Sau 2 năm đại dịch bùng phát khiến thị trường giải trí, nghệ thuật biến động, Vpop đã có sự trở lại thành công trong năm 2022. Những gương mặt mới xuất hiện. Những bản hit và thể loại âm nhạc mới dần thay thế dòng nhạc đã bám rễ ở Vpop là ballad.
Từ bối cảnh đó, có thể dự đoán phần nào bức tranh nhạc Việt năm 2023. Ballad vẫn có sức sống bền bỉ nhưng không còn chiếm thế độc tôn. Sự thịnh hành và đa dạng của nhiều dòng nhạc, phong cách với lối sản xuất MV được đầu tư giúp Vpop hấp dẫn hơn.
Đó là kỳ vọng của nhiều nhạc sĩ, nhà sản xuất về Vpop khi trò chuyện với Zing vào dịp đầu năm.
Bức tranh nhạc Việt năm 2022
“Sau 2 năm đại dịch, thị trường nhạc Việt có sự thay máu đáng kể trong năm 2022. Có thể thấy những gương mặt mới xuất hiện nhiều hơn và nhận được nhiều cảm tình từ đại chúng. Trong khi đó, những nghệ sĩ hoạt động lâu năm đang có dấu hiệu chững lại và loay hoay không biết nên làm gì để có thể giữ vững vị trí cũng như tiếp tục phát triển âm nhạc của riêng mình”, nhạc sĩ kiêm nhà sản xuất RIN9 nhận định.
Theo nhà sản xuất này, 2022 là năm các thể loại âm nhạc khác ngoài ballad lên ngôi và được khán giả đón nhận. Đồng quan điểm, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường cho rằng năm 2022, Vpop có sự hồi phục đáng kể sau thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và nhạc Việt đang trên đà phát triển. Xu hướng nổi bật nhất năm qua là sự cạnh tranh giữa các sản phẩm nhạc pop và điện tử.
Tăng Duy Tân (ảnh trái) và MONO có một năm hoạt động thành công. Ảnh: NVCC.
Bằng chứng là sự thành công của MONO và Tăng Duy Tân hay các bản hit phủ sóng nhạc Việt năm qua như Gieo Quẻ, Có Không Giữ Mất Đừng Tìm… MONO với Waiting For You và Tăng Duy Tân Bên Trên Tầng Lầu hẳn là hai trong những ca khúc nổi tiếng nhất Vpop thời gian qua. Waiting For You mang âm hưởng city pop sôi động, bắt tai, trong khi Bên Trên Tầng Lầu thuộc thể loại deep house - một nhánh của nhạc điện tử.
Bên cạnh họ, sự cá tính trong âm nhạc của những ca sĩ trẻ như Phùng Khánh Linh, Grey D, Wren Evans, Mỹ Anh… cũng là điểm sáng của Vpop năm qua đồng thời hứa hẹn về tương lai bùng nổ hơn cho nhạc Việt. Từ khi ra mắt, Mỹ Anh vẫn khá trung thành với thể loại R&B và sản phẩm mới nhất của cô là Mỗi Khi Anh Nhìn Em có chất nhạc R&B, Soul.
Trong khi đó, Wren Evans được chú ý khi ra mắt EP đầu tay Chiều Hôm Ấy Anh Thấy Màu Đỏ. Sản phẩm có 8 ca khúc thuộc nhiều thể loại do anh tự sáng tác, hòa âm, phối khí, hát và rap. Đây là EP mang đậm màu sắc cá nhân của nam ca sĩ.
Trong Top 10 ca khúc xuất sắc của năm do Zing MP3 công bố và được bình chọn bởi hội đồng âm nhạc gồm những chuyên gia nổi tiếng quốc tế lẫn trong nước, Có chơi có chịu, Cô đơn trên sofa, Có không giữ mất đừng tìm, Gieo Quẻ, Vì Mẹ Anh Bắt Chia Tay, Waiting For You… xuất hiện.
Trong khi đó, Như Anh Đã Mong Chờ (Hari Won), Kỳ Vọng Sai Lầm (Tăng Phúc), Cứu Vãn Kịp Không (Vương Anh Tú), Chúng Ta Làm Bạn Được Không (Thiều Bảo Trâm), Quên Hay Tha Thứ (Dương Hoàng Yến), Đáp Án Cuối Cùng (Quân AP)... chính là minh chứng cho việc ballad có giai điệu, ca từ buồn não nề đã bão hòa, đến thời điểm thoái trào.
Đương nhiên, vẫn có những ca khúc ballad được đón nhận nhưng số lượng không nhiều và sức nóng lẫn sức bền đều không bằng các sản phẩm của Tăng Duy Tân, MONO…
Mỹ Anh (ảnh trái) và Phùng Khánh Linh là những gương mặt được kỳ vọng.
Vpop trên đà phát triển
Nói về thị trường âm nhạc năm 2023, nhà sản xuất RIN9 dự đoán những gương mặt mới tiếp tục phát triển và có thể dẫn đầu thị trường âm nhạc. Ballad truyền thống sẽ dần thoái trào, nhường lại hào quang cho những thể loại mới mẻ hơn, đặc biệt R&B cùng những bản nhạc điện tử bắt tai, dễ nghe, dễ thuộc.
“Trong năm 2022, nhạc R&B đang có xu hướng trở lại vị trí top đầu ở thị trường US-UK và Kpop. Do đó, tôi nghĩ ở Vpop, dòng nhạc R&B sẽ trở lại. Chẳng hạn, cá nhân tôi trước đây, ở vai trò nhạc sĩ, tôi chỉ viết nhạc theo theo yêu cầu khách hàng hoặc những ca khúc ballad để chiều lòng đại chúng. Năm 2023, khi tệp khán giả Gen Z cùng trang lứa với tôi chiếm phân khúc lớn hơn, tôi hy vọng có thể bớt ép bản thân già trước tuổi và sẽ làm ra những sản phẩm tươi mới, trẻ trung, đúng xu hướng hơn”, RIN9 nói.
Wren Evans có phong cách âm nhạc khác biệt.
RIN9 cho rằng sự phát triển của các nền tảng tiếp tục tác động mạnh mẽ lên văn hóa, âm nhạc Việt Nam năm 2023. Có thể sớm nhìn thấy Vpop 2023 với diện mạo không quá khác biệt so với năm 2022, đó là sự thịnh hành của những ca khúc nhạc điện tử bắt tai với mục đích lan tỏa trên các nền tảng, mạng xã hội.
Nhà sản xuất trẻ cho rằng bất kỳ ai từ chối thích nghi, chắc chắn sẽ bị bỏ lại ở phía sau. Do đó, ai viết nhạc pop ở hiện tại đều biết sự bắt tai là yếu tố tiên quyết của nhạc pop và nó phải xuất hiện trước mốc thời gian 1 phút đầu tiên, thậm chí gói gọn trong khoảng 20 giây.
“Về vấn đề ca từ, một hitmaker tôi rất yêu thích là Max Martin từng nói nhạc pop phải có ca từ đơn giản để kể cả một đứa trẻ 6 tuổi cũng có thể hiểu được. Tôi nghĩ sự bắt tai và ca từ đơn giản là cốt lõi của nhạc pop trong thời gian tới”, RIN9 nhận định với Zing.
Phần hình ảnh và ý tưởng MV, album thường bị xem nhẹ suốt nhiều năm trước ở Vpop chắc chắn được chú trọng trong năm 2023. Có nhiều dấu hiệu cho thấy nghệ sĩ Việt ngày càng đầu tư cho thông điệp, concept của MV, album. Đầu tiên, đây là xu hướng chung của thị trường âm nhạc thế giới khi khán giả ngày càng khó tính, đòi hỏi cao về cả âm nhạc lẫn hình ảnh. Nhiều sản phẩm chất lượng được phát hành năm qua là dấu hiệu tiếp theo để khán giả có thể tin tưởng vào tương lai đó.
Năm qua, loạt MV Gieo Quẻ, See Tình và Đánh Đố của Hoàng Thùy Linh đều ấn tượng về phần nghe lẫn phần nhìn. Đặc biệt, See tình và Đánh đố được xây dựng theo hình thức MV Visualizer. Góc máy, hiệu ứng chuyển động, bối cảnh đan xen thật - ảo đều được chăm chút. Trong khi đó, Cơn đau của ca sĩ trẻ Wren Evans tuy không có cốt truyện rõ ràng nhưng lại thu hút nhờ phần trang phục, ý tưởng sản xuất độc đáo, khác biệt.
E.P Yên (Hoàng Dũng), Cong (Tóc Tiên), Colours (Hứa Kim Tuyền), Citopia (Phùng Khánh Linh), Link (Hoàng Thùy Linh)… đều là những sản phẩm được ê-kíp đầu tư về ý tưởng, thời gian, công sức lẫn tiền bạc.
Theo Zing