VNE-Peru-1144-1716716427.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XNJ5Pjjc33Oa0utvbI8BPg

Thị trấn La Rinconada ở Peru nằm ở độ cao 4.900 m đến 5.200 m trên dãy Andes. Ảnh: Wikimedia

Trên thế giới, hơn 80 triệu người sống ở độ cao ít nhất 2.500 m so với mực nước biển, chủ yếu ở Nam Mỹ, Trung Á và Đông Phi. Một số khu định cư lâu dài cao nhất thế giới bao gồm Wenquan ở tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc (4.870 m) và Korzok ở Ấn Độ (4.572 m) so với mực nước biển. Tuy nhiên, có một khu định cư cao hơn cả hai nơi này. Nằm trên Andes ở Peru là một thị trấn có biệt danh "Thiên đường của quỷ". Tên gọi chính thức của thị trấn là La Rinconada, 50.000 cư dân ở đó sống ở độ cao từ 4.900 đến 5.200 m so với mực nước biển, trở thành khu định cư lâu dài cao nhất trên Trái Đất, theo Live Science.

Cuộc sống ở La Rinconada cực kỳ khó khăn, không có nước sinh hoạt, hệ thống cống rãnh hay xử lý rác. Thức ăn nhập từ những vùng ở độ cao thấp hơn và điện mới chỉ được lắp đặt trong thị trấn vào năm 2000. Thị trấn nổi tiếng với hoạt động đào vàng, khởi đầu như một khu định cư khai thác mỏ tạm thời cách đây hơn 60 năm. Nhưng cái giá để khai thác vàng là cư dân phải sống trong điều kiện cực hạn với áp suất oxy bằng một nửa so với ở mực nước biển.

Nếu không sinh ra ở độ cao lớn và quen đi lại ở vùng cao như La Rinconada, một trong những thay đổi đầu tiên mà bạn sẽ nhận thấy là nhịp thở và nhịp tim tăng lên. Đó là do có ít oxy hơn trong không khí, vì vậy phổi và tim cần hoạt động vất vả hơn để nuôi dưỡng các mô. "Khi bạn ở độ cao khoảng 4.500 m, hơi thở giống như bạn trải qua ở mực nước biển chỉ chứa khoảng 40% phân tử oxy, đó là một áp lực lớn", Cynthia Beall, giáo sư danh dự ngành nhân chủng học ở Đại học bảo tồn Case Western tại Ohio, cho biết.

Đầu tiên, tỷ lệ hemoglobin, protein trong tế bào hồng cầu vận chuyển oxy trong máu sẽ sụt giảm. Độ cao càng lớn, tất cả phản ứng càng mạnh. Một số người có thể mắc hội chứng gọi là say núi cấp tính (AMS) khi cơ thể tìm cách thích nghi với lượng oxy thấp hơn. Điều này có thể gây ra triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, nôn mửa và mất khẩu vị.

Thông thường, sau khoảng 1 - 2 tuần ở độ cao lớn, nhịp tim và nhịp thở của con người sẽ giảm đôi chút do cơ thể bắt đầu tạo ra nhiều tế bào hồng cầu hơn và hemoglobin để bù đắp cho lượng oxy thấp trong không khí. Tuy nhiên, người dân ở La Rinconada dường như thích nghi với môi trường nồng độ oxy thấp theo nhiều cách. "Có nhiều bằng chứng từ khắp nơi trên thế giới cho thấy thể tích phổi tăng ở những người tiếp xúc với độ cao lớn, đặc biệt là trước tuổi thanh thiếu niên", Beall nói.

Ví dụ, người dân sống trên dãy Andes thường có nồng độ hemoglobin trong máu cao. Dù điều này cho phép họ mang nhiều oxy hơn trong máu, nó cũng khiến họ dễ mắc hội chứng mang tên say núi mãn tính (CMS), xảy ra khi cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào hồng cầu. CMS có thể xảy ra với người sống ở độ cao trên 3.050 m trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, gây ra triệu chứng như mệt mỏi, hụt hơi và đau nhức. Ước tính khoảng 1 trong 4 người ở La Rinconada mắc CMS. Cách điều trị CMS tốt nhất là chuyển xuống độ cao thấp hơn, theo Tatum Simonson, phó giáo sư y khoa ở Đại học California, San Diego.

Tuy nhiên, đây không phải giải pháp khả thi đối với người kiếm sống trong vùng. Trích máu tĩnh mạch thường xuyên và uống một loại thuốc tên acetazolamide làm giảm sản xuất tế bào hồng cầu, có thể hỗ trợ bệnh nhân mắc CMS, dù giới nghiên cứu chưa rõ độ an toàn và hiệu quả của những biện pháp trên về lâu dài.

An Khang (Theo Live Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022