VNE-Ve-9228-1721381106.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=l-EcAxpRmnGYyZjGmEClAg

Mô phỏng phương tiện USDV ghép nối với trạm ISS. Ảnh: SpaceX

Phương tiện hồi quyển của SpaceX sẽ chỉ đẩy Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) vào khí quyển Trái Đất 12 - 18 tháng sau khi tổ hợp này trôi dần khỏi quỹ đạo thông thường. "Chúng tôi sẽ để phi hành đoàn ở trên trạm lâu nhất có thể, vì vậy họ sẽ có mặt để bảo dưỡng trạm và giữ cho nó hoạt động", Dana Weigel, quản lý chương trình ISS của NASA, cho biết trong buổi họp báo trực tuyến về kế hoạch hồi quyển hôm 17/7. "Kế hoạch của chúng tôi là để phi hành gia rời đi khoảng 6 tháng trước quá trình hồi quyển cuối cùng, khi ISS hạ tới độ cao khoảng 220 km phía trên mặt đất". Quỹ đạo thông thường của ISS là 400 km phía trên Trái Đất.

Dù ISS sẽ được thay thế vào thập niên 2030, NASA cho biết cần một thời gian dài để phòng thí nghiệm trên quỹ đạo chính thức ngừng hoạt động. NASA lựa chọn phương tiện hạ quỹ đạo tháng trước và thông báo sẽ chi 843 triệu USD để SpaceX phát triển tàu (không bao gồm chi phí phóng). Cơ quan này rút ra lựa chọn sau khi yêu cầu cộng đồng hàng không vũ trụ gửi đề xuất hồi tháng 3/2023 và tháng 9/2023 cho tàu hạ quỹ đạo (USDV), thiết kế có thể kéo những module của Mỹ trên trạm ISS.

Tàu hạ quỹ đạo của SpaceX sẽ dựa trên thiết kế tàu vũ trụ Dragon của công ty. Mẫu tàu này chở hàng lên ISS từ năm 2012 và đưa phi hành đoàn lên trạm từ năm 2020. Phần thân của tàu sẽ được nâng cấp, có thêm bình nhiên liệu đẩy cùng với động cơ, hệ thống điện tử hàng không, bộ phận sản xuất điện và nhiều trang bị khác phù hợp nhiệm vụ phức tạp, theo Sarah Walker, giám đốc quản lý nhiệm vụ Dragon tại SpaceX.

SpaceX đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của trạm ISS. Công ty của tỷ phú Elon Musk hưởng lợi từ chiến lược hội nhập theo chiều dọc (sở hữu nhiều chuỗi cung cấp cần thiết để phóng vào vũ trụ) mà đối thủ cạnh tranh không có. SpaceX không chỉ chở cả người và hàng hóa lên ISS mà còn ký hợp đồng để tàu Starship đưa phi hành gia lên Mặt Trăng. Cách tiếp cận của SpaceX tăng đáng kể khả năng tạo ra một USDV độ tin cậy cao, giảm thiểu phát triển và thử nghiệm mới, giảm rủi ro cung cấp muộn và tăng tiềm năng vận hành thành công.

Hiện nay, phần lớn các nước đồng vận hành trạm ISS cam kết hoạt động đến năm 2030, trong khi Nga cho biết sẽ ở lại trạm ít nhất tới năm 2028. Nhà chức trách NASA nhấn mạnh thời gian trạm ISS ngừng hoạt động phụ thuộc vào trạm vũ trụ thương mại thay thế sẽ sẵn sàng khi nào. Một loạt công ty đang xây dựng trạm thương mại. Ví dụ, Axiom Space lên kế hoạch đưa module lên trạm ISS trước khi tách ra và bay tự do, tạo thành trạm Axiom.

An Khang (Theo Space)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022