Thông tin được bà Khánh, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính chia sẻ tại tọa đàm "Giải phóng nguồn lực Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp", do báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 15/12.
Bà Khánh dẫn khảo sát Quỹ phát triển khoa học công nghệ cho thấy, doanh nghiệp nhà nước trích lập lớn hơn số sử dụng quỹ. Đơn cử VNPT chỉ sử dụng 90 tỷ đồng trong số 842 tỷ đồng trích lập (khoảng 10%). Tại các doanh nghiệp nhà nước, chỉ 11% doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng Quỹ. "Vướng mắc cơ chế tài chính trong việc sử dụng là nguyên nhân khiến Quỹ tồn đọng hàng chục tỷ đồng nhưng doanh ngại chi dẫn tới tồn vốn", bà Khánh nói.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khánh chia sẻ về thực trạng doanh nghiệp sử dụng Quỹ. Ảnh: BTC
Bà dẫn kinh nghiệm một số nước, họ có quỹ quốc gia hoặc đầu tư doanh nghiệp R&D bằng cách trừ thẳng cho doanh nghiệp ngay từ đầu. Với sử dụng Quỹ tại doanh nghiệp, các rủi ro việc chi cho R&D, bị phạt thuế đầu tư sai nội dung chi đổi mới sáng tạo... cũng dẫn tới việc doanh nghiệp ngại chi, ngại sử dụng.
Bà Khánh cũng chỉ ra khó khăn doanh nghiệp nhà nước khác với tư nhân bởi một số lĩnh vực ngành nghề được đầu tư. Đơn cử SCIC là doanh nghiệp đầu tư vốn nhà nước rất khó dùng trong đổi mới sáng tạo, hay như doanh nghiệp cao su là ngành nghề không có nhu cầu đổi mới sáng tạo nhiều, nên "trích quỹ mà không tiêu được dẫn tới tồn vốn".
Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Kế hoạch -Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết "không có doanh nghiệp FDI nào sử dụng quỹ do thấy đòn bẩy tài chính không bằng rủi ro". Theo số liệu của Tổng cục Thuế, giai đoạn 2015-2021, có 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập quỹ, với số tiền khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó số sử dụng 14.400 tỷ đồng (chiếm 60%). Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã trích lập quỹ nhưng không giải ngân hết, phải hoàn nhập quỹ. Trong đó Tập đoàn Công nghiệp Cao su phải hoàn nhập quỹ tới 84% (tương đương 1.164 tỷ/1.384 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Nam Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC
"Gần 10 năm nỗ lực nhưng các mục tiêu và ý tưởng chi tiêu theo cơ chế Quỹ cách xa so với kỳ vọng, chi tiêu doanh nghiệp khoa học công nghệ chưa cao", PGS.TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Khoa XIII đánh giá.
Theo thống kê của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho thấy bức tranh trích lập Quỹ rất khiêm tốn với số lượng doanh nghiệp (chiếm 0,02%). "Đây là con số rất đáng quan ngại trong bối cảnh lấy doanh nghiệp làm trung tâm đổi mới sáng tạo. Rõ ràng khoảng cách giữa chủ trương và thực tế còn rất lớn", ông Lĩnh nói.
Theo PGS Lĩnh, tổng số trích lập quỹ đã nhỏ song tồn quỹ lên tới 22.000 tỷ đồng chứng tỏ việc sử dụng có nhiều bất cập. Luật quy định khuyến khích trích lập và mức hưởng ưu đãi này là 10% lợi nhuận trước thuế - mục tiêu quỹ là công cụ tài chính khuyến khích đầu tư khoa học công nghệ cho doanh nghiệp. Song theo ông, nhu cầu trích quỹ phát triển thực tế của doanh nghiệp là một yếu tố cần tính đến.
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: BTC
Gỡ điểm nghẽn
Thực tế, các điểm nghẽn đối với Quỹ đã cải thiện qua việc sửa đổi thông tư 12 thành thông tư 05 và thông tư 67, ban hành năm 2022 trong đó bổ sung những nội dung chi mới cho doanh nghiệp. Thông tư đã bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không đúng với tinh thần tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn từ quỹ.
Các đại biểu nhận định, việc sửa đổi rất đáng hoan nghênh song vẫn chưa hoàn toàn "cởi trói" cho việc sử dụng Quỹ. Bà Khánh cho biết, thông tư bổ sung phù hợp doanh nghiệp về nội dung chi song các quy trình chi, định giá với các startup hay doanh nghiệp chưa cụ thể dẫn tới không chi được. "Doanh nghiệp chi vướng cơ chế nhà nước, chưa kể nhiều trường hợp thậm chí không thể theo quy trình bình thường do việc đầu tư có thể vuột mất thời điểm nếu chậm trễ", bà Khánh nói.
Ông Nguyễn Nam Hải cho biết thông tư 05 tháo gỡ về chi tiêu, trong đó có chi dưới hình thức nhiệm vụ khoa học công nghệ. Các đơn vị có thể dùng nguồn vốn từ Quỹ để mua bí quyết công nghệ, máy móc để phục vụ trực tiếp cho đổi mới công nghệ cho sản xuất, kinh doanh.
Để giải phóng nguồn lực Quỹ, ông Hải gợi ý doanh nghiệp có thể mua máy móc, mạnh dạn đổi mới và cần xác định công nghệ có thực sự mới, hữu ích hay không. Ông cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nghiên cứu sửa Luật Khoa học và Công nghệ và đưa vào đề án sửa luật năm 2023.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel, nhìn nhận, thông tư mới có điểm lợi cho doanh nghiệp nhỏ thuộc tập đoàn. Nhưng ông cho rằng cần cơ chế sử dụng hài hòa giữa việc đánh giá doanh nghiệp, để việc sử dụng quỹ tăng thêm hiệu quả. "Quỹ sử dụng có hiệu quả sẽ là đòn bẩy về mặt kinh tế để cho doanh nghiệp phát triển, tăng sức cạnh tranh lên một hệ số, có lợi nhuận nộp về cho Nhà nước", ông nói.
Năm 2016, Thông tư 12 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc thành lập Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ được thành lập tại các doanh nghiệp nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Theo đó doanh nghiệp phải trích một phần thu nhập trước thuế từ 3 - 10% (với doanh nghiệp nhà nước), tối đa 10% (với doanh nghiệp tư nhân) phục vụ cho hoạt động R&D, cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất... Khoản trích được xác định hàng năm và được cơ quan thuế tính vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo quy định, trong 5 năm doanh nghiệp phải sử dụng ít nhất 70% số tiền trong quỹ. Nếu quỹ không được sử dụng hoặc sử dụng không hết, doanh nghiệp phải nộp lại về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, bộ, địa phương, được xác định tối thiểu bằng 20% số Quỹ đã trích lập không được sử dụng hoặc sử dụng không hết 70% số Quỹ đã trích lập.
Như Quỳnh