Nhiều nơi trên thế giới đang trải qua nhiệt độ nguy hiểm. Ảnh: Sorn340 Studio Images
Nghiên cứu của giáo sư Lewis Halsey và cộng sự ở Đại học Roehampton, Anh, xác định nhiệt độ tới hạn đối với con người nhiều khả năng nằm trong khoảng 40 - 50 độ C. Họ đang tiến hành nghiên cứu sâu hơn để lý giải sự gia tăng tiêu hao năng lượng trao đổi chất ở nhiệt độ cao, Eurek Alert hôm 6/7 đưa tin.
Nhóm nghiên cứu của giáo sư Halsey nhận thấy tỷ lệ trao đổi chất khi nghỉ ngơi, thước đo mức năng lượng cơ thể người tiêu thụ để duy trì hoạt động ở mức tối thiểu, có thể cao hơn khi tiếp xúc với điều kiện nắng nóng và độ ẩm cao. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành về dải nhiệt mà các loài vật khác nhau có thể tồn tại để tốc độ trao đổi chất ở mức tối thiểu và tiêu hao năng lượng ở mức thấp. Nhưng có rất ít thông tin liên quan tới con người khi xem xét giới hạn trên của vùng nhiệt trung tính, theo giáo sư Halsey.
Việc hiểu rõ nhiệt độ mà tại đó tốc độ trao đổi chất của con người bắt đầu tăng lên và mức nhiệt chênh lệch ở mỗi người có nhiều ý nghĩa đối với điều kiện công việc, thể thao, y tế và du lịch quốc tế. "Nghiên cứu này cung cấp hiểu biết cơ bản về cách chúng ta phản ứng với môi trường kém thuận lợi và điều kiện tối ưu thay đổi ra sao giữa từng người với đặc điểm khác nhau", giáo sư Halsey cho biết.
Nhiệt độ toàn cầu tăng cao tới mức trung bình 17,18 độ C từ kỷ lục trước đó là 17,01 độ C. Nhiều khả năng tháng 7 sẽ là tháng nóng nhất từng được ghi nhận từ thời kỳ Eemian cách đây 120.000 năm, theo tiến sĩ Karsten Haustein, nghiên cứu sinh về bức xạ khí quyển ở Đại học Leipzig.
"Chúng tôi đang xây dựng bức tranh về cách cơ thể phản ứng với ứng suất nhiệt, mức độ thích nghi và giới hạn thích nghi của mỗi cá nhân trong thế giới đang ấm lên", giáo sư Halsey nói.
An Khang (Theo IFL Science)