Theo công bố của quỹ VinFuture, trong khuôn khổ Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2022 sẽ có chuỗi hoạt động diễn ra từ ngày 17 - 21/12 tại Hà Nội. Sự kiện có sự góp mặt của những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, y tế...

Ngày 17/12 diễn ra sự kiện diễn thuyết truyền cảm hứng với chủ đề "Đổi mới hiện tại, kiến tạo tương lai". Tại đây, những trí tuệ có tầm ảnh hưởng lớn tới thế giới sẽ cùng giao lưu với các nhà khoa học và công chúng Việt Nam, đại diện Tập đoàn Vingroup chia sẻ.

Trong đó có Giáo sư Mark Zachary Jacobson (Đại học Stanford, Mỹ) - top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới đến chính sách khí hậu. Ông từng dành cả sự nghiệp để tìm hiểu về ô nhiễm không khí, vấn đề nóng lên toàn cầu và các giải pháp năng lượng tái tạo. Công trình gắn liền với tên tuổi của Giáo sư Mark Zachary Jacobson là dự án Gator - Gcmom, được ông theo đuổi từ những năm 1990. Vị giáo sư đã tạo nên mô hình 3D cho khí quyển, sinh quyển, đại dương, từ đó mô phỏng các kịch bản ô nhiễm không khí toàn cầu. Dự án này sau đó đã trở nên nổi tiếng và là cơ sở của các mô hình khác trên toàn thế giới.

anh-vft-1-tuan-le-khcn-vinfutu-7021-9270-1671097211.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MleQgwUr-5WhbU_x8yJipg

Sự kiện giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture diễn ra đầu năm 2022. Ảnh: Vingroup

Trong sự kiện diễn thuyết của VinFuture còn có John Nosta - nhà sáng lập tổ chức nghiên cứu sức khỏe kỹ thuật số Nostalab. Ông từng giảng dạy tại Đại học St. John, Đại học Y Harvard và hiện là thành viên sáng lập của nhóm chuyên gia lĩnh vực sức khỏe kỹ thuật số tại Tổ chức Y tế Thế giới. John Nosta đã được vinh danh trong top 10 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ y tế năm 2019 (do Global Data bình chọn).

Theo lịch trình, cũng trong ngày 17/12, các nhà khoa học và công chúng Việt Nam sẽ có cơ hội được giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo VinFuture. Các khách mời sẽ là những nhà khoa học nổi tiếng thế giới từng góp mặt tại Tuần lễ khoa học VinFuture lần thứ nhất, điển hình như Giáo sư Sir Richard Henry Friend (Đại học Cambridge, Anh) - chủ nhân giải Millennium Technology Vật lý năm 2010.

Trong chuỗi tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" diễn ra ngày 19/12 cũng sẽ có sự tham gia của Giáo sư Pamela Ronald - Khoa Bệnh học thực vật và Trung tâm bộ gen tại Đại học California (Davis, Mỹ). Bà là nhà khoa học nổi tiếng đã phân lập thành công gen giúp cây lúa có thể sống sót được trong điều kiện ngập nước kéo dài. Nghiên cứu của bà là tiền đề cho giống lúa năng suất cao được sử dụng rộng rãi cho 6 triệu nông dân tại Ấn Độ và Bangladesh.

Giáo sư Pamela Ronald đã được nhận nhiều giải thưởng lớn của quốc tế như giải thưởng Wolf 2022 trong lĩnh vực nông nghiệp, hay Top 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới về công nghệ sinh học do tạp chí Scientific American bình chọn. Năm 2015, video bài diễn thuyết của bà về chủ đề biến đổi gen tại TED Talks từng có hơn hai triệu lượt xem.

Anh-VFT-2-Giao-su-Pamela-C-Ron-8073-5949-1671090194.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_tjE09qdONYl_jYrqvfUWg

Giáo sư Pamela Ronald - Khoa Bệnh học thực vật và Trung tâm bộ gen tại Đại học California (Davis, Mỹ). Ảnh: Vingroup

Một diễn giả khác tham gia tọa đàm là Tiến sĩ Khalil Amine (Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne, Mỹ) - người đã phát minh ra cực dương cải tiến giúp tăng năng suất và độ ổn định cho pin lithium-ion. Sau khi được công bố trên tạp chí Nature Material vào năm 2012, công nghệ này đã được cấp phép và được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Theo đơn vị phân tích ScienceWatch, ông đã xuất bản 544 bài báo khoa học trong giai đoạn năm 2000 - 2018, nổi tiếng là nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới về chủ đề pin với gần 44.000 lần bởi nhiều nguồn khác nhau.

Góp mặt tại tọa đàm còn là những nhà khoa học nổi tiếng như Giáo sư Josse De Baerdemaeker - nguyên Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư nông nghiệp châu Âu, Giáo sư Bruce Levine - Trường Y khoa Perelman, Đại học Pennsylvania...

Sau chuỗi tọa đàm, lễ trao giải VinFuture 2022 sẽ được tổ chức vào tối ngày 20/12. Với chủ đề "Hồi sinh và tái thiết", giải thưởng VinFuture năm nay đã có gần 1.000 dự án nghiên cứu khoa học công nghệ đến từ 71 quốc gia trên 6 châu lục được đề cử.

Theo đại diện Tập đoàn Vingroup, đây là những phát minh, sáng chế nổi bật trong các lĩnh vực như sức khỏe, lương thực, môi trường, năng lượng bền vững, cùng nhiều công nghệ ứng dụng khác trong mọi mặt của đời sống. Các dự án đã trải qua quy trình đánh giá nhiều vòng nghiêm ngặt của Hội đồng sơ khảo và Hội đồng giải thưởng.

Thu Hương

Lịch trình sự kiện Tuần lễ khoa học công nghệ VinFuture 2022:

- Ngày 17/12: - Giao lưu cùng hội đồng giải thưởng và hội đồng sơ khảo VinFuture, Diễn thuyết truyền cảm hứng "Đổi mới hiện tại, kiến tạo tương lai". - Ngày 19/12: Tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" - Ngày 20/12: Lễ trao giải VinFuture 2022 - Ngày 21/12: Giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022