Cũng không ai nghĩ một ngày kia có chàng rapper đưa cả từ cảm thán quen thuộc của người Tày “à lôi” vào trong bài hát của mình: “Tại vì thích em nhiều quá nhưng em lại nói là “à lôi”/ Cũng định solo hiphop cùng với trai bản nhưng mà thôi/ Anh gửi vào trong câu rap cho em dính cả thính, cả mồi/ Nhà em có mấy quả đồi, ừ thì anh cũng tính cả rồi…”. Cứ tưởng những “món ăn tinh thần” ấy kén người nghe, người xem thế mà nổi rần rần…
Tác giả Tạ Quang Thắng hát “Lá cờ”
Khai phá những “miền đất” khác
Không thể phủ nhận sức hấp dẫn của những ca khúc về tình yêu lứa đôi. Trong những bài hát ăn khách vài năm gần đây thì bài hát về chủ đề tình yêu lứa đôi phải chiếm ít nhất một nửa.
Riêng Tăng Duy Tân không ca khúc nào “hot” mà nằm ngoài “miếng đất” này: “Dạ vũ”, “Bật tình yêu lên”, “Cô đơn trên sofa”, “Bên trên tầng lầu”, “Cắt đôi nỗi sầu”… Nhưng biết đâu trong tương lai Tăng Duy Tân cũng sẽ “đổi gió” như Đông Thiên Đức?
Chủ nhân “Ai chung tình được mãi”, “Ngày mai người ta lấy chồng”… đến một ngày lại sinh nở “Một vòng Việt Nam” khá mới lạ, bất ngờ. Chính Đông Thiên Đức cũng định phải đến 45-50 tuổi mới khai thác đề tài này.
Một trong những tác giả trẻ có “thương hiệu” hiện nay chính là Phan Mạnh Quỳnh. Xem lại gia tài ca khúc của Phan Mạnh Quỳnh phần nào lý giải được độ nóng bền của tên tuổi này. “Món ăn tinh thần” của anh khá đa dạng, không chỉ bó gọn trong tình yêu lứa đôi, dù mảng đề tài này vẫn là chủ lực với “Hẹn ước từ hư vô”, “Ngày chưa giông bão”, “Sau lời từ khước”… hay “Vợ người ta”.
Nhưng Phan Mạnh Quỳnh còn có “Nước ngoài” thấm thía: “Ngày chưa biết quê ta nghèo/ Chỉ mơ bước đi muôn nẻo/ Thả đôi cánh bay xa hoài/ Oh oh Nước ngoài…”.
Hay “Tết về sớm nhé” ấm áp, nhắc nhở người trẻ đừng để đời cuốn đi, nên dành dụm thời gian về nhà sum họp tìm lại yêu thương thuần khiết, niềm vui, vẻ đẹp thuần khiết: “Ở chỗ quê ta/ Hăm ba là đã thấy Tết với những gánh hàng ngập đường/ Nào hoa nào hương, người mua kẻ bán, sắc màu rộn ràng/ Và đêm ba mươi chị em dành nhau thức canh giao thừa/ Ôi cả tuổi thơ”…
Ngay mùa COVID khốc liệt, Phan Mạnh Quỳnh cũng không đứng ngoài lề, anh cho ra đời ca khúc chống dịch “Cả nước không ưa em”. Có những người ngại viết ca khúc tuyên truyền song Phan Mạnh Quỳnh lại khác, anh cho mình sự tự do trong sáng tạo, không câu nệ đề tài. Có khán giả nhận xét vui: Phan Mạnh Quỳnh còn là nhạc sĩ phản ánh thời sự bằng âm nhạc.
Nhạc sĩ, ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh
Thực ra, Phan Mạnh Quỳnh hay Đông Thiên Đức không phải những người viết trẻ mở đầu cho phong trào chạy ra khỏi dòng ngôn tình ngọt đến sâu răng hoặc chia ly đau khổ.
Hơn chục năm trước, tác giả Tạ Quang Thắng từng nổi tưng bừng với bài “Lá cờ”: “Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc - Nam/ Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe những câu chuyện của cha/ Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem/ Không biết bo bo là gì, chỉ còn lại trong ký ức của mẹ”… Và bài hát khép lại: “Để rồi nay bước trên con đường đời/ Dù bao gian khó chông gai đời tôi/ Đứng dưới bóng cờ là con tim ngân lên tiếng ca/ Đoàn quân Việt Nam đi…”.
Nhiều khán giả để lại bình luận khi nghe Tạ Quang Thắng hát “Lá cờ”: “Tự hào Việt Nam, đất nước tôi”; “Nghe bài hát thấy yêu lắm. Yêu đất nước, yêu lịch sử đất nước…”; “Trái tim tôi rung lên theo ca từ. Ôi lá cờ Tổ quốc, thiêng liêng và cao quý biết bao”… Thậm chí, có tài khoản bày tỏ, họ đã khóc khi nghe “Lá cờ”.
Một tác giả khác, Lê Thiện Hiếu, cũng không biết tem phiếu với bo bo là gì lại kể chuyện thời ông bà sống và yêu: “Ông bà anh yêu nhau thời chưa có ti vi/ Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi/ Ông thường đưa bà anh đi dạo quanh/ Trên con ngựa sắt Thống Nhất màu xanh”… Rồi tác giả “Ông bà anh” soi đến tình yêu thời nay: “Anh và em yêu nhau thời xe máy, ô tô/ Anh và em yêu nhau thời Facebook, Zalo/Anh và em yêu nhau thời tay cầm smartphone…”.
Lê Thiện Hiếu kết bài trong ao ước: “Anh muốn có một tình yêu màu xanh ngát xanh/ Như ông bà anh”. Nhiều người trẻ chắc cũng ước mơ như Lê Thiện Hiếu, nên bài hát “Ông bà anh” nhanh chóng “viral”. Chương trình đang được đánh giá “bom tấn” hiện nay “Anh trai say hi”, cũng có ca khúc bùng nổ về đề tài đất nước, như bài “Anh trai nước Việt”: “Từng luỹ tre, từng cánh sen đã nuôi ta khôn lớn/ Lòng khắc ghi và biết ơn từng lời dạy trong tim/ Dùng sức trai để chứng minh: Việt Nam luôn toả sáng như những vì sao”.
Không có con đường trải hoa hồng
Không ít tác giả trẻ ấp ủ dự định viết những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi lãnh tụ. Nhưng họ gặp khó khăn không nhẹ, trước hết là ám ảnh từ những thành công của người đi trước.
Như đề tài đất nước, cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991) từng ghi dấu ấn với “Việt Nam quê hương tôi” sáng tác năm 1960. Thế hệ 7X cũng có Phương Uyên với “Tôi yêu”: “Tôi yêu bao con phố quen/ Yêu cánh đồng/ Yêu hạt lúa thơm/ Yêu cơn mưa rơi trước thềm/ Yêu nắng dài trên tà áo em bay…”.
Tác giả Lê Thiện Hiếu với ông bà, những nhân vật trong ca khúc gây “bão” một dạo: “Ông bà anh”
Đông Thiên Đức chia sẻ với phóng viên Tiền Phong rằng anh viết “Một vòng Việt Nam” theo “đơn đặt hàng”. Nhưng “đơn đặt hàng” này không dễ hoàn thành: “Khó thật khó cho một người trẻ chưa từng kinh qua mùi đạn pháo chiến tranh, mà lại phải viết về những kiên cường anh dũng mà thế hệ cha ông từng trải. Tôi nhớ là tôi phải dành mất gần một tháng liền chỉ để đọc và tìm hiểu. Tôi đọc rất nhiều những bài thơ, bài viết về đất nước. Tôi nghe rất nhiều bài nhạc từ dòng quê hương, dân ca đến nhạc Đỏ, nhạc tiền chiến… Nhưng cái kết tôi nhận được là sau một tháng nghiền ngẫm tôi dường như bị rối loạn ngôn ngữ và cảm xúc. Chính việc bắt mình viết theo những điều mà mình chưa hề thấy tận mắt, nghe tận tai lại càng khó hơn. Nói đơn giản thế này. Viết một câu chuyện về ma sẽ dễ hơn nhiều, vì chưa ai thấy ma, tác giả được tự do tưởng tượng, không lo bị chứng thực, kiểm nghiệm. Còn đề tài quê hương đất nước, phải làm sao cho khán giả nghe và cảm nhận được lòng yêu nước trong tim mình. Phải viết về một đoạn giai đoạn lịch sử mà chính nhân dân ta đã anh dũng viết nên, có máu, có nước mắt, có chia ly… Ai dám tự tưởng tượng ra rồi viết, mặc kệ đúng sai?”.
Ban đầu, “Một vòng Việt Nam” được Đông Thiên Đức viết theo cách nhìn của thế hệ trước và thất bại. Đến khi tác giả chịu thay đổi góc nhìn, đó là góc nhìn của người trẻ sống trong thời bình về đất nước mình thì chỉ trong 45 phút “Một vòng Việt Nam” đã ra đời. Nhưng “Một vòng Việt Nam”, “Lá cờ”… có trở thành bài ca đi cùng năm tháng hay không thì vẫn rất cần nhiều thời gian để kiểm chứng. Những “hot”, “hit” trong âm nhạc bây giờ đến nhanh mà tàn cũng nhanh.
Một điểm yếu khác của người viết trẻ hiện nay là việc sử dụng từ ngữ dễ gây tranh cãi.
Thí dụ “Một vòng Việt Nam” gây tranh cãi ở “người Việt da nâu, mắt đen”. “Nước ngoài” của Phan Mạnh Quỳnh cũng không phải không có điểm trừ ở câu chữ: “Vì con đi kiếm đồng tiền/ Cho thôi ngày sau bần tiện/ Nên xin mẹ chớ buồn phiền”. Dùng từ “bần tiện” có ổn khi hướng về “quê ta nghèo”? Bởi nghèo không đồng nghĩa với hèn, với đáng khinh. Đói vẫn có thể sạch, rách vẫn có thể thơm kia mà!
Theo Tiền Phong