"Friede đã nhận hàng trăm vết cắn và nọc độc ông tự tiêm với liều lượng tăng dần từ 16 loài rắn kịch độc mà thông thường có thể giết chết một con ngựa. Điều này khiến tôi kinh ngạc. Tôi đã liên lạc với Friede vì nghĩ nếu ai đó trên thế giới có những kháng thể trung hòa thích hợp, đó chính là ông ấy", Jacob Glanville, Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học Mỹ Centivax, cho biết.
Glanville cùng các nhà khoa học đã sử dụng kháng thể từ máu của Friede để tạo ra loại thuốc kháng độc mang tính phổ quát. Thành tựu này có thể cách mạng hóa việc điều trị vết rắn cắn, nguyên nhân gây ra khoảng 140.000 ca tử vong và 300.000 ca thương tật vĩnh viễn mỗi năm. Nghiên cứu về loại thuốc mới được công bố trên tạp chí Cell hôm 2/5.

Tim Friede với một con rắn hổ mang nước. Ảnh: Centivax
Đa số thuốc kháng nọc rắn đều dựa trên phương pháp tồn tại từ 100 năm trước: Tiêm cho ngựa hoặc cừu nọc độc từ một loài rắn rồi thu thập kháng thể được tạo ra. Phương pháp này có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng như sốc phản vệ với kháng thể không phải của người. Nó cũng có xu hướng chỉ hiệu quả với một loài rắn, thậm chí một khu vực, nhất định.
Friede nhận thức được những nhược điểm này và bắt đầu quá trình tự tiêm nọc vào năm 2000. Ông đã tự trải nghiệm độc từ hổ mang, rắn mamba, rắn đuôi chuông và nhiều loài khác nhằm phát triển khả năng miễn dịch với vết rắn cắn và hy vọng giúp các nhà khoa học tạo ra một loại thuốc kháng độc phổ quát.
Friede tự tiêm 24 mũi trong 4 tháng trước khi sẵn sàng nhận nọc độc trực tiếp từ miệng rắn. "Phải bắt đầu với những liều pha loãng nhỏ và tăng dần đến nọc nguyên chất. Nhưng trong thời gian 4 tháng đó, nếu có thể chịu nọc độc nguyên chất, bạn sẽ có khả năng miễn dịch mạnh mẽ và sau đó chỉ cần tiêm liều duy trì", ông chia sẻ với IFLScience năm 2023. Khi ngừng vào năm 2018, ông đã tự tiêm nọc tổng cộng 654 lần từ 16 loài rắn và để chúng cắn 202 lần.
Tuy nhiên, Glanville khuyến nghị không cố gắng bắt chước Tim. "Hiển nhiên là nọc rắn rất nguy hiểm với con người", ông nói.
Trong nghiên cứu mới, nhóm của Glanville chọn 19 loài rắn độc nhất thuộc nhóm 1 và 2 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó có rắn san hô, mamba, hổ mang, taipan và cạp nia. Sau khi phân lập các kháng thể tiềm năng từ máu của Friede, họ thử nghiệm chúng trên chuột nhiễm độc từ mỗi loài. Quá trình này giúp họ xác định được hai kháng thể, khi kết hợp với một loại thuốc ức chế độc, có khả năng bảo vệ hoàn toàn trước 13 loài và bảo vệ một phần khỏi những loài còn lại.

Tim Friede (giữa) cùng các đồng nghiệp. Ảnh: Jacob Glanville
Nhóm của Glanville đang tìm cách thử nghiệm hiệu quả của thuốc kháng độc trong thực tế. Họ sẽ thử nghiệm trên những con chó được đưa đến phòng khám thú y để chữa rắn cắn ở Australia trước khi chuyển sang người.
Rắn chia thành 4 họ chính, trong đó hai họ Rắn hổ (Elapidae) và Rắn lục (Viperidae) gồm những loài có nọc độc nguy hiểm. Nghiên cứu hiện tại tập trung vào Rắn hổ, nhưng Friede cũng đã phát triển khả năng miễn dịch với vết cắn của Rắn lục và nhóm nghiên cứu đang thiết kế một loại thuốc kháng độc tương tự cho họ rắn này.
"Khả năng bảo vệ phổ quát này hoàn toàn mới, cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc kết hợp tương đối ít kháng thể và/hoặc thuốc với nhau là chiến lược điều trị khả thi, có thể dẫn đến một liệu pháp hữu hiệu cho bệnh nhân rắn cắn ở nhiều khu vực trên thế giới trong tương lai", giáo sư Nicholas Casewell, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu rắn cắn thuộc Trường Y học Nhiệt đới Liverpool, nhận xét.
Thu Thảo (Theo Guardian, IFL Science)