Thông tin được chia sẻ tại hội thảo Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhanh và bền vững, tổ chức ngày 15/12, tại tỉnh Sóc Trăng.
Là người chủ trì hội nghị, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đã chỉ ra nhiều lợi thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng từ địa chính trị, kinh tế và quân sự. Theo ông, đây là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển, đặc biệt là nông nghiệp với hơn 2,5 triệu ha đất canh tác (chiếm 62,9 % diện tích đất tự nhiên cả vùng) được bồi đắp phù sa màu mỡ. Vùng đất này đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 65% thuỷ sản, 70% trái cây các loại. Trong đó, 95% sản lượng gạo và 60% sản lượng cá xuất khẩu.
Với những lợi thế này, Bộ trưởng cho biết, Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu phải phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với vị trí, vai trò chiến lược của vùng. Để làm được, vai trò của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng có tính chất đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt (thứ hai từ trái qua) tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm phuc vụ nông nghiệp tại hội thảo, ngày 15/12. Ảnh: Cửu Long
Theo TS Võ Hữu Thoại, Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, tại ĐBSCL dù có lợi thế về phát triển các loại cây ăn quả, tuy nhiên việc bảo tồn nguồn gene và phát triển các giống mới đang gặp nhiều khó khăn.
TS Thoại cho rằng, để tạo ra giống mới phải mất thời gian từ 15-20 năm, trong khi một đề tài nghiên cứu có thời gian tối đa chỉ 5 năm. Việc thu thập, bảo tồn nguồn gene cây ăn quả phục vụ công tác chọn tạo giống, đặc biệt là nguồn gene từ nước ngoài còn hạn chế về mặt kinh phí để thực hiện.
Vì vậy ông Thoại mong muốn có chính sách để thu hút người có trình độ cao trong việc chọn tạo giống. Ông cũng đề xuất đẩy mạnh việc giám sát, thực thi quyền và nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của tác giả công trình nghiên cứu.
TS Dương Hoàng Sơn, Viện lúa ĐBSCL cũng nêu những thách thức và nhu cầu phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo ở miền Tây. Theo ông, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chọn tạo các giống cây trồng có khả năng chống chịu sâu bệnh, đáp ứng với tác động của biến đổi khí hậu (hạn, mặn, ngập...), ứng dụng nông nghiệp thông minh; kỹ thuật canh tác tiên tiến... là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp góp phần gia tăng giá trị kinh tế.
Theo đó TS Sơn đề xuất một số giải pháp ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ trong phát triển lúa gạo chất lượng cao ở miền Tây. Trong đó cần xây dựng quy hoạch tổng thể cho sản xuất lúa. Đồng thời thiết lập các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tổng thể và dài hạn cho lúa ở vùng ĐBSCL phù hợp với yêu cầu cho từng tiểu vùng sinh thái hướng tới sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Sơn cũng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ về cây lúa và cây trồng trên nền đất lúa; quy hoạch và đào tạo cán bộ khoa học công nghệ, cán bộ đầu ngành và nông dân lành nghề phục vụ cho ngành lúa gạo. "Cần tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư đồng bộ và hiện đại cho một số phòng thí nghiệm chuyên sâu, phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi và logistics phục vụ cho ngành lúa gạo...", ông Sơn nói.
Còn đại diện Viên nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 2 cho rằng, hiện nay và trong tương lai, ngành nuôi cá tra tại miền Tây cần thiết ưu tiên cho việc nghiên cứu, thích ứng và ứng dụng công nghệ cơ khí hóa, số hóa trong sản xuất để mang lại lợi ích hơn về kinh tế, môi trường.
Theo ông, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cao, tiên tiến và số hóa trong sản xuất cá tra toàn chuỗi, mang lại lợi ích cao, bền vững phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới, là hướng đi cần thiết, cấp bách.
Nuôi cá tra tại quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long
Trên thực tế mức độ ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp tại ĐBSCL thuộc nhóm thấp so với mặt bằng chung của cả nước, theo TS Huỳnh Xuân Hiệp, Đại học Cần Thơ. Cụ thể, máy móc, thiết bị trong các doanh nghiệp do con người điều khiển chiếm đến 81%. Chưa đến 20% doanh nghiệp bố trí nguồn lực lao động có trình độ đại học trở lên cho hoạt động liên quan đến kỹ thuật công nghệ. Chưa đến 16% doanh nghiệp có hợp tác trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Hội Tự động hóa Việt Nam, nhận định, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp tại miền Tây rất chậm. Vì vậy "cần chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số như ưu đãi cho vay và giảm lãi suất ngân hàng; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nhanh chóng tham gia vào thực tiễn ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất đem lại giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao cho sản phẩm của vùng đất này", ông Quân nói.
Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư tỉnh uỷ Sóc Trăng, cho rằng cần có sự liên kết 6 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà đầu tư - nhà băng (ngân hàng) - nhà khoa học - nhà phân phối. Ông cũng đề xuất từng tỉnh thành tập trung đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng lợi thế và phù hợp với định hướng phát triển chung của vùng.
Cửu Long