Diễn đàn khai mạc chiều 1/10, với chủ đề "Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước phục hồi và phát triển sau đại dịch". Tại sự kiện nhiều đoàn viên, thanh niên, các startup và nhà đầu tư đã có dịp đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Những giải pháp để thanh niên khởi nghiệp tham gia giải quyết những bài toán lớn của kinh tế đất nước cũng được nêu trong diễn đàn.

Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, thanh niên Việt Nam có nhiều thuận lợi trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 70 thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu tăng, nhiều chỉ số có cải thiện.

Hiện cả nước có 20 quỹ khởi nghiệp sáng tạo với quy mô 100 tỷ đồng, song vẫn cần mở rộng và thu hút dòng vốn từ nước ngoài. Bên cạnh đó, đầu tư cho nghiên cứu khoa học còn khiêm tốn, mới chỉ chiếm 0,37% (trên GDP), nguồn nhân lực với kỹ năng tiếp thu công nghệ vẫn còn hạn chế. Theo đó, ông Đông đề nghị các đại biểu chỉ rõ thực trạng, vướng mắc và kiến nghị các giải pháp đột phá, các bộ, ngành sẵn sàng nghe ý kiến để hoàn thiện và đưa ra kế hoạch.

-5303-1664637132.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DSAcCffup6omBbnJvzlazg

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (bìa phải) cùng các đại biểu tham gian hàng khởi nghiệp tại sự kiện. Ảnh: BTC

Trả lời câu hỏi liên quan đến chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Đông cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lên kế hoạch chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho 100 doanh nghiệp startup nhỏ và vừa toàn bộ chi phí giải pháp và tư vấn chuyển đổi số đến năm 2025.

Đặt câu hỏi cho đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Lê Duy Hoàng (Thanh Hóa) cho biết, đang phát triển dự án tận dụng phế phẩm vỏ dứa để tạo ra sản phẩm sử dụng trong hộ gia đình. Hiện anh Hoàng có nhận sự hỗ trợ từ trung tâm đổi mới sáng tạo các vườn ươm, tuy nhiên chưa phân biệt vườn ươm uy tín. Anh Hoàng kiến nghị, cần có xếp hạng đánh giá các đơn vị này, đồng thời mong muốn được hiểu hơn về đổi mới sáng tạo mở.

Còn Phạm Quốc Dũng, đại diện quỹ ThinkZone Ventures đề cập một số thách thức như vốn đầu tư, qua đó đề xuất cần có hành lang thông thoáng hơn trong việc nhận đầu tư nước ngoài, thủ tục rút vốn, thoái vốn và chuyển vốn nhanh.

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết từ năm 2018 đến nay, đã có ba trung tâm đổi mới sáng tạo vùng Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM được thành lập. Gần đây, các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cũng hình thành tại nhiều trường như ĐH Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TP HCM và nhiều hoạt động trong trường đại học.

Ông cho biết thực tế nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần có sự hỗ trợ kinh phí từ nhà đầu tư thiên thần, kinh doanh, thị trường. Ông gợi ý cách nhanh nhất để có thể tiếp cận là tới hệ thống cổng thông tin từ Cục thị trường phát triển doanh nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ) hay Cục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để tìm kiếm được thông tin phù hợp.

Thứ trưởng Tùng chỉ ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở được lấy kinh nghiệm từ Singapore, ở đó các tập đoàn công ty tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, đặt hàng giải quyết vấn đề và sử dụng ngay trong chính hệ sinh thái này. "Đây là con đường nhanh nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, startup đến thành công, thậm chí hình thành doanh nghiệp đổi mới sáng tạo mới", ông nói.

Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết ông có cách tiếp cận khác và mong muốn người trẻ cần phân biệt được tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và làm doanh nghiệp.

Ông cũng khuyên các bạn trẻ đừng nên đi một mình, hãy kết nối vòng tròn hỗ trợ và trao đổi với nhau. "Phải suy nghĩ tìm kiếm điều khác biệt, tìm hướng đi khác biệt để tạo ra hiệu ứng và giá trị cho xã hội, không đơn thuần chỉ tạo ra cho một doanh nghiệp", ông nói. Người khởi nghiệp cũng cần chuẩn bị tâm thế, đối mặt rủi ro.

Tại diễn đàn, nhiều kiến nghị đề xuất về miễn giảm giấy phép năm đầu đối với doanh nghiệp startup hay cơ chế mở visa, giấy phép nhằm thu hút nhân tài công nghệ, đưa các chuyên gia đến Việt Nam tạo mạng lưới startup hay thí điểm giải pháp công nghệ thúc đẩy giảm phát thải carbon...

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu muốn thoát bẫy thu nhập trung bình thì trong 20 năm cần tăng trưởng trên 7%. Ông cho rằng quy mô càng lớn bước đi càng khó, đi nhanh bền vững càng khó hơn. "Để tiếp tục quá trình phục hồi phát triển kinh tế, lực lượng thanh niên chính là một phần đóng góp quan trọng". Ông nhấn mạnh về tinh thần khởi nghiệp cần có và việc quan trọng hàng đầu là thôi thúc việc "làm giàu chính đáng để từng gia đình, từng cá nhân ở Việt Nam giàu lên, để không còn là công dân của nước nghèo".

Dẫn chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm nay vừa được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố, Phó thủ tướng lý giải Việt Nam giảm 4 bậc với với năm 2021, nhưng "thể chế tăng 32 bậc, thể hiện cam kết hỗ trợ của chính phủ tăng vọt và nâng cao chất lượng pháp lý". Chỉ số phát triển thị trường giảm một bậc, cho thấy các quốc gia đã đi rất nhanh và chú trọng đầu tư, do đó "cần thiết phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, qua đó góp phần tăng năng lực cạnh tranh quốc gia", ông nói.

Ông cũng chia sẻ với startup về những khó khăn và đối mặt rủi ro cao. Với việc khởi nghiệp như hiện nay mục tiêu có 1,3-15 triệu doanh nghiệp đến năm 2025 theo ông khó thực hiện. Song Phó thủ tướng nhấn mạnh ngay từ đầu quá trình nên chú trọng vào tiêu chí phát triển bền vững và an toàn (như làm hữu cơ, mô hình tiết kiệm, nông nghiệp sạch) để không chỉ giúp bản thân mà còn giúp cộng đồng, lan tỏa trong xã hội, hướng tới chia sẻ với nhau hơn.

Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp quốc gia được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 và lần thứ 2 vào năm 2020. Năm nay, diễn đàn thu hút hơn 550 đại biểu là thanh niên, sinh viên, doanh nhân trẻ đang có các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trung tâm hỗ trợ, vườn ươm khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Như Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022