Tự quyết định theo học nghề, Nguyễn Thị Thu Thảo (SN 2000, quê tỉnh Kiên Giang) đã và đang chứng minh lựa chọn của mình là đúng đắn. Thảo có nhiều cơ hội và trải nghiệm giúp cô thật sự khám phá hết khả năng của mình.

Tự tin với hướng đi riêng

Học xong lớp 9, Thu Thảo khăn gói lên TP HCM tìm việc làm phụ giúp gia đình. Ròng rã 2 năm bươn chải qua đủ việc như phục vụ quán ăn, bán hàng..., Thảo quyết định phải tạo lập tương lai bền vững hơn.

11-anh-bai-chot-1--1664630023593161656876.jpg

Thu Thảo đã gặt hái những kết quả đáng tự hào trên hành trình học nghề. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Qua tìm hiểu kỹ lưỡng, năm 2019, Thảo bắt đầu theo học ngành quản trị khách sạn tại Trường Trung cấp Việt Giao (quận 10, TP HCM). Dù cả nhà gợi ý quay lại học xong cấp 3 nhưng Thảo cho rằng bắt đầu học nghề ngay thời điểm đó sẽ tốt hơn vì rút ngắn thời gian học tập và ra trường tìm việc làm.

Bên cạnh kiến thức, ngành của cô đòi hỏi sự tự tin, kỹ năng giao tiếp và đặc biệt là ngoại ngữ. Ngoài giờ lên lớp, Thảo chăm chỉ học tiếng Anh, gặp gỡ nhiều người, rèn luyện khả năng ứng xử.

Tại hội thi "Học sinh, sinh viên giỏi nghề" lần thứ 12 - năm 2020 do Thành Đoàn TP HCM phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, Nguyễn Thị Thu Thảo xuất sắc đoạt giải nhất - ngành lễ tân.

Từng nghe những đánh giá không hay về chuyện học nghề song Thu Thảo cho rằng bằng sự phấn đấu học tập, làm việc hiệu quả sẽ dần xóa bỏ định kiến: "Tôi hiểu rõ bản thân cần gì và có thể làm gì. Tôi tự tin với lựa chọn học nghề. Có nhiều cánh cửa để vào đời. Quan trọng là biết điều gì phù hợp với mình. Tương lai phía trước vẫn đang rộng mở".

Đó cũng là suy nghĩ của Quách Thành Long (SN 2001, quê Kon Tum). Chàng trai Gen Z vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Công Thương Việt Nam (tiền thân là Trường Cao đẳng nghề Công Thương Việt Nam) hồi tháng 8-2022, chuyên ngành công nghệ kỹ thuật ôtô.

11-anh-bai-chot-2-1664630023617594167145.jpg

Thành Long (hàng dưới, thứ 6 từ trái qua) trong chuyến đi thực tập ở nhà máy. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ba năm trước, khi phần lớn bạn bè muốn vào đại học, dù học lực khá song Thành Long vẫn quyết rẽ sang hướng khác. Anh chia sẻ: "Tôi muốn tiếp xúc sớm với những kỹ thuật, thiết bị và công nghệ để có tay nghề thành thạo, ứng dụng ngay vào thực tế. Nắm chắc nghề trong tay là có thể kiếm sống một cách chân chính".

Nghiêm túc học lý thuyết, say mê thực hành, vừa ra trường, Thành Long đã được nhận vào vị trí tư vấn, sửa chữa ở một doanh nghiệp kinh doanh, sửa chữa ôtô.

Xác định rõ đam mê, sở thích

Với không ít bạn trẻ mong muốn nâng cao năng lực chuyên môn lẫn bằng cấp thì yếu tố thuận lợi là nhiều trường nghề ở nước ta hiện nay đều có chương trình đào tạo liên thông lên các bậc cao hơn và đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Nhiều trường nghề ghi dấu ấn đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao, chuyên nghiệp, tâm huyết, đủ bản lĩnh và năng lực hội nhập cho thị trường lao động trong nước lẫn hải ngoại.

Tại các quốc gia phát triển trên thế giới, giáo dục nghề nghiệp được xem là định hướng của xã hội nhằm nâng cao năng suất lao động, giúp người trẻ sớm ổn định cuộc sống. Tại Việt Nam, sau giai đoạn dài "thừa thầy thiếu thợ", nhận thức xã hội đã có những biến chuyển. Mặt khác, thị trường lao động luôn đòi hỏi đa dạng ở các bậc học sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc sau đại học. Ngày càng nhiều bạn trẻ chọn học nghề để làm lối dẫn xây dựng sự nghiệp sớm, tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đúng sở trường bản thân, hoàn cảnh gia đình và nhu cầu xã hội.

ThS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, nhận định: "Bằng cấp không phải là con đường ngắn nhất đi đến thành công mà tay nghề cao mới là con đường ngắn nhất. Dù không phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mang lại từ môi trường giáo dục đại học nhưng chắc chắn đó không phải là con đường phù hợp cho tất cả. Thay vì cố sức vào cuộc chạy đua "đại học", các bạn trẻ nên xác định rõ đam mê, sở thích và chọn trường vừa sức, phù hợp khả năng, có điều kiện đào tạo tốt chuyên ngành mình lựa chọn".

Tháng 12-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nhấn mạnh phát triển giáo dục nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phấn đấu đến năm 2030, thu hút 50%-55% học sinh tốt nghiệp THCS, THPT vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. 

Báo cáo chỉ số kỹ năng toàn cầu của Coursera (năm 2021) nhấn mạnh kỹ năng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp người lao động bắt kịp với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra cùng với đại dịch. Các quốc gia dẫn đầu về những chỉ số kinh tế cho thấy mức độ thông thạo kỹ năng tổng thể cao hơn. Báo cáo cũng cho rằng Chính phủ các nước đều có khả năng phục hồi và kinh tế phát triển nhờ lực lượng lao động có tay nghề cao.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022