Tranh khảm mô tả các con vật được phát hiện tại một khu đất nông nghiệp ở Dải Gaza. Ảnh: AFP
Bức tranh được tìm thấy tình cờ khi một nông dân Palestine đang cày xới đất ở Bureij, cách biên giới với Israel gần một km. Nó có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 7 nhưng vẫn trong tình trạng bảo tồn hoàn hảo.
"Đó là tác phẩm có chất lượng tuyệt vời. Họ đã sử dụng những vật liệu tương đối đắt tiền để lắp ghép tranh khảm", thành viên nhóm khai quật Rene Elter, một nhà nghiên cứu liên kết với Trường Kinh thánh và Khảo cổ học của Pháp tại Jerusalem, cho biết.
Bức tranh có thể là một phần trang trí dưới sàn nhà của một nhà thờ hoặc biệt thự tư nhân. Đây là khám phá mới nhất trong loạt phát hiện khảo cổ thời Đế quốc Đông La Mã ở Gaza trong những năm gần đây.
Hồi tháng Giêng, phần còn lại của một nhà thờ từ thế kỷ thứ 5 đã được ra mắt công chúng ở thành phố Jabaliya, phía bắc Dải Gaza, sau một dự án trùng tu kéo dài ba năm.
Bức tranh ghép từ vật liệu tương đối đắt tiền được bảo quản hoàn hảo cho đến nay. Ảnh: AFP
Thời kỳ Đế quốc Đông La Mã hay Byzantine là một khoảng thời gian giàu có và bùng nổ về nghệ thuật kiến trúc với nhiều nhà thờ và tượng đài được xây dựng. Tuy nhiên, Dải Gaza đương thời thì nghèo đói với dân cư đông đúc. Khoảng 2,3 triệu người hiện sống trong lãnh thổ bị Israel phong tỏa kể từ năm 2007 sau khi phiến quân Hamas lật đổ những người trung thành với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Dải Gaza được xem là một trong những nơi sinh sống lâu đời nhất trên Trái Đất và là quê hương của khoảng 18 nền văn minh trong suốt lịch sử. Khu vực này chứa đầy những cổ vật chưa được khám phá, nhưng đòi hỏi các dự án với nguồn kinh phí khổng lồ cũng như các công cụ đặc biệt để khai quật, theo nhà sử học Palestine Ghassan Wishah, người đứng đầu Khoa Lịch sử và Khảo cổ học tại Đại học Hồi giáo Gaza.
Đoàn Dương (Theo AFP)