 năm, chúng trở nên lệch khoảng 1,6 m so với mảng kiến tạo, buộc nước này phải cập nhật hệ thống. Thực tế, Australia đã di chuyển 1,8 m về phía đông bắc.

Thu Thảo (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022