Động vật thực chất không có ngôn ngữ giống như ngôn ngữ của con người. "Ngôn ngữ là một hệ thống giao tiếp đặc trưng của nhân loại", Simon W. Townsend, giáo sư nhân chủng học tiến hóa tại Đại học Zurich, cho biết. Do đó, khi nghiên cứu động vật, các nhà khoa học xem xét những đặc điểm giao tiếp khác nhau, ví dụ, một âm thanh nhất định có một ý nghĩa nhất định nào đó.
Xét đến khả năng nhận biết âm thanh của loài khác, chim là một trong những nhóm động vật được nghiên cứu nhiều nhất. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Current Biology tháng 1/2025 về sự di cư của chim biết hót thuộc phân bộ Passeri, bộ Sẻ (Passeriformes) cho thấy, chúng có thể hiểu được tiếng kêu của những loài chim khác trên đường di cư. Điều này có lẽ giúp chúng giữ an toàn và định hướng trong hành trình dài.
"Chúng tôi chủ yếu tìm kiếm sự không ngẫu nhiên, tìm kiếm các dạng mẫu trong âm thanh", Benjamin Van Doren, tác giả chính của nghiên cứu, phó giáo sư tài nguyên thiên nhiên và khoa học môi trường tại Đại học Illinois Urbana-Champaign, giải thích.

Chèo bẻo đuôi chẻ, loài chim châu Phi bắt chước âm thanh của các loài khác để phục vụ lợi ích của mình. Ảnh: Paco Como
Tuy nhiên, học một ngôn ngữ không chỉ là hiểu những gì nghe được mà còn là nói được ngôn ngữ đó. Đây là điều mà chim chèo bẻo đuôi chẻ (Dicrurus adsimilis) - loài chim nhỏ màu đen phân bố rộng rãi ở châu Phi - có thể làm khá tốt.
Chèo bẻo có thói quen theo dõi những con vật khác với hy vọng trộm một chút thức ăn. Thomas Flower, giảng viên sinh học tại Đại học Capilano, Canada, nghiên cứu chèo bẻo trong tự nhiên, khi chúng theo dõi một đàn cầy meerkat. Ông phát hiện rằng chèo bẻo sẽ sử dụng tiếng kêu báo động của mình - âm thanh báo hiệu có kẻ săn mồi đang đến gần - để dọa cầy meerkat chui vào hang. Khi đó, bầy chim sẽ lao xuống nhặt nhạnh bất kỳ mẩu thức ăn nào còn sót lại.
Nhưng chiến lược đó cuối cùng dẫn đến tình huống giống như câu chuyện "cậu bé chăn cừu và bầy sói". Cầy meerkat nhận ra tiếng kêu báo động đặc trưng của chèo bẻo là trò lừa gạt và không còn bỏ lại thức ăn hay trốn đi khi nghe thấy âm thanh đó nữa.
Lúc này, chèo bẻo thể hiện tài năng đặc biệt. Chèo bẻo đuôi chẻ không chỉ nhận diện được tiếng kêu báo động của các loài vật xung quanh, mà còn học cách sao chép để phục vụ lợi ích của mình. Khi nhận ra tiếng kêu báo động của bản thân không còn hiệu quả, chúng bắt đầu bắt chước tiếng kêu của loài chim khác, thậm chí sao chép chính âm thanh của cầy meerkat. Nhờ thường xuyên chuyển đổi giữa tiếng kêu báo động của nhiều loài khác nhau, chèo bẻo khiến cầy meerkat phải cảnh giác và bỏ lại thức ăn.
"Chèo bẻo biết cách bắt chước loài mà mình đang theo dõi. Nhờ đó, chúng có thể duy trì mánh khóe lừa đảo của mình", Flower nói. Ngoài cầy meerkat, chúng cũng theo dõi các loài chim khác và bắt chước tiếng kêu báo động của những loài này để trộm thức ăn.
Chiến lược này cho thấy chèo bẻo đuôi chẻ có khả năng học âm thanh từ loài khác và sử dụng cho lợi ích của mình. Khi một âm thanh không còn hiệu quả, chúng biết cách chuyển sang âm thanh mới hiệu quả hơn.
Flower vẫn đang nỗ lực xác định chính xác những quá trình diễn ra trong đầu chim chèo bẻo khi chúng sử dụng tiếng kêu báo động giả để phục vụ lợi ích của mình. Ông chưa rõ liệu chúng có cố ý đánh lừa động vật khác hay không - hành vi thể hiện các quá trình nhận thức phức tạp hơn - hay chỉ đơn giản là thấy việc lặp lại một số âm thanh nhất định sẽ giúp kiếm ăn.
Hiện tại, Flower vẫn chưa tìm được bằng chứng cho thấy chèo bẻo non hiểu rằng chúng đang lừa dối động vật khác khi bắt chước tiếng kêu báo động. Nhưng ông cho biết, trẻ em cũng lặp lại những âm thanh mà chúng không hiểu và cuối cùng học được ý nghĩa thông qua quá trình "thử và sai". Chèo bẻo đang bộc lộ một số dấu hiệu của việc học "ngôn ngữ", nhưng nhiều điều vẫn còn là bí ẩn.
Thu Thảo (Theo Live Science)