Du-an-chuyen-bai-1734321847-7602-1734322927.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=XhfGtBKoJvCl4W6Nj7ZQvQ

Kênh Taocha thuộc tuyến trung tâm của Dự án chuyển nước Nam - Bắc, tỉnh Hà Nam, ngày 13/10. Ảnh: CFP

Trung Quốc có một vấn đề lớn: Các vùng phía nam tương đối ẩm ướt và dồi dào nước, nhưng nhiều vùng phía bắc lại khô hạn. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi khoảng 1/3 dân số của quốc gia tỷ dân này tập trung ở những khu vực khô hạn phía bắc. Để giải quyết, Trung Quốc triển khai Dự án chuyển nước Nam - Bắc, siêu dự án kỹ thuật với mục tiêu đưa 44,8 tỷ m3 nước ngọt từ phía nam đến phía bắc mỗi năm vào năm 2050.

Sau khi dự án bắt đầu vào năm 2014, thành phố Tiêu Tác, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, trở thành một trong những ví dụ tiêu biểu về lợi ích của Dự án chuyển nước Nam - Bắc với cộng đồng địa phương. Thành phố đã nhận hơn 430 triệu m3 nước từ hồ Đan Giang Khẩu, tỉnh Hồ Bắc, giải quyết tình trạng thiếu nước địa phương và cho phép thành phố chuyển từ nền kinh tế dựa vào than sang mô hình bền vững, thân thiện với môi trường hơn.

Sự chuyển đổi này được thể hiện qua việc thiết lập hành lang xanh dài 10 km dọc theo kênh nước, vừa là không gian giải trí, vừa là một phần quan trọng của hệ sinh thái địa phương. Ngoài ra, hơn 60 triệu m3 nước đã được sử dụng để phục hồi sinh thái, mang lại lợi ích cho hệ thống nước của thành phố và môi trường xung quanh.

Đến nay, Dự án chuyển nước Nam - Bắc, dự án lớn nhất thế giới thuộc loại này, đã chuyển tổng cộng 76,7 tỷ m3 nước, mang lại lợi ích cho hơn 185 triệu người tại 45 thành phố vừa và lớn, theo phát ngôn viên của Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc tại cuộc họp báo hôm 11/12. Theo đó, dự án giúp tăng đáng kể độ tin cậy của nguồn cấp nước sinh hoạt và công nghiệp ở những thành phố dọc theo tuyến đường nước. Ngoài ra, việc bảo tồn và sử dụng nước hiệu quả ở các khu vực nhận nước cũng tiến bộ rõ rệt.

dan-giang-khau-1734322264-2213-1734322927.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EvPRW-7wdZUWNNKV0RKVcA

Hồ Đan Giang Khẩu ở tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, ngày 11/10/2022. Ảnh: CFP

Dự án chuyển nước Nam - Bắc gồm ba tuyến: trung tâm, đông và tây. Tuyến trung tâm dài 1.432 km, bắt đầu từ hồ Đan Giang Khẩu ở tỉnh Hồ Bắc, đi qua Hà Nam, Hà Bắc rồi đến Bắc Kinh và Thiên Tân. Tuyến đông dài 1.467 km, đưa nước từ sông Dương Tử ở tỉnh Giang Tô đến những nơi như Sơn Đông, Hà Bắc, Thiên Tân. Nước được vận chuyển gần như chỉ bằng trọng lực thông qua mạng lưới kênh nhân tạo.

Công việc trên tuyến trung tâm và tuyến đông tiến triển tốt, trong khi các nỗ lực ban đầu nhằm phát triển tuyến tây cũng đang được thúc đẩy, theo Wang Annan, chủ tịch Tập đoàn chuyển nước Nam - Bắc Trung Quốc. "Để xây dựng một hệ thống vững chắc và an toàn, chúng ta phải tăng tốc phát triển những mạng lưới nước hiện đại, đồng thời tích hợp tiến bộ khoa học công nghệ", Wang nói. Đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng nước đạt khoảng 151,66 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm nay, hỗ trợ dự án tiến triển.

Du-an-chuyen-nuoc-1734321861-8568-1734322927.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jJD84r-dsrT3AuRfCNOSCA

Một trạm bơm của Dự án chuyển nước Nam - Bắc ở huyện Tứ Hồng, tỉnh Giang Tô ngày 18/8. Ảnh: CFP

Trước khi chuyển nước, Bắc Kinh thiếu nước nghiêm trọng khi hồ Mật Vân không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân thành phố. Sông Chaobai ở quận Thuận Nghĩa, Bắc Kinh, khô cạn hơn hai thập kỷ, cũng hồi sinh. Năm 2021, nước bắt đầu chảy trở lại, thể hiện sự phục hồi sinh thái.

"Dự án đã cải thiện hiệu quả việc phân bổ tài nguyên nước. Ví dụ, Bắc Kinh giảm đáng kể sự phụ thuộc vào nước ngầm nhờ nguồn cung nước bề mặt từ phía nam tăng. Ngoài ra, chất lượng nước được cải thiện, với nhiều khu vực hiện có nước loại 1 và 2, phù hợp để uống và nâng cao sức khỏe hệ sinh thái", Wang Yisen, cựu kỹ sư trưởng của Dự án chuyển nước Nam - Bắc, giải thích.

Đổi mới công nghệ đóng vai trò then chốt trong thành công của dự án. Tại trạm bơm Baoying, tỉnh Giang Tô, một phần quan trọng của tuyến đông, việc triển khai "hệ thống song sinh kỹ thuật số" giúp tăng đáng kể hiệu quả quản lý nước. Các hệ thống này cho phép giám sát và kiểm soát dòng nước theo thời gian thực, giảm nhu cầu nhân sự và tiêu thụ năng lượng. Ví dụ, nhân sự tại trạm giảm từ 12 xuống 6 người mỗi ca, trong khi hiệu suất hoạt động và bảo trì tăng lên.

Wu Wenqing, trưởng bộ phận kế hoạch của Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng phương pháp hệ thống để giải quyết các vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, sinh thái nước, môi trường nước và thảm họa nước. "Việc tăng cường đổi mới công nghệ và tiến hành nghiên cứu sâu về những công nghệ then chốt như xây dựng đập thông minh rất quan trọng. Điều này sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật vững chắc giúp thực hiện thành công các dự án thủy lợi", Wu cho biết.

Thu Thảo (Theo CGTN)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022