Năm 2023, du lịch Cửu Trại Câu "khởi đầu thuận lợi" khi đón 126.700 du khách vào tháng Một, tăng 509,1% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước khi xảy ra trận động đất khiến khu du lịch thiệt hại nặng nề. Khu thắng cảnh được cho là đã vượt qua nhiều khó khăn, khắc phục các yếu tố bất lợi như: đóng cửa, xây dựng lại trong hai năm sau động đất và ảnh hưởng của đại dịch. Đặc biệt, từ khi nước này dỡ bỏ các chính sách nghiêm ngặt về "zero Covid", du lịch Cửu Trại Câu lập tức khởi sắc.

cuu-trai-cau-4992-1679483452.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hb6QAqYgiU91z0iMf1Aqug

Du khách tham quan Cửu Trại Câu, tháng 1/2023. Ảnh: sina

Mở cửa trở lại sau trận động đất năm 2017, Cửu Trại Câu đã khai trương 12 danh lam thắng cảnh mới, 7 tuyến du lịch chất lượng cao và 17 khu liên hợp du lịch nông thôn. Điều này đã thu hút lượng lớn du khách. Theo thống kê, ước tính thời gian lưu trú trung bình của du khách tại Cửu Trại Câu đã tăng từ 1,5 ngày (năm 2017) lên 2,3 ngày (năm 2022). Số giường trong các khách sạn được xếp hạng sao cũng tăng từ 18.300 (cách đây 5 năm) lên 21.600 (năm 2023). Để đẩy nhanh quá trình phục hồi du lịch, địa phương cũng tổ chức nhiều hoạt động, quảng bá văn hóa nhằm gây chú ý với khách hàng.

Tại một nhà trọ ở làng Zhima, thị trấn Dalu, huyện Cửu Trại Câu, Lamu - cô gái Tây Tạng - múa điệu Gouzhuang truyền thống với đôi chân nhảy trên trống khiến nhiều du khách thích thú, vỗ tay nồng nhiệt. "Điệu múa Gouzhuang giúp các nhà trọ nhỏ ở đây được biết đến nhiều hơn", cô giải thích. Lamu là một người trẻ bỏ phố về quê lập nghiệp từ mùa hè năm ngoái, quản lý ba nhà trọ.

Làng Zhima ở độ cao hơn 2.700 m, đất đai cằn cỗi và từng là một làng nghèo cấp tỉnh ở Trung Quốc. Năm 2010, Lamu khăn gói đến thành phố lớn lao động. Cô làm đủ nghề như công nhân, phục vụ nhà hàng tại Quảng Đông, Thượng Hải... Những lúc rảnh rỗi, cô thường múa điệu Gouzhuang để vơi nỗi nhớ nhà. Điệu múa uyển chuyển này sau đó đã thu hút sự chú ý của nhiều vũ công. Cô bắt đầu chuyển sang dạy múa Gouzhuang và lập tài khoản mạng xã hội đăng tải video, được hàng trăm nghìn người theo dõi.

cats-7853-1679483453.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=o8DkVWdHvPxygHHbiKrRvQ

Lamu (trái) đang múa điệu Gouzhuang cho du khách xem. Hình phải: Du khách mặc trang phục truyền thống của người Tạng check in Cửu Trại Câu. Ảnh: People

Những lần về thăm quê, cô quay video đăng lên mạng, lập tức trở nên phổ biến. Đặc biệt, phần chú thích: "Chuyển động của múa Gouzhang bắt nguồn từ việc làm nông của người dân Tây Tạng như tuốt lúa mạch, vắt sữa bò" làm nhiều người tò mò, muốn đến Zhima để trải nghiệm cuộc sống. Nhờ vậy, homestay của Lamu có lượng khách nhất định, ít bị ảnh hưởng dù vào mùa du lịch thấp điểm. Yang Yongfang (57 tuổi, Thành Đô), học viên múa qua mạng của Lamu, đã lái xe đến Zhima, theo Lamu tham quan làng trong 4 ngày. "So với việc di chuyển nhanh, 'xuống xe chụp ảnh, lên xe ngủ' như trước kia, trải nghiệm du lịch cùng người địa phương sẽ tốt hơn nhiều", Yang Yongfang nói.

Bên cạnh đó, hiện sóng 5G phủ khắp các danh lam thắng cảnh ở Cửu Trại Câu cũng là điểm cộng không nhỏ. "Khi cánh cổng của danh lam thắng cảnh tạm thời bị đóng cửa, internet mở ra cho bạn một ô cửa sổ", Gao Xiang - một người bán đặc sản thịt bò Tây Tạng (bò Yak) ở Cửu Trại Câu - nói. Anh cho biết nhờ internet, cửa hàng bán nông sản, thịt bò Yak của anh có thể tồn tại qua mùa dịch lẫn trận động đất lớn năm xưa. Du khách không thể đến Cửu Trại Câu, vẫn có thể thưởng thức đồ ăn nhờ mua qua livestream, dịch vụ bán hàng online.

8-1572343857-1679481478-5938-1679483453.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Whi3DMNEEf8foAG_SwSqhw

Mặt nước Cửu Trại Câu trong veo, đẹp như tranh vẽ vào mùa đông 2019 - thời điểm vừa mở cửa trở lại sau hai năm động đất.

Khu thắng cảnh Cửu Trại Câu có nhiều hồ nước màu ngọc lục bảo, thác nước nhiều tầng và những khu rừng rực rỡ sắc màu, được UNESCO công nhận Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1992. Tới nay, Cửu Trại Câu luôn là một trong những điểm du lịch nổi bật của Trung Quốc, góp phần lớn nâng cao đời sống của dân địa phương. Thậm chí, nhiều người dân thoát nghèo, trở nên giàu có nhờ du lịch.

Công viên đã buộc phải đóng cửa do trận động đất mạnh 7 độ Richter vào ngày 8/8/2017 khiến phần lớn các điểm tham quan chính bị hư hại nặng nề. Trải qua một thời gian sửa chữa, Cửu Trại Câu mở cửa thử nghiệm một số hạng mục vào ngày 8/3/2018. Ba tháng sau, công viên tiếp tục đóng cửa thêm do lo ngại rủi ro địa chất có thể xảy ra, nguy hiểm đến du khách. Đến ngày 27/9/2019, Cửu Trại Câu chính thức mở cửa đón khách trở lại. Sau đó, tình hình du lịch ở đây tiếp tục bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Diệp Tử (theo people)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022