Thông tin được Thứ trưởng Phạm Đức Long nêu tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025, chiều 24/7. Phiên họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 34 tỉnh, thành phố, 3.321 xã, phường, đặc khu trên cả nước.

Tại cuộc họp Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhắc lại bão Yagi bị mất hoàn toàn liên lạc, không thể điều hành. "Hôm vừa rồi, bão số 3 (Wipha) tại Nghệ An mất một ngày không kết nối, bộ xem có giải pháp gì", ông Hà đặt vấn đề.

img7803-1753344571491946096583-4137-6253-1753356648.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=TLNhstWzMzVi3xux8hlciw

Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia, chiều 24/7. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho biết, hiện Nghệ An bị mất liên lạc tại 40 vị trí của nhà mạng Viettel, 87 vị trí của VNPT và 15 vị trí của Mobifone. "Tuy nhiên không có vị trí nào cả ba nhà mạnh đều mất sóng. Chẳng hạn như ở Mường Xén (Nghệ An) VNPT mất sóng nhưng Viettel có sóng", Thứ trưởng Long nói. Có điều đó là vì trước đây Bộ đã chỉ đạo tại một địa phải có ít nhất ba nhà mạng và ít nhất một trạm kiên cố để đề phòng các trường hợp xảy ra như hiện nay.

Theo lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, hôm qua do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở đất tại các huyện cũ của Nghệ An như Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn đã xảy ra mất liên lạc do các nhà mạng không thực hiện nghiêm việc roaming (chuyển vùng dữ liệu) do nghĩ có thể khắc phục trong thời gian ngắn.

"Sáng nay khi chúng tôi nhận được thông tin từ các địa phương, đã chỉ đạo chuyển vùng ngay", Thứ trưởng Long nói thêm.

Thu-truong-Pham-Duc-Long-JPG-9217-1753356648.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9rwBqImWkvEtob7zqQ5_0Q

Thứ trưởng Phạm Đức Long. Ảnh: Doãn Mạnh

Đối với đề nghị của chính quyền đặc khu Bạch Long Vĩ trong đảm bảo thông tin liên lạc, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn lại bão Yagi năm ngoái, tại đây có hai nhà mạng là Viettel và VNPT đều bị sự cố. Viettel là trạm chưa kiên cố, bị gió quật đổ, trạm VNPT kiên cố nhưng thiết bị đường truyền vệ tinh lại gặp vấn đề.

Thứ trưởng Long cho biết, vấn đề này đã giải quyết. Hiện nay trạm của Viettel đã kiên cố, đủ chịu sức gió cấp 17, đường truyền đang đi theo mạng viba từ đất liền ra. Bộ đã đề nghị Viettel phải làm thêm thiết bị vệ tinh. "Đối với Vinafone, ngoài thiết bị vệ tinh hiện có, chúng tôi đã yêu cầu phải có thêm thiết bị vệ tinh dự phòng dù có tốn kém", ông nói.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, qua thực tế bão Wipha, Bộ đã chỉ đạo mỗi nhà mạng phải có một trạm kiên cố tại một xã. Tuy nhiên, qua đánh giá hiện không thể ba nhà mạng cùng triển khai tại một xã nên Bộ đã yêu cầu các đơn vị phối hợp để làm xen kẽ.

"Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương lập tổ ba người để đảm bảo trong ba nhà mạng ít nhất có một trạm kiên cố tại địa phương. Khi đã có trạm kiên cố phải đảm bảo máy phát điện, nhiên liệu ít nhất là 5-7 ngày để khi xảy ra sự cố sẽ đảm bảo việc phát sóng", Thứ trưởng Long nói.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị các Sở Khoa học và Công nghệ và các địa phương tập huấn, hướng dẫn người dân chuyển vùng dữ liệu trên điện thoại di động của mình để tránh khi có tín hiệu chuyển vùng mà người dân không biết sử dụng.

Hôm nay, Thủ tướng cũng ban hành quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia theo hướng hợp nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trưởng ban là Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó ban thường trực là Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng là Uỷ viên Ban Chỉ đạo.

Gia Chính

Góp ý kiến tạo
Bạn có thể đặt mọi câu hỏi, vấn đề về Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi số trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ
Gửi góp ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022