Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Cell Reports hôm 2/5 hé lộ, họ mang những gene đặc biệt mà người Hàn Quốc sống trên đất liền không có. Các gene này liên quan đến khả năng chịu lạnh và giảm huyết áp khi lặn.

Hải nữ trên đảo Jeju mang theo hải sản thu hoạch được sau khi lặn. Ảnh: Melissa Ilardo
Hải nữ bắt đầu lặn tìm hải sản như bào ngư, nhím biển, bạch tuộc, từ lúc khoảng 15 tuổi. Theo UNESCO, họ làm việc tới 7 giờ một ngày, khoảng 90 ngày mỗi năm. Họ tiếp tục công việc đến khi 80 tuổi, thậm chí không nghỉ khi mang thai. "Thật đáng kinh ngạc", nhà di truyền học Melissa Ilardo tại Đại học Utah, thành viên nhóm nghiên cứu, nhận xét.
Ilardo từng nghiên cứu một nhóm người khác chuyên lặn tự do để tìm hải sản - người Bajau ở Indonesia. Điểm khác biệt là xung quanh quốc đảo nhiệt đới này, nước khá ấm, khoảng 26,7 độ C, còn nước ở Jeju có thể xuống dưới 12,8 độ C - đủ lạnh để gây hạ thân nhiệt. Nhưng hải nữ Jeju sẽ lặn bất kể nhiệt độ, có thể xuống đến độ sâu 10 m và mỗi chuyến thường kéo dài khoảng 30 giây.
Để tìm hiểu bí mật đằng sau khả năng chịu lạnh và sức bền khi lặn của hải nữ, Ilardo cùng đồng nghiệp đã so sánh gene của 30 hải nữ với 30 phụ nữ không theo nghề lặn tại Jeju và 31 người khác từ đất liền Hàn Quốc.
Kết quả, hải nữ và nhóm không theo nghề lặn từ Jeju có cấu trúc gene giống nhau, nhưng khác biệt rõ rệt so với nhóm sống trên đất liền. Điều này có thể do những người trên đảo có tổ tiên chung gần gũi.
Khác biệt đầu tiên là khả năng chịu lạnh. So với người đất liền, người Jeju có khả năng mang biến thể gene đặc biệt của sarcoglycan zeta - một protein gắn liền với độ nhạy cảm lạnh - cao hơn. Protein này có trong cơ trơn, cho phép các chuyển động không tự chủ diễn ra, ví dụ chuyển động liên quan đến tuần hoàn máu. Biến thể gene này có thể giúp giải thích khả năng chịu lạnh của những thợ lặn tự do.
Khác biệt thứ hai là người Jeju có khả năng mang một biến thể gene liên quan đến huyết áp thấp cao hơn 4 lần so với người từ đất liền Hàn Quốc. Việc nín thở không chỉ hạn chế nguồn cung cấp oxy cho cơ thể mà còn làm tăng huyết áp của thợ lặn trong lúc lặn. Nhóm nghiên cứu cho rằng nếu giúp hạ huyết áp, biến thể gene này sẽ đặc biệt quan trọng với hải nữ vì họ lặn ngay cả khi mang thai và phải tránh các tình trạng huyết áp như tiền sản giật, có thể gây tử vong.
"Đây không phải điều mà mọi người hay mọi phụ nữ đều làm được. Điều này giống như họ có siêu năng lực vậy", Diana Aguilar-Gómez, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về sinh học tiến hóa tại Đại học California Los Angeles, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Các nhà khoa học hy vọng phát hiện mới về sự khác biệt di truyền sẽ giúp điều trị những vấn đề liên quan đến huyết áp cao như đột quỵ. Ilardo cho biết, đảo Jeju là một trong những nơi có tỷ lệ tử vong do đột quỵ thấp nhất Hàn Quốc, cho thấy khả năng sự khác biệt di truyền giúp chống lại đột quỵ. "Nếu có điều gì đó thực sự làm giảm nguy cơ tử vong do đột quỵ thì chúng tôi có thể giúp mọi người trên khắp thế giới bằng cách tìm hiểu sự đặc biệt ở hải nữ", Ilardo nói.
Thu Thảo (Theo Live Science, Eurekalert)