![VNE-Shelter-1739163132-7196-1739163181.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SbrJuNegBptXMIc-hrChHw](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/10/VNE-Shelter-1739163132-7196-1739163181.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SbrJuNegBptXMIc-hrChHw)
Hầm trú ẩn hạt nhân cần có tường dày 0,9 - 1,5 m bằng bê tông cốt thép. Ảnh: Ignatiev
Không thảm họa nhân tạo nào có sức tàn phá mạnh hơn bom nguyên tử. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ con người trước nhiệt lượng và sức công phá từ bom nguyên tử của các hầm trú ẩn rất khác nhau, theo Live Science. "Tất cả phụ thuộc vào vị trí của hầm và chất lượng quả bom", Norman Kleiman, phó giáo sư khoa học môi trường ở Trường y tế công cộng thuộc Đại học Columbia, cho biết.
Theo Kleiman, những hầm trú bom ra đời vào thời Chiến tranh Lạnh khi Mỹ và Liên Xô chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân. Chính phủ của cả hai nước thiết kế chương trình xây dựng hầm trú ẩn trong các tòa nhà công cộng lớn cũng như khuyến khích cư dân xây hầm ở trong hoặc ngoài nhà của họ.
Hầm trú bom không hẳn có thể đảm bảo an toàn trong vụ nổ hạt nhân. Hiệu quả của nó đến từ chất lượng của cả quả bom và hầm. Vũ khí hạt nhân hiện đại rất khác với loại sản xuất giữa thế kỷ 20. Vũ khí hạt nhân ngày nay mạnh hơn nhiều chủ yếu do chúng phát nổ bằng phản ứng khác với thời Thế chiến Ii và Chiến tranh Lạnh. Bom hạt nhân vào thập niên 1950 có lõi làm từ nguyên tố phóng xạ plutonium hoặc đồng vị uranium-235, trong đó hạt nhân phân tách trong phản ứng phân hạch, tạo ra vụ nổ khổng lồ. Loại bom này có tên gọi là bom nguyên tử hay bom phân hạch. Quy mô của chúng nhỏ hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân thời nay.
Hiện nay, các nước sử dụng bom dựa vào phản ứng hợp nhất hydro để tạo ra vụ nổ. Vụ nổ nhiệt hạt nhân có bán kính sát thương lên tới 160 km. So với chúng, quả bom thả xuống Hiroshima và Nagasaki có bán kính sát thương chỉ khoảng 1,6 km. Giữa hai loại vũ khí hạt nhân, bom nhiệt hạt nhân hoạt động nhờ phản ứng hợp nhất hydro mạnh hơn nhiều bom nguyên tử sử dụng phản ứng phân hạch. "Nếu bạn ở cách thiết bị nhiệt hạt nhân 1.000 km, hầm trú ẩn có thể giúp bạn. Nhưng nếu bạn ở trong bán kính sát thương, nhiệt lượng và sức công phá từ vụ nổ sẽ đe dọa bạn", Kleiman cho biết.
Tiếp theo là vấn đề bức xạ, sự giải phóng sóng và các hạt sau vụ nổ. Kleiman cho biết có thể xây hầm trú ẩn để bảo vệ con người trước bức xạ. Tường hầm phải phủ bê tông và thép dày 0,9 - 1,5 mét cũng như cần thêm chì vào tường và cửa ra vào hầm để người trú ẩn gặp ít rủi ro. Ngoài ra, lối vào hầm cần xây theo hình zigzag để cản phóng xạ lan truyền theo đường thẳng.
Peter Caracappa, giám đốc điều hành chương trình an toàn phóng xạ ở Đại học Columbia chia khả năng bảo vệ của hầm trú ẩn thành ba yếu tố. Công trình phải hiệu quả trong việc chịu vụ nổ và phóng xạ, lượng vật liệu ngăn cách giữa con người và phóng xạ phát ra từ vụ nổ, cuối cùng là nó cản vật liệu giải phóng từ vụ nổ hạt nhân tốt tới mức nào.
Lượng phóng xạ nguy hiểm tồn tại vài ngày sau vụ nổ. Vì vậy, để sống sót sau vụ nổ ban đầu, con người cần ở trong hầm nhiều ngày nhằm tránh bụi phóng xạ. Căn hầm không chỉ cần trang bị nhu yếu phẩm trong khoảng một tuần mà còn phải thông khí mà không để phóng xạ lọt vào. Thời gian trú ngụ ước tính phụ thuộc khoảng cách từ vụ nổ tới hầm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chúng ta hoàn toàn an toàn sau đó. Ung thư là một trong những rủi ro lớn dài hạn khi tiếp xúc phóng xạ, và nhiều hậu quả khác có thể xuất hiện sau vài thập kỷ, theo Kleiman.
An Khang (Theo Live Science)