tran-anh-1503288123643-1505720443401-151

Thương vụ thâu tóm Trần Anh sắp hoàn tất

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), ngày 12/10 vừa qua đã tiếp nhận Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế (TTKT) Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (Thế giới di động) dự kiến mua lại Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (Trần Anh).

Trong đó, Thế giới di động dự định mua 100% cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Trần Anh. Sau giao dịch mua lại, Thế giới di động sẽ trở thành công ty mẹ của Trần Anh để trực tiếp quản lý và điều hành toàn bộ hoạt động kinh doanh của Trần Anh.

Sau khi tiến hành thẩm định Hồ sơ thông báo tập trung kinh tế và khảo sát ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường, Cục CT&BVNTD cho biết rằng tập trung kinh tế giữa Thế giới di động và Trần Anh là hành vi tập trung kinh tế theo hình thức mua lại doanh nghiệp quy định tại Khoản 3 Điều 16 và Khoản 3 Điều 17 Luật Cạnh tranh. Thị trường liên quan được xác định gồm: thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm điện máy gia dụng trên toàn quốc và thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin trên toàn quốc.

Tập trung kinh tế mua lại doanh nghiệp giữa Thế giới di động và Trần Anh đã tác động tới cấu trúc thị trường dịch vụ bán lẻ chuyên doanh các sản phẩm điện máy và công nghệ thông tin theo hướng giảm số lượng đối thủ cạnh tranh trên thị trường (từ chỗ là đối thủ cạnh tranh của nhau, sau khi thực hiện hoạt động TTKT, Trần Anh sẽ trở thành công ty con của Thế giới di động). Giao dịch cũng làm gia tăng sức mạnh thị trường của Thế giới di động sau TTKT. Tuy nhiên, mức độ gia tăng sức mạnh không đáng kể do Thế giới di động trước và sau TTKT đều là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin (chiếm >30%).

Đồng thời, căn cứ vào thị phần kết hợp của các bên trên thị trường liên quan, tập trung kinh tế giữa Thế giới di động và Trần Anh theo hình mức mua lại doanh nghiệp không thuộc trường hợp bị cấm theo quy định tại Điều 18 Luật Cạnh tranh. Các doanh nghiệp tham gia TTKT được làm thủ tục TTKT tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Phía Cục CT&BVNTD cũng cho biết sẽ tiếp tục giám sát hoạt động cạnh tranh của Thế giới di động trên thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm điện máy gia dụng và thị trường bán lẻ chuyên doanh sản phẩm công nghệ thông tin (đối tượng giám sát là doanh nghiệp/nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường) để kịp thời phát hiện và xử lý hành vi lạm dụng ví trí thống lĩnh thị trường của Thế giới di động (nếu có) theo quy định của pháp luật cạnh tranh.

Trao đổi với Dân trí về thương vụ thâu tóm lần này, đại diện từ Thế giới Di động cho biết sẽ công bố hoàn tất thương vụ vào tháng 12 năm nay và có thể là sớm trong những ngày tới đây. Tuy nhiên, giá trị thương vụ này vẫn được vị đại diện này từ chối tiết lộ.

Trước đó, ngay sau cuộc họp với các nhà môi giới đầu tư của Thế giới Di động (TGDĐ) trong tháng 8/2017, giới đầu tư trong nước bất đầu nở rộ tin đồn, TGDĐ sẽ thâu tóm một hệ thống bán lẻ điện máy tại miền Bắc để sáp nhập và mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực này. Đây cũng là một trong những kế hoạch lớn trong năm 2017 của TGDĐ.

Cái tên được nhắc đến nhiều nhất và sáng giá nhất đó là hệ thống Trần Anh, đây là một hệ thống bán lẻ có quy mô lớn ở khu vực này, sở hữu 39 trung tâm kinh doanh điện máy ở các tỉnh như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Lào Cai, Ninh Bình…

Ngay sau đó, ngày 22/8, hội đồng quản trị Trần Anh đề nghị cổ đông xem xét để đồng ý để công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động thực hiện các giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu Công ty Thế giới số Trần Anh với mức tỷ lệ từ trên 25% vốn điều lệ của Trần Anh.

Hôm 23/8, tại đại hội đồng cổ đông của công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di động cũng đã ký quyết nghị thông qua mức ngân sách mới cho hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A). Theo kế hoạch, “đại gia” trong lĩnh vực bán lẻ này sẽ chi khoản tiền lớn nhằm thực hiện các cuộc mua bán, sáp nhập với các công ty bán lẻ, mở rộng sự ảnh hưởng của mình tại khu vực miền Bắc. Ngoài ra, về việc sau khi sáp nhập, Trần Anh sẽ có thay đổi gì về mặt nhận diện và phương hướng hoạt động thì Chủ tịch HĐQT, ông Trần Xuân Kiên nêu rõ, sau khi sáp nhập, Trần Anh vẫn là đại diện giao dịch với khách hàng và tiếp tục phục vụ khách hàng tại các siêu thị mang thương hiệu Trần Anh trên toàn quốc. Trần Anh vẫn đảm bảo quyền lợi bảo hành sản phẩm cho các khách hàng đã mua hàng tại hệ thống điện máy Trần Anh theo đúng quy định của các hãng.

Ông Kiên cũng nói rõ, hoạt động mua bán, sáp nhập không làm thay đổi pháp nhân của công ty, các hoạt động của công ty vẫn diễn ra bình thường.

Như vậy, có thể thấy, sau khi chính thức sáp nhập, thương hiệu Trần Anh vẫn sẽ tiếp tục giữ nguyên và không có bất cứ sự thay đổi nào trong việc nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, đại diện từ TGDĐ vẫn chưa lên tiếng xác nhận sự việc trên và cho biết, sẽ thông báo chính thức sau khi thương vụ này hoàn tất nhưng vị này cũng cho biết TGDĐ sẽ vận hành bộ máy này sau khi sát nhập và Trần Anh được xem là công ty con trực thuộc TGDĐ.

Tuy vậy, cũng có nguồn tin cho biết, TGDĐ sẽ tiếp tục giữ nguyên thương hiệu Trần Anh nhưng chỉ trong khoảng thời gian nhất định từ 12-18 tháng.

Gia Hưng

Tag :, , , , , ,

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022