VNE-Kill-9710-1726131427.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fftr0B8grH6eFu65EYuBmg

Nhà máy đúc của Ford ở Flat Rock, Michigan. Ảnh: Joe Clark

Williams là một công nhân 25 tuổi ở nhà máy đúc của Công ty Motor Ford tại Flat Rock, Michigan. Vào ngày 25/1/1979, anh làm việc bên hệ thống thu gom bộ phận chuyên chuyển sản phẩm đúc từ đầu này tới đầu kia của nhà máy. Nghi ngờ trục trặc xảy ra khi cỗ máy hoạt động chậm, Williams nhảy lên tầng thứ 3 của kệ hàng, tại đó anh bị cánh tay cơ khí đập vào từ phía sau và đè nghiến.

Một báo cáo từ hồ sơ pháp lý cho thấy robot tiếp tục làm việc khi Williams tử vong cho tới khi các đồng nghiệp của anh phát hiện chuyện gì đã xảy ra 30 phút sau. Tai nạn diễn ra do hệ thống robot nhầm lẫn người công nhân với đồ vật bất động cần loại khỏi kho lưu trữ.

Năm 1983, gia đình Williams kiện thành công nhà sản xuất cỗ máy là công ty Litton Industries với lý do không lắp đặt đủ thiết bị an toàn ở những khu vực cánh tay robot di chuyển với lực tác động đáng kể. Họ nhận được 10 triệu USD tiền đền bù. Sau khi quá trình kiện tụng kéo dài thêm, khoản chi trả tăng lên 15 triệu USD năm 1984.

Đây là thời kỳ các ngành công nghiệp bắt đầu tích hợp nhiều hệ thống tự động và robot hơn vào dây chuyền ở nhà máy, kéo theo một loạt mối đe dọa mới đối với an toàn ở nơi làm việc. Chỉ hai năm sau cái chết của Williams, một tai nạn tương tự xảy ra ở Nhật Bản. Năm 1981, Kenji Urada, công nhân 37 tuổi ở nhà máy của Kawasaki Heavy Industries tại Akashi, tử vong do cánh tay cơ khí trong lúc kiểm tra robot bị trục trặc. Anh vô tình bật robot sau khi nhảy qua rào chắn an toàn dạng lưới mắt cáo trong nhà máy.

Trong cuốn sách When Robots Kill: Artificial Intelligence Under Criminal Law, Gabriel Hallevy, giáo sư luật hình sự người Israel, giải thích robot nhận định công nhân như mối đe dọa đối với nhiệm vụ của nó và tính toán cách hiệu quả nhất để loại bỏ nguồn đe dọa là đẩy công nhân vào cỗ máy cạnh đó. Sử dụng cánh tay thủy lực cực mạnh, robot đập mạnh nạn nhân vào cỗ máy đang vận hành khiến người đó chết ngay lập tức, sau đó nó tiếp tục hoạt động mà không có bất kỳ trở ngại nào.

Nhiều trường hợp tử vong như vậy được ghi nhận trong những thập kỷ sau đó. Một nghiên cứu vào năm 2023 xác nhận ít nhất 41 ca tử vong do robot ở Mỹ từ năm 1992 đến năm 2017, với gần một nửa tai nạn xảy ra ở vùng trung tây, khu vực gắn liền với các ngành sản xuất và công nghiệp nặng. Điều này dấy lên nhiều câu hỏi về mặt đạo đức và pháp lý vốn đã phức tạp trong thế giới trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phát triển ngày nay. Hầu hết học giả cho rằng con người cần chịu trách nhiệm về mặt đạo đức đối với những cỗ máy và hệ thống AI mà họ tạo ra.

An Khang (Theo IFL Science)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022