
Em bé AI TongTong 2.0 học hỏi qua những tình huống thực tế. Ảnh: China Youth Daily
Trung Quốc ra mắt TongTong 2.0, hệ thống siêu trí tuệ nhân tạo (AGI) nâng cấp đầu tiên trên thế giới tại Diễn đàn Zhongguancun ở Bắc Kinh, Interesting Engineering hôm 31/3 đưa tin. Phát triển bởi Viện Siêu trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh, hệ thống hình người này có nhiều khả năng nhận thức cao cấp tương đương một đứa trẻ 5 - 6 tuổi, tốt hơn phiên bản trước đây trí tuệ sánh ngang trẻ 2 - 3 tuổi. TongTong 2.0 cho thấy năng lực AI ngày càng phát triển của Trung Quốc, nhờ cách tiếp cận nguồn mở giúp thúc đẩy tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo và nhiều công nghệ mới nổi khác.
Chen Hao, giám đốc điều hành Trung tâm công nghệ tiên tiến ở Viện Siêu trí tuệ nhân tạo Bắc Kinh, mô tả TongTong 2.0 như một cá nhân kỹ thuật số với giá trị và tầm nhìn riêng. Hệ thống AI này có thể tham gia trò chuyện dựa trên hiểu biết của nó về ý đồ, đồng thời cân nhắc giá trị và tính cách riêng. Khả năng trao đổi liền mạch, quản lý hội thoại và tạo ra cuộc nói chuyện theo tính năng đều góp phần củng cố hệ thống.
Trong gặp gỡ hàng ngày, TongTong 2.0 có thể bộc lộ tính cách giống con người như làm nũng hoặc trì hoãn nhiệm vụ. Ví dụ, khi được yêu cầu đi ngủ hoặc ăn thứ gì không muốn, hệ thống có thể biện hộ cho hành động của nó hoặc đòi phần thưởng trước khi đáp ứng. Một tiến bộ quan trọng trong quá trình phát triển AGI là khả năng kiểm soát hội thoại và mô phỏng cảm xúc. Khác với bản tiềm nhiệm gặp khó khăn trong hoàn thành nhiệm khi đối mặt thay đổi môi trường, TongTong 2.0 có thể phản hồi, tái hoạch định kế hoạch và điều chỉnh theo thời gian thực. Nó có thể tạm dừng, khôi phục hoạt động, điều chỉnh hoặc dừng nhiệm vụ khi cần đồng thời chủ động tạo ra kế hoạch mới để đáp ứng mục tiêu theo cách thông minh và linh hoạt hơn.
Năng lực học tập tự chủ của TongTong 2.0 là một trong những đặc điểm chính của nó. Nó trò chuyện với con người bằng nhiều ngôn ngữ và tích lũy hiểu biết từ tình huống thực tế thay vì phụ thuộc vào vật liệu offline. Hệ thống bắt chước nội quan của con người và phát triển bằng cách cập nhật nền tảng kiến thức, chức năng và năng lực thông qua tương tác đang diễn ra.
Trong thử nghiệm, TongTong 2.0 thể hiện khả năng giải quyết vấn đề. TongTong phản ứng bằng cách cởi giày, nhổm lên trên đệm ghế sofa và chộp lấy điều khiển từ xa mà kỹ thuật viên đặt ngoài tầm với của nó. Nó được hướng dẫn cần cắm điện sau khi nhận thấy điều hòa không bật. Nền tảng kiến thức của nó tăng lên như một kết quả từ kinh nghiệm tích lũy, giúp nó ghi nhớ và sử dụng những khả năng đã học hỏi.
Các nhà nghiên cứu xây dựng môi trường sống ảo như nhà trẻ và một gia đình 6 thành viên để hỗ trợ sự phát triển của TongTong 2.0. Thông qua giới thiệu nhiều thực thể thông minh với tính cách, kỹ năng và giá trị riêng, họ tạo ra mạng lưới xã hội gồm gia đình và bạn bè cho TongTong. Quá trình phát triển liên tục của nó được hỗ trợ bởi những tình huống này, giúp hệ thống mài dũa trí tuệ cảm xúc và xã hội. Sự phát triển của TongTong 2.0 ưu tiên tương tác thông minh và học tập thích ứng.
Hồi tháng 2/2024, các nhà khoa học Trung Quốc hé lộ TongTong, em bé trí tuệ nhân tạo đầu tiên trên thế giới. TongTong 2.0 được xây dựng dựa trên những khả năng của phiên bản tiền nhiệm, tăng cường ngôn ngữ, nhận thức, chuyển động, học hỏi, cảm xúc và tương tác. Trong khi TongTong 1.0 có trí tuệ ngang trẻ em 3 tuổi, phiên bản mới thể hiện khả năng nhận thức của trẻ 5 - 6 tuổi.
An Khang (Theo Interesting Engineering)