Hugh, một du khách người Scotland, hiện có chuyến du lịch dài ngày tại Việt Nam. Anh đã ghé thăm nhiều nơi như: TPHCM, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội… và dành thời gian trải nghiệm loạt món ăn đường phố với giá bình dân.

Gần đây, trong chuyến đi khám phá ẩm thực Hà Nội , Hugh có dịp thưởng thức một món bún nước dân dã song không kém phần hấp dẫn. Đó là bún dọc mùng.

Địa điểm anh dừng chân là một quán ăn trên phố Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm. Quán mở cửa hoạt động đến nay được 26 năm, là địa chỉ ăn uống quen thuộc của người dân địa phương và du khách nước ngoài nhờ món bún dọc mùng nức tiếng.

bun-doc-mung-1-2906-1724289123497-1724289123643611553981.jpg

Hugh thưởng thức món bún dọc mùng ở một quán ăn vỉa hè trên phố Bát Đàn

Điểm ấn tượng đầu tiên của Hugh khi tới đây là nồi nước dùng nóng hổi bốc khói nghi ngút, tỏa mùi thơm lừng được đặt ngay trước cửa quán. Chủ quán đang thoăn thoắt cho các nguyên liệu vào tô để phục vụ thực khách tới ăn.

Khi được nhân viên đưa tờ thực đơn để gọi món, anh nhìn một lượt rồi quyết định chọn suất bún mọc, dọc mùng thông thường, giá 40.000 đồng.

Theo quan sát của vị khách Tây, quán bún có không gian khá khiêm tốn nên anh quyết định ngồi ăn ở vỉa hè để có trải nghiệm thực thụ như người bản địa, đồng thời dễ dàng quan sát đường phố xung quanh.

bun-doc-mung-2907-1724289124888-17242891250831050925116.gif

Khi khách gọi món, đầu bếp mới chan nước dùng nóng hổi lên trên bát bún dọc mùng

Khi món bún được nhân viên bưng ra, Hugh khá bất ngờ vì trong tô có nhiều loại rau, trông xanh mát. Anh thừa nhận tuy chưa nếm thử nhưng “nhìn đã thấy ngon”.

Chàng trai trẻ cũng tỏ ra sành ăn khi vắt quất (tắc) và cho kèm vài lát ớt cay để món bún thêm hấp dẫn.

Sau đó, người bán hàng còn mang thêm một chén nước mắm để anh có thể nêm nếm cùng món ăn, nếu muốn mùi vị đậm đà hơn.

bun-doc-mung-0-2908-1724289128214-17242891284131542271399.jpg

Vị khách Tây lần đầu thưởng thức bún dọc mùng và liên tục khen ngon

Khi thưởng thức, Hugh nhận xét hương vị món bún dọc mùng rất ngon. “Những viên mọc này dường như được làm thủ công nên thịt khá mềm, mọng, cảm giác như tan trong miệng vậy”, anh miêu tả.

Vị khách Tây còn nếm thử cả quẩy, chấm cùng nước dùng cho mềm, đậm vị hơn. Anh khen quẩy ngon, có lớp vỏ giòn và bên trong mềm, kết cấu giống như “pa-tong-go” - một loại bánh rán nổi tiếng ở Bangkok, Thái Lan.

bun-doc-mung-0-2909-1724289129111-17242891292051009684262.gif

Chàng trai người Scotland khen viên mọc mềm mọng, đậm đà và có mùi thơm

Sau khi thưởng thức các nguyên liệu trong bát bún dọc mùng, Hugh cho hay, theo cảm nhận cá nhân, anh đánh giá món ăn đạt thang điểm 9/10 vì “mùi vị tổng hòa một cách hoàn hảo”.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hải – chủ quán ăn mà Hugh ghé thăm cho biết, quán mở cửa từ năm 1998, chuyên phục vụ món bún dọc mùng cùng 5 nguyên liệu kèm theo như móng, mọc, thịt, lưỡi, sườn.

Thực khách có thể gọi món theo nhu cầu và sở thích, trong đó, bát bún gồm 2 loại thịt, mọc hoặc sườn, mọc có giá 40.000 đồng. Nếu khách ăn từ 3 loại trở lên như sườn, mọc, lưỡi sẽ là 50.000 đồng/bát.

ninh-tito-2910-1724289129953-17242891300401119028380.jpg

Thực khách thưởng thức món bún dọc mùng trên phố Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Dù đây là món dễ ăn nhưng không phải ai cũng thích và thưởng thức được bởi vì có thể bị “ngứa lưỡi” sau khi ăn dọc mùng. Ảnh: Ninh Tito

Theo bà Hải, dọc mùng là nguyên liệu điểm nhấn của bát bún và khâu sơ chế rất mất công để đảm bảo độ giòn sần sật và tránh gây ngứa.

Dọc mùng phải được tước sạch vỏ, đem bóp với muối rồi rửa qua nước sạch nhiều lần. Sau đó, dọc mùng được nén chặt trong chậu để cho ráo nước, đồng thời tăng độ giòn, ngon.

Dọc mùng cũng không thể đun lâu, chỉ thả vào nồi nước dùng sôi lăn tăn cho chín tái rồi vớt ra ngay, tránh làm nguyên liệu bị mềm, nhũn.

Dẫu vậy, nhiều thực khách từng thưởng thức bún dọc mùng vẫn cảm thấy lưỡi ngứa râm ran sau khi ăn, dù cho nguyên liệu đã được sơ chế kỹ lưỡng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022