Thông điệp được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ tại buổi làm việc với Viện Khoa Học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST), ngày 20/5. Đây là cuộc tiếp theo trong chuỗi gặp gỡ của ông với các đơn vị thuộc Bộ, nhằm tháo gỡ khó khăn của đơn vị và đưa ra định hướng phát triển của ngành.
VKIST là tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, được Chính phủ thành lập năm 2015 nhằm xây dựng mô hình nghiên cứu ứng dụng mới tại Việt Nam, phục vụ mục tiêu phát triển công nghiệp sản xuất trong nước dựa theo mô hình KIST của Hàn Quốc. Đơn vị này mới chuyển về trụ sở tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc năm 2023. Đến thăm Viện, Bộ trưởng đánh giá cơ quan đang có những lợi thế về cơ sở hạ tầng, nhưng thành tựu còn khiêm tốn. Ông đề nghị Viện và những người làm khoa học công nghệ cần có giấc mơ lớn, làm những việc lớn cho Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong buổi làm việc tại Viện VKIST, ngày 20/5/2025. Ảnh: Lưu Quý
"Người làm khoa học, công nghệ cần chọn giấc mơ lớn"
Bộ trưởng nhấn mạnh Viện là đơn vị nhà nước, vì vậy cần làm những việc lớn hơn các doanh nghiệp. "Thế nào là lớn? Công nghệ, sản phẩm đó phải tạo ra ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội", ông nói.
Ông cũng nhắc lại thông điệp tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ hôm 16/5 về chuyện ngày xưa, giấc mơ, khát vọng của con người lớn hơn nhiều so với những gì họ đang có trong tay. "Ngày nay, chúng ta giàu có hơn, có nhiều thứ trong tay hơn, có nhiều công cụ hơn thì giấc mơ phải lớn hơn ngày xưa, lớn hơn rất nhiều so với những gì đang có". Khi đó, con người sẽ lại có được tinh thần ngày xưa và phụng sự nhiều hơn.
Trước thắc mắc của một cán bộ tại VKIST về việc làm sao để làm việc lớn trong bối cảnh nhiều lĩnh vực Việt Nam chưa có kinh nghiệm, khó thu hút tổng công trình sư, Bộ trưởng khẳng định: "Công nghệ không phải của tổng công trình sư, mà là của thử - sai nhiều lần". Ông lấy ví dụ về những quốc gia có thể tạo các công nghệ mới, hay tại Việt Nam đã có những đơn vị làm chủ được một số công nghệ trong tên lửa, xe điện, trong khi đây là những công nghệ khó có thể nhận chuyển giao.
Bộ trưởng cũng nhắc lại câu nói của một nhà khoa học rằng "Việt Nam chỉ lớn nếu có ước mơ lớn, chứ không phải các nhà nghiên cứu lớn". Vì vậy, không nên đặt nặng bài toán tìm tổng công trình sư, bởi nếu không có thì sẽ không làm được. "Nhưng thử và sai thì ai cũng làm được", ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng làm việc tại Viện VKIST, ngày 20/5/2025. Ảnh: Lưu Quý
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thế giới phẳng như hiện nay, lợi thế của VKIST là hiểu về mạng lưới quốc tế, vì vậy cần chọn những gì mang tính ảnh hưởng rộng để làm. Người làm cần có kỹ năng phân rã bài toán to thành bài toán nhỏ. Khi đó có thể chia nhỏ để xử lý rồi tổng hợp ra kết quả.
Ông cũng nhắn nhủ các kỹ sư, nhà nghiên cứu "không sợ, cứ làm rồi bản thân sẽ trở thành những tổng công trình sư trong lĩnh vực". "Khi có giấc mơ lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó, lại có tiền nữa, chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam, và qua đó khoa học công nghệ của nước nhà phát triển, đất nước phát triển", ông nói.
Thời gian qua, VKIST đã nghiên cứu thành công một số công nghệ, giải pháp mới, trong đó có những công nghệ được ứng dụng thực tế và mang lại giá trị hàng chục tỷ đồng, nhưng cũng có công nghệ nhiều tiềm năng chưa được thương mại hóa. Bộ trưởng lưu ý các đơn vị trong Bộ cần quan tâm đến thương mại hóa công nghệ. Đây cũng là một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Dự thảo cho phép người nghiên cứu hưởng 30% giá trị nghiên cứu khi thương mại hóa. Ông đề nghị các đơn vị có thể cho những người có đóng góp vào việc thương mại hóa hưởng 10-20% giá trị, trong giai đoạn cần đẩy mạnh hiện nay. "Nghiên cứu đóng góp cho đất nước 1%, nhưng khi đưa vào ứng dụng, hay đổi mới sáng tạo có thể đóng góp 3%", ông nói.
Bộ trưởng cũng nhắc lại một đường hướng mới của Bộ Khoa học và Công nghệ là làm chủ công nghệ thông qua làm chủ sản phẩm. Bên cạnh phát triển công nghệ, ông đề nghị Viện cần quan tâm tới việc tạo ra sản phẩm, bởi đây là cách giúp công nghệ ngay lập tức ra thị trường.
"VKIST phải tạo ra sự khác biệt"
Tại cuộc gặp Bộ trưởng, Viện trưởng VKIST Vũ Đức Lợi cho biết thời gian qua, Viện có 23 bài báo quốc tế, 10 bài báo trong nước, 10 sáng chế và 16 công nghệ sẵn sàng chuyển giao thương mại hóa. Từ giữa 2024, có ba công nghệ được đưa vào hoạt động của một số doanh nghiệp, trong đó có công nghệ giúp mang về doanh thu ước đạt 80 tỷ đồng/năm.
Năm nay, Viện đặt mục tiêu thu về 40 tỷ đồng từ các hoạt động nghiên cứu công nghệ, đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của dự án với Hàn Quốc, tập trung vào mảng vi mạch bán dẫn. Trong giai đoạn 2026-2030, Viện dự kiến tập trung nghiên cứu công nghệ trong hai lĩnh vực là pin thứ cấp và cánh tay robot, thông qua hợp tác với chính phủ Hàn Quốc.

Viện trưởng VKIST Vũ Đức Lợi trong buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ngày 20/5/2025. Ảnh: Lưu Quý
Đánh giá cao mục tiêu của Viện, Bộ trưởng lưu ý Viện cần đo lường, đánh giá, thương mại hóa toàn bộ vòng đời của công nghệ. Ông giao mục tiêu cho Viện tính đến hết năm 2025, các công nghệ của họ cần đóng góp cho doanh nghiệp và nền kinh tế ít nhất 500 tỷ đồng, tức khoảng 20 triệu USD.
Là đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, VKIST cũng được lưu ý phải tạo ra sự khác biệt "so với hàng nghìn viện khác đã có", đặc biệt đóng góp vào các công nghệ có sức ảnh hưởng lớn. Bên cạnh danh mục công nghệ chiến lược mà Bộ đang xây dựng, Bộ trưởng gợi mở các hướng đi Viện có thể nghiên cứu để tạo ra giá trị cao, như blockchain, robot, AI.
Gửi lời cảm ơn đến Hàn Quốc đã đóng góp cho sự ra đời của Viện, Bộ trưởng lưu ý VKIST cần có nỗ lực tương xứng, có đóng góp vào quan hệ Việt - Hàn, mang lại giá trị cho cả hai bên bằng cách hỗ trợ nghiên cứu, mang công nghệ đi ứng dụng tại Hàn Quốc, hay thậm chí đặt hàng các đơn vị của Hàn Quốc tham gia giải các bài toán Việt Nam.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh VKIST phải mang "hồn cốt, lõi của Việt Nam". Ông đề nghị trong giai đoạn tiếp theo, Viện đầu tư, nghiên cứu cần dựa trên định hướng của quốc gia, bộ ngành.
Lưu Quý