Tăng Thanh Hà vừa thưởng thức nhum Nhật với trứng cá hồi và một chút wasabi, khen đây là món "ngon nhất". Nữ diễn viên từng không ít lần dành "lời có cánh" cho món này. Vợ chồng cô cũng hay hẹn hò tại các nhà hàng Nhật cao cấp vào các dịp lễ, kỷ niệm đặc biệt và trong thực đơn thường có nhum Nhật tươi.
Nhum hay cầu gai, nhím biển có tên tiếng Nhật là uni - một trong những thực phẩm người Nhật ưa thích nhất. Nó được xem là thực phẩm mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe vì giàu protein, omega-3, vitamin và các chất dinh dưỡng khác. Ước tính trong 25 gram uni chứa khoảng 40 calo, 5 gram protein, một gram chất béo và hai gram carbs.
Tăng Thanh Hà thưởng thức nhum Nhật tối 7/3, khen đây là món 'ngon nhất'.
Phần uni thường thấy trong các nhà hàng Nhật là tuyến sinh dục của nhím biển, trông hơi giống trứng cá. Nó có màu vàng óng, kết cấu mềm mịn như tan ngay trong miệng và mang hương vị mềm, béo, mặn, ngọt nhẹ. Chúng được sơ chế khéo léo, cẩn thận sao cho loại bỏ hết chất nhầy mà vẫn giữ hình dáng, không bị vỡ. Uni thường được phục vụ sống như: sashimi, sushi hoặc ăn theo đủ cách khác như trộn vào spaghetti, làm pizza, trứng hấp chawanmushi...
Một số đầu bếp chuyên nghiệp cho rằng món này ngon nhất là ăn sống, ngay khi bóc ra khỏi lớp vỏ đầy gai. Theo đó, thực khách dùng kéo cắt bớt phần vỏ gai rồi lấy muỗng múc đầy phần thịt màu vàng bên trong, ăn không hoặc chấm với nước tương pha wasabi.
Giá của món này không rẻ. Một hộp nhum chất lượng cao giá vài triệu đồng cho 100 gram, phụ thuộc vào chất lượng và nơi xuất xứ, dù nhum biển khá phổ biển và có thể tìm thấy tại nhiều nơi. Một trong những nguyên nhân khiến món này đắt đỏ là do khó đánh bắt.
Vợ chồng Tăng Thanh Hà kỷ niệm 8 năm ngày cưới trong nhà hàng omakase, một trong những nơi lý tưởng dành cho các 'tín đồ uni' tại TP HCM.
Ngư dân ở bán đảo Shakotan (Hokkaido) - nơi nổi tiếng với món nhum thượng hạng ở Nhật - phải lênh đênh trên thuyền trong thời gian dài tìm nhum bằng dụng cụ giống như móng vuốt. Tetsuya Wakuda, đầu bếp người Nhật, nói: "Nhum Nhật chất lượng tốt phải được bắt thủ công ở vùng nước lạnh và chúng chỉ có sẵn trong thời gian ngắn theo mùa. Sự hiếm có này khiến nó trở thành món ăn hấp dẫn". Còn tại Mỹ, các thợ lặn phải xuống sâu tới 24,4 m mới bắt được nhum. Bên cạnh đó, mỗi con nhum cho một lượng thịt rất nhỏ và chỉ khoảng 18 trong số hàng trăm loài nhum biển có thể ăn được.
Theo các chuyên gia, hương vị của nhum biển thay đổi tùy theo nguồn gốc của nó. Nhum châu Âu có xu hướng mặn, trong khi nhum Nhật thường mịn, nhẹ nhàng hơn về kết cấu và hương vị. Đầu bếp Wakuda cho biết nhà hàng của ông chỉ sử dụng nhum biển Hokkaido do chúng sống ở vùng nước sạch, ăn tảo bẹ nên có hương vị béo như kem, ngọt ngào và chút mùi vị rong biển độc đáo. "Kết cấu món này rất tinh tế, tan chảy trong miệng", ông nói thêm.
Một khay nhum Nhật cao cấp. Ảnh: Zairyo
Hiện có ba loại nhum Nhật phổ biến: murasaki (có màu vàng), aka (vị đắng) và bafun (màu cam, vị ngọt hơn). Để thưởng thức đúng cách, trước tiên người ta cắt, cạy lớp vỏ gai ra rồi trút bỏ chất màu đen bên trong. Đây là hỗn hợp của nội tạng và thức ăn đã tiêu hóa một phần của con nhum. Sau đó, thực khách dùng thìa múc từng phần màu vàng, xếp đều lên khay hoặc ăn kèm các món khác.
Tại Việt Nam, nhum biển nướng mỡ hành là món được yêu thích tại các vùng biển như: Phú Quốc, Nha Trang, đảo Bình Ba... với giá khoảng vài chục nghìn một con đã chế biến.
Diệp Tử